Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội đảng
Đại hội đảng
Người bệnh mãn tính 'ngóng' cấp thuốc dài ngày
2024-10-13 22:55:47

Đa số người dân ủng hộ chủ trương thực hiện kê đơn, cấp thuốc dài ngày cho người bệnh mãn tính để giảm thời gian đi lại khám bệnh, giảm thủ tục hành chính.

Người bệnh xếp hàng chờ khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn. 

Người bệnh ủng hộ

Xếp hàng khám lấy thuốc từ 7 giờ sáng, ông Phạm Phú Nhân (80 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) cảm thấy mệt mỏi vì phải chờ đợi ở bệnh viện, cảnh bệnh nhân đông.

“Tôi hưởng bảo hiểm y tế (BHYT) ở bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) nên tháng nào cũng phải đi khám đều để lấy thuốc. Tôi bị nhiều bệnh mãn tính, không chỉ tiểu đường mà còn mỡ máu, huyết áp… nên phải duy trì lịch khám, lấy thuốc định kỳ hàng tháng. Có những lần đi khám mất cả ngày, người già yếu nên buổi trưa tôi phải tìm chỗ ngồi nghỉ chợp mắt ở tại bệnh viện, rất vất vả. Hôm nào khám xong sớm thì cũng phải hết buổi sáng”, ông Phạm Phú Nhân chia sẻ.

Ông Nhân cũng cho biết: “Tôi chưa thấy bệnh viện có chế độ cấp thuốc kéo dài đến 3 tháng cho người bệnh, chúng tôi vẫn khám định kỳ theo tháng. Nếu thực hiện cấp thuốc dài ngày, theo tôi sẽ  đỡ vất vả cho người bệnh. Vì có những giai đoạn bệnh của chúng tôi ổn định thì chỉ cần uống thuốc đều đặn. Nếu khám có gì bất thường thì bác sĩ có thể hẹn lịch khám ngắn hơn”.

Cũng đi khám định kỳ lấy thuốc bệnh tiểu đường, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, bà Đinh Thị Bích (65 tuổi, ở Ninh Bình) chia sẻ: “Tháng nào tôi cũng mất 1 ngày lặn lội từ quê lên từ 4 giờ sáng để xếp hàng lấy số khám bệnh, đến sớm mới được về sớm. Chúng tôi phải tuân thủ lịch khám định kỳ hàng tháng vì nếu đến khám chậm so với ngày hẹn là mất tác dụng của giấy chuyển BHYT từ tuyến dưới lên. Trong khi đó, giấy chuyển viện hiện nay chúng tôi đang phải xin chuyển theo từng năm, rất nhiều thủ tục”.

Theo bà Đinh Thị Bích, nếu thực hiện được cấp thuốc bệnh mãn tính tới 3 tháng thì rất nhiều bệnh nhân ủng hộ.

“Trong giai đoạn dịch COVID-19, vì phải thực hiện giãn cách nên bệnh nhân mãn tính chúng tôi đã từng được thực hiện cấp thuốc trong vòng 2-3 tháng. Giai đoạn đó, chúng tôi vẫn ổn định, đỡ được rất nhiều công đi lại khám bệnh”, bà chia sẻ.

Đa số các bệnh nhân mắc bệnh mãn tính như: Tiểu đường, huyết áp, tim mạch… với tình trạng bệnh ổn định, hiện đang thực hiện khám, lấy thuốc BHYT hàng tháng tại các cơ sở y tế đều mong muốn được cấp thuốc dài ngày hơn để đỡ thủ tục đi khám nhiều lần, hàng tháng. Việc được kê đơn và cấp thuốc dài ngày sẽ giúp bệnh nhân tiết kiệm thời gian đi lại, giảm bớt gánh nặng thủ tục hành chính và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo kế hoạch của Bộ Y tế, từ đầu tháng 10/2024, các cơ sở y tế triển khai thí điểm việc cấp thuốc kéo dài không quá 90 ngày với người bệnh mãn tính đã điều trị ổn định. Đến hiện tại, qua khảo sát, các bệnh viện vẫn chưa tiến hành triển khai việc thí điểm này.

Là đơn vị tiên phong đăng ký triển khai, đại diện bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) cho biết: Bệnh viện đã có kế hoạch, đăng ký thực hiện việc kéo dài thời gian cấp thuốc cho người bệnh mãn tính, và đang chờ quyết định của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, nhiều bệnh viện chưa triển khai, vì hiện chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Y tế.

Triển khai phù hợp với thực tế

Theo Bộ Y tế, đề xuất của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về đề xuất điều chỉnh thời gian kê đơn, cấp thuốc điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính đang được Bộ xem xét và sẽ sớm đưa ra quyết định chính thức. Trong thời gian chờ đợi, một số bệnh viện sẽ thực hiện thí điểm kê đơn thuốc dài ngày cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính.

Theo đề xuất, thời gian kê đơn, cấp thuốc cho bệnh nhân mắc bệnh mạn tính ổn định có thể được kéo dài lên đến 90 ngày. Áp dụng cho các đối tượng là các bệnh nhân mắc các bệnh mạn tính như: Tiểu đường, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu… đã điều trị ổn định.

Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng bệnh nhân và quyết định thời gian kê đơn, cấp thuốc phù hợp cho người bệnh.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết: Bộ Y tế đồng ý về mặt chủ trương thí điểm kê đơn thuốc ngoại trú các bệnh mạn tính kéo dài tối đa 90 ngày và giao thẩm quyền cho người đứng đầu các bệnh viện. Dựa vào đánh giá cụ thể của bác sĩ điều trị sẽ quyết định thời gian cấp thuốc tùy thuộc vào tình trạng bệnh, thể trạng người bệnh và các yếu tố khác.

Theo đó, các bệnh viện được lựa chọn thí điểm sẽ triển khai trong vòng 6 tháng. Sau đó, Cục Quản lý khám, chữa bệnh sẽ có đánh giá, tổng kết, đề xuất và sẽ chính thức đưa vào Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư quy định về kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú một cách phù hợp.

Nguồn Báo Tin tức

Tin liên quan