Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Ngược dòng làm nên 'phép màu châu Á', con số bất ngờ của Việt Nam
Thứ ba: 10:07 ngày 22/12/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Làm nên 'phép màu châu Á", Việt Nam đứng trước cơ hội hiếm có để bứt phá khi lọt vào top những nền kinh tế vượt qua đại dịch, tăng trưởng dương và thu hút được sự chú ý của giới đầu tư toàn cầu.

Vượt qua thách thức

Chiều 21/12, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã có báo cáo “Điểm lại” với những đánh giá tích cực về nền kinh tế Việt Nam. WB dự báo, Việt Nam sẽ tăng trưởng gần 3% trong 2020, trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4%.

Như vậy, ước tính của Ngân hàng Thế giới cao hơn nhiều so với dự báo của các tổ chức công bố gần đây. Nó cao hơn nhiều so với dự báo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố trong hơn 1 tuần trước với ước tính tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 2,3%, hay mức 2,4% của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), hoặc 2,8% của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR)…

Các báo cáo càng về thời điểm cuối năm càng thêm phần sáng sủa với dự báo tốc độ tăng GDP được nâng dần lên. Một kết quả đầy bất ngờ và lạc quan cho Việt Nam.

WB có những dự báo tích cực về kinh tế Việt Nam.

Về triển vọng trung và dài hạn, các dự báo đều tích cực. Theo WB, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2021 và sẽ ổn định quanh mức 6,5% các năm tiếp theo. Trước đó, ADB cũng dự báo tăng trưởng trong năm 2021 của Việt Nam là 6,1%. IMF dự báo 6,4%.

Nguyên nhân Việt Nam ngược dòng thế giới, ghi nhận tăng trưởng dương và thuộc nhóm cao nhất thế giới không thay đổi, chủ yếu là nhờ Việt Nam ứng phó kịp thời và ngăn chặn thành công dịch Covid-19.

Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam đã làm rất tốt vai trò của mình trong công cuộc ứng phó với đại dịch Covid-19. Các biện pháp được đưa ra nhanh chóng và kịp thời đã giúp nền kinh tế quay lại giai đoạn phục hồi một cách nhanh chóng.

Theo WB, Việt Nam có kết quả tốt là nhờ khả năng chống chịu của cả khu vực kinh tế trong nước và kinh tế đối ngoại. Không những kiềm chế được đại dịch bằng những biện pháp sớm, quyết liệt và sáng tạo, Chính phủ còn sử dụng các chính sách tài khóa và tiền tệ để tháo gỡ khó khăn cho khu vực tư nhân và thúc đẩy phục hồi. Chẳng hạn, chi tiêu công bắt đầu tăng trở lại sau 3 năm thắt chặt tài khóa. Trong 9 tháng đầu năm 2020, giải ngân đầu tư công đã tăng đến 40% so với cùng kỳ năm trước.

Khu vực kinh tế đối ngoại - động lực tăng trưởng kinh tế chính của Việt Nam trong thập kỷ qua - đạt kết quả rất tốt kể từ khi khủng hoảng Covid bắt đầu. Việt Nam dự kiến sẽ đạt mức xuất khẩu hàng hóa đạt thặng dư lớn nhất từ trước đến nay đồng thời dự trữ ngoại hối tăng. Dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam kết hợp với xuất khẩu hàng hóa tăng mạnh đã bù đắp cho thất thu về ngoại tệ do hoạt động du lịch suy giảm và nguồn kiều hối bị thu hẹp.

Sau “phép màu châu Á”, Việt Nam có triển vọng bứt phá

Từ hồi giữa tháng 9, Việt Nam bắt đầu được truyền thông quốc tế biết đến là "phép màu châu Á" khi hàng loạt các tờ báo liên tiếp đưa tin về những thành tựu Việt Nam đạt được sau làn sóng dịch bệnh lần 2.

Tờ Nikkei Asia của Nhật đã có bài giải thích về niềm tin của người dân Việt Nam đối với Chính phủ trong công cuộc chống dịch.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng cao top đầu thế giới.

Hầu hết các đánh giá đều cho rằng, với thành công trong việc kiểm soát tốt dịch bệnh, Việt Nam có cơ hội vượt lên nhanh chóng. Bên cạnh đó, việc tham gia khá nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương giúp Việt Nam trở thành điểm đến của các dòng vốn đầu tư.

Trong báo cáo chiều 21/12, Ngân hàng Thế giới cho biết các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục đầu tư và/hoặc đang dịch chuyển các hoạt động sản xuất sang Việt Nam do Việt Nam đã quản lý tốt đại dịch.

Việc hội nhập ngày càng sâu rộng với độ mở nền kinh tế thuộc top đầu thế giới sẽ giúp kinh tế Việt Nam có nhiều khả năng được hưởng lợi từ sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng sang những quốc gia có chi phí thấp hơn.

Kinh tế Việt Nam được dự báo hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất toàn cầu và việc thực thi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu (EU).

Mặc dù hồi phục ấn tượng nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đối mặt với khá nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế giới suy thoái sâu và chưa thoát ra được khỏi ảnh hưởng của đại dịch Covid. Vaccine đã được triển khai ở nhiều nước nhưng mùa đông đang tới và biến chủng mới của virus corona xuất hiện.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đối mặt với các nguy cơ về khí hậu.

Theo WB, bài học rút ra qua xử lý thành công khủng hoảng Covid tại Việt Nam có thể áp dụng để giải quyết tốt hơn các vấn đề môi trường. Cách tốt nhất để đối phó với cú sốc bên ngoài là phải chuẩn bị từ trước, đồng thời phải hành động sớm và kiên quyết.

Bà Carolyn Turk cho rằng, Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau đại dịch. Việt Nam đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn. Nhờ đó, Việt Nam trở nên vững vàng hơn trước những cú sốc trong tương lai do cả đại dịch hay thảm họa thiên nhiên.

Nguồn Vietnamnet

Tin cùng chuyên mục