Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 16.000 người khuyết tật (NKT). Số hộ có NKT nặng, đặc biệt nặng là 8.261 hộ. Trong những năm qua, công tác trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan. Các chính sách, chế độ trợ giúp cho đối tượng NKT về đời sống, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng (PHCN), tiếp cận văn hoá... được thực hiện kịp thời, đúng theo quy định, tạo điều kiện để nhiều người NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Trao xe lăn, xe lắc cho người khuyết tật.
Theo thống kê, toàn tỉnh có trên 16.000 người khuyết tật (NKT). Số hộ có NKT nặng, đặc biệt nặng là 8.261 hộ. Trong những năm qua, công tác trợ giúp NKT trên địa bàn tỉnh đã đạt nhiều kết quả khả quan.
Các chính sách, chế độ trợ giúp cho đối tượng NKT về đời sống, giáo dục, chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng (PHCN), tiếp cận văn hoá... được thực hiện kịp thời, đúng theo quy định, tạo điều kiện để nhiều người NKT vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
Thời gian qua, tỉnh đã triển khai thực hiện “Ðề án trợ giúp người khuyết tật” giai đoạn 2016-2020. Trong số các hoạt động trợ giúp NKT theo đề án, công tác chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng (PHCN) cho NKT được chú trọng đẩy mạnh.
Ông Trần Văn Sỹ- Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Hiện mạng lưới PHCN đã được tăng cường từ tuyến tỉnh đến tuyến xã. Ðến nay, toàn tỉnh có 100% trung tâm y tế huyện, thành phố có bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyên ngành PHCN; 100% trạm y tế xã có cán bộ y tế phụ trách công tác PHCN. Trong đó, có 6/9 trung tâm tế huyện, thành phố đã có đơn vị PHCN đi vào hoạt động”.
Bắt đầu triển khai từ cuối năm 2016, đơn vị PHCN của Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu đã thu hút trên 4.000 lượt bệnh nhân đến khám và trị liệu. Anh Vũ Thế Anh, ngụ khu phố 4, thị trấn Dương Minh Châu bị chấn thương tay trái trong một lần va chạm giao thông.
Sau chấn thương, tay trái của anh gần như không còn cử động được nữa. Anh Thế Anh đã thực hiện trị liệu một thời gian ở Trung tâm PHCN tỉnh, nhưng do nơi điều trị ở khá xa nhà, lại không có điều kiện trị liệu liên tục theo chỉ định nên cánh tay bị thương chưa thể hồi phục. Năm 2017, biết Trung tâm Y tế huyện có đơn vị PHCN, anh đã tìm đến.
Sau một thời gian trị liệu tại đây, hiện tình trạng sức khoẻ của anh đã có tiến triển tốt. Cánh tay của anh đang dần cử động lại được. “Bây giờ tôi đã có thể giơ tay lên xuống, bớt đau hơn trước. Tôi từng nghĩ mình sẽ bị tàn phế suốt đời, nhưng có cơ hội phục hồi, tôi mừng lắm! Vì thế, tôi luôn cố gắng tập luyện theo chỉ định của bác sĩ”- anh Thế Anh vui vẻ cho biết. Chị Trương Thị Thắm, một bệnh nhân ngụ tại ấp Phước Lợi 2, xã Suối Ðá đang trị liệu tại đơn vị PHCN huyện Dương Minh Châu cho hay chị bị gãy đầu trên xương trụ của tay trái, làm cứng khớp khiến chị cử động tay rất khó khăn.
Vào trung tâm, chị được các kỹ thuật viên hướng dẫn tập các dụng cụ tay. Bây giờ, chị đang dần phục hồi chức năng của tay, hạn chế được khuyết tật đáng tiếc xảy ra.
Thạc sĩ, bác sĩ Võ Duy Nhân, Phó khoa Nội - Nhi - Nhiễm - Y học cổ truyền - PHCN Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu cho biết, mỗi ngày có 20 đến 30 bệnh nhân đến khám và trị liệu PHCN. Các bệnh nhân được khám, định hướng PHCN, tuỳ theo mức độ tật, mỗi bệnh nhân sẽ được định hướng PHCN khác nhau và PHCN theo nhu cầu của đối tượng. Nhờ tham gia trị liệu kịp thời, nhiều bệnh nhân đã phòng ngừa và ngăn chặn được khuyết tật, người khuyết tật có cơ hội được cải thiện chức năng, giảm hậu quả của khuyết tật”.
Theo bác sĩ CKI Lâm Thị Tợi- Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Dương Minh Châu, PHCN làm giảm tối đa các tác động của giảm chức năng và khuyết tật, giúp phòng ngừa khuyết tật, và NKT có cơ hội được tái hoà nhập cộng đồng. Nhận thức được tầm quan trọng của PHCN, trung tâm đang dần củng cố đơn vị PHCN để đáp ứng nhu cầu tiếp cận dịch vụ PHCN của NKT.
Hiện nay, đơn vị PHCN của trung tâm có trên 40 thiết bị, dụng cụ, cơ bản đáp ứng nhu cầu trị liệu của các đối tượng, giúp giảm chi phí, thời gian trong việc đi lại của bệnh nhân; đặc biệt giảm tải cho bệnh viện, Trung tâm PHCN các tuyến trên.
Ngoài việc chú trọng phát triển mạng lưới PHCN, công tác phát hiện sớm, can thiệp sớm, trị liệu cho trẻ em khuyết tật trên địa bàn tỉnh cũng được ngành chức năng quan tâm đẩy mạnh. Ðược triển khai bởi Trung tâm Phát triển sức khoẻ bền vững (Viethealth), cùng với sự phối hợp giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Ðào tạo, tháng 8.2017,
Dự án tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật được triển khai thực hiện, với mục đích nâng cao chất lượng cuộc sống cho trẻ khuyết tật dưới 6 tuổi và gia đình của trẻ, thông qua mô hình can thiệp toàn diện về phát hiện sớm, can thiệp sớm cùng với các dịch vụ y tế, giáo dục và phát triển, hoà nhập xã hội.
Dự án đã hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực cho cán bộ thuộc 3 sở tuyến cơ sở về công tác sàng lọc trẻ khuyết tật tại cộng đồng.
Từ hoạt động sàng lọc, ngành chức năng phát hiện được 2.945 trẻ nghi ngờ có dấu hiệu khuyết tật, trong đó có 1.020 trẻ cần được can thiệp. Dự án cũng đã can thiệp cho 234 trẻ khuyết tật về giáo dục đặc biệt và phục hồi chức năng; hỗ trợ 33 trẻ chuyển tuyến.
Em Lê Hoàng Khôi, 6 tuổi, ngụ tại ấp Bình Lợi, xã Hảo Ðước, huyện Châu Thành sinh ra bị bại não, hai chân bị khoèo và trật khớp háng. Bà Nguyễn Thị Hường- bà ngoại của Khôi cho biết do Khôi không được phát hiện, can thiệp và trị liệu sớm nên bệnh tình ngày càng nặng.
Từ nhỏ, Khôi đã không thể đi lại được. Sau khi tham gia vào chương trình trị liệu cho trẻ em khuyết tật, Khôi đã được phẫu thuật để chữa chân khoèo và trật khớp háng, đã được định hướng tập PHCN tại nhà. Nhờ kiên trì tập luyện, hiện Khôi bắt đầu đi lại được. Khôi cũng đã được giáo viên có chuyên môn về trẻ khuyết tật dạy kiến thức và kỹ năng để có thể tự tin hoà nhập khi đến trường.
Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NKT là một trong những nội dung quan trọng trong công tác trợ giúp NKT ổn định cuộc sống, sớm hoà nhập cộng đồng. Thời gian qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã thực hiện các chính sách, khuyến khích NKT tham gia học nghề để tạo việc làm.
Thế nhưng, số lượng NKT đăng ký học nghề ở các địa phương vẫn còn hạn chế. Bà Lê Thị Hiếu Thảo- Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Châu Thành cho biết: “Trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn, huyện chú trọng tuyên truyền, vận động NKT tham gia học nghề. Thế nhưng, trên địa bàn huyện không có NKT đăng ký học”.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2016, số NKT đăng ký học nghề còn hạn chế do nhiều nguyên nhân như: NKT còn mặc cảm, tự ti nên có tâm lý e ngại khi tham gia học nghề; nhiều gia đình NKT là hộ nghèo, ở nông thôn, nhận thức còn thấp nên không khuyến khích NKT đi học nghề, mà ở nhà trông nhà, làm việc nội trợ...
Qua khảo sát thực tế, có rất nhiều NKT có sức khoẻ vẫn mong muốn được học nghề, có việc làm để giảm bớt sự lệ thuộc vào gia đình. Anh Nguyễn Trường Sơn, ngụ tại ấp Long Yên, xã Long Thành Nam, huyện Hoà Thành tâm sự, dù bị khuyết tật đôi chân nhưng đôi tay của anh vẫn còn khoẻ.
Thời gian trước, anh có đi làm ở một lò gạch thủ công. Sau đó, lò gạch giải thể, anh bị thất nghiệp. Anh cũng cố sức đi tìm việc làm ở khắp nơi, nhưng không ai chịu nhận một người khuyết tật như anh vì nghi ngại sức khoẻ không bảo đảm công việc.
Chẳng biết làm gì để sống, đỡ đần vợ nuôi hai đứa con ăn học, anh đành chọn nghề bán vé số mưu sinh. Theo anh, công việc bán vé số bấp bênh, anh muốn học nghề nào đó để có việc làm ổn định. Do chưa có điều kiện, anh đành gắn bó với cái nghề bán vé số.
Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin Trường cao đẳng Sư phạm Tây Ninh năm 2016, nhưng em Lê Hồng Phi, bị khuyết tật tay (xã Long Thành Bắc, huyện Hoà Thành) vẫn phải loay hoay tìm việc làm.
Cách đây hai tháng, em Phi mới tìm được công việc (trông giữ một tiệm internet). Làm việc trên 12 tiếng mỗi ngày, em chỉ nhận được từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Phi cho biết, em rất thích nghề sửa máy tính, nhưng đi xin việc làm nhiều nơi không có người nhận. Rất vất vả để tìm được công việc này nên Phi phải ráng đeo bám để không làm gánh nặng cho gia đình.
Có thể nói, hoạt động trợ giúp NKT ở các lĩnh vực đang được quan tâm, tăng cường, giúp NKT có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ xã hội. Tuy nhiên, NKT vẫn còn gặp nhiều rào cản nhất định về trình độ, sức khoẻ, kỳ thị xã hội, khiến việc hoà nhập gặp nhiều khó khăn. Với NKT, học được nghề đã khó, tìm được việc làm còn khó hơn gấp vạn lần.
Ðể NKT thực sự hoà nhập với cộng đồng, thiết nghĩ, ngành chức năng cần có những giải pháp thúc đẩy triển khai dạy nghề cho NKT gắn với giải quyết việc làm, hỗ trợ sinh kế phù hợp để NKT phát huy khả năng vươn lên trong cuộc sống, giảm gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bên cạnh đó, NKT phải chủ động nâng cao nhận thức của bản thân về tiếp cận PHCN, việc làm, đừng trông chờ ỷ lại, bởi, để hoà nhập cộng đồng cần dựa vào bản thân NKT là chính.
THẾ ANH