Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hồ Dầu Tiếng:
Ngư dân than phiền vì ghe ủi xuyệt, ghe cào hến
Thứ năm: 10:35 ngày 06/04/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Hiện nay, nhiều người vẫn còn sử dụng ngư cụ cấm để đánh bắt thuỷ sản trong hồ Dầu Tiếng. Trong số các loại ngư cụ cấm thì ghe ủi xuyệt (ghe ủi cá có lắp điện vào khung lưới) và ghe cào hến là hai loại ngư cụ vẫn còn phổ biến.

3 chiếc ghe đang cào hến tại khu vực gần đảo Nhím, đoạn giáp ranh giữa địa bàn xã Suối Đá và xã Tân Thành.

Ghe ủi xuyệt và ghe cào hến thường hoạt động tại khu vực gần đảo Nhím, đoạn giáp ranh giữa địa bàn xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu và xã Tân Thành, huyện Tân Châu. Thời điểm hoạt động thường diễn ra từ 17 giờ hôm trước đến 7 sáng hôm sau đối với ghe ủi xuyệt. Ghe cào hến thường hoạt động vào buổi trưa, chiều.

Một ngư dân chuyên đánh bắt cá bằng lưới thưa than phiền là lưới của ông hay bị đứt, rối hoặc mất do bị vướng ghe cào, ghe ủi.

Trong khi một chủ chòi lưới vó cho hay cũng không hài lòng khi ghe ủi xuyệt đến gần vó, do tiếng nổ lớn của động cơ cùng với dòng xung điện mạnh phát ra làm cho cá hoảng loạn không vào vó.

Kể cả những ngư dân ủ chà cũng "đại kỵ" với hai loại ngư cụ trên, vì nếu đóng chà bị ghe ủi, ghe cào tác động sẽ làm thay đổi vị trí sắp xếp ban đầu gây khó dỡ chà để bắt cá, các loại cá cũng không trú trong đống chà.

Theo ý kiến của ông H, một người dân có cây trồng trên đảo Nhím, cần quản lý chặt chẽ hơn đối với hai loại ngư cụ trên. Vì ghe ủi xuyệt ngoài việc đánh bắt cá theo kiểu tận diệt, huỷ hoại môi trường sinh thái dưới nước còn tiềm ẩn nguy hiểm đến tính mạng của người sử dụng ngư cụ.

Cũng theo nhận định của ông H, riêng ghe cào hến làm xáo trộn lớp bùn đất dưới đáy hồ, gây đục nước, ảnh hưởng hệ sinh thái thuỷ sinh. Trong khi ghe cào hoạt động còn làm cho lớp đất, đá, sạn, cát dưới đáy hồ bị di chuyển đi chỗ khác hoặc bị nước cuốn trôi nham nhở, phá vỡ kết cấu tự nhiên của đáy hồ.

Thực tế, cơ quan chức năng cũng thường xuyên tổ chức các đợt kiểm tra, xử lý những trường hợp sử dụng ngư cụ cấm trong hồ Dầu Tiếng. Tuy nhiên, hồ rộng, ngư dân đông, nhiều nhánh sông suối thông với hồ, người sử dụng ngư cụ cấm khi phát hiện lực lượng chức năng từ xa đã gọi điện thông báo nhau để tránh né… gây khó khăn cho công tác quản lý.

Ở một khía cạnh khác, đa số ngư dân trong hồ Dầu Tiếng đều có hoàn cảnh khó khăn nên việc xử lý còn có sự nể nang, chưa dứt điểm. Thế nhưng, để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản bền vững nhằm duy trì sinh kế lâu dài cho ngư dân thì việc xử lý các loại ngư cụ cấm trong hồ Dầu Tiếng cần quyết liệt hơn nữa, để lập lại trật tự đánh bắt thuỷ sản theo hướng thân thiện với môi trường và bảo đảm nguồn cá được phát triển.

Minh Quốc

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục