Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thời gian gần đây, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò lần đầu xuất hiện và nhanh chóng lây lan ra phạm vi toàn tỉnh làm hàng ngàn con bò mắc bệnh, khiến người chăn nuôi bò gặp rất nhiều khó khăn.
Ðàn bò sữa của ông Trịnh Văn Vững ở huyện Bến Cầu.
Người nuôi bò sữa gặp khó trong vận chuyển, tiêu thụ sữa
Thời gian qua, để phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, tỉnh thực hiện giãn cách xã hội trong toàn tỉnh, đồng thời, lập nhiều chốt kiểm soát ở các cửa ngõ ra vào tỉnh. Việc này dẫn đến tình trạng hàng hoá vận chuyển đi tiêu thụ bị ách tắc, trong đó có việc vận chuyển sữa.
Ông Nguyễn Văn Út, ngụ khu phố Tịnh Phong, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng cho biết, gia đình ông có 28 con bò sữa, trong số này có 6 con đang cho sữa, bình quân mỗi ngày thu hơn 60kg sữa.
Mỗi ngày, sau khi vắt sữa bò, ông chở ra trạm thu mua tại khu phố An Bình, phường An Tịnh để bán. Dịch bệnh bùng phát, địa phương thực hiện giãn cách, việc vận chuyển sữa đi bán của ông và các hộ khác rất khó khăn.
Thời gian đầu địa phương mới áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg, gần như mọi hoạt động của người dân đều bị đình trệ, phía trạm thu mua sữa phải dùng xe ô tô chuyên dụng (có đăng ký luồng xanh) đến từng nhà nuôi bò sữa có ký hợp đồng để thu mua, nhưng việc làm này phát sinh chi phí quá lớn, nên trạm chỉ thực hiện được vài ngày thì ngưng luôn đến nay.
Ðể bán được sữa, người dân không còn cách nào khác là phải tiếp tục chở đến trạm, nhưng tới chốt kiểm soát thì không thể qua. Ðể tháo gỡ khó khăn, chính quyền địa phương quy định các hộ chăn nuôi mang sữa tập kết tại chốt, đủ 1 chuyến xe lôi sẽ cho lực lượng dân quân tự vệ mang đến trạm.
Tuy nhiên, theo ông Út, việc chờ đợi tập hợp sữa tại chốt để đủ 1 chuyến xe rất lâu, khiến chất lượng sữa bị ảnh hưởng nghiêm trọng, cùng với đó là trọng lượng mỗi bình sữa đầy trên 50kg, chỉ một người vận chuyển đến trạm sẽ rất khó cho việc di chuyển lên xuống xe, cân sữa…
Còn theo ông Nguyễn Văn Phú, cùng ngụ khu phố Tịnh Phong, thời gian gần đây, địa phương thường phong toả nhiều ngày liền để lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, chờ đến khi có kết quả mới giải toả.
Trong thời gian này, chính quyền địa phương yêu cầu các hộ chăn nuôi trữ lượng sữa đã vắt hằng ngày trong tủ lạnh, nhưng việc bảo quản sữa trong tủ lạnh không thể kéo dài quá vài giờ. “Tôi đề nghị ngành chức năng xem xét, tạo điều kiện cho người chăn nuôi tự mang sữa đến trạm bán, kể cả trong lúc địa phương tổ chức xét nghiệm.
Tôi và các hộ chăn nuôi cam kết thực hiện các quy định phòng, chống dịch, bảo đảm tuân thủ quy định 5K của Bộ Y tế, chỉ vận chuyển sữa từ nhà đến trạm thu mua rồi quay về”- ông Phú nói thêm.
Dịch viêm da nổi cục diễn biến phức tạp
Là hộ chăn nuôi bò sữa duy nhất của huyện Bến Cầu, ông Trịnh Văn Vững, ngụ ấp Long Thịnh, xã Long Khánh cho biết, gia đình bắt đầu đầu tư chăn nuôi bò sữa từ năm 2019. Hiện đàn bò có 27 con, trong đó, có 10 con đang cho sữa, mỗi ngày, gia đình ông vắt được khoảng 150-160kg.
Dịch Covid-19 bùng phát thời gian qua không những gây khó khăn trong khâu vận chuyển mua bán sữa, mà còn ảnh hưởng đến công tác chữa trị bệnh, do đàn bò của ông Vững có 7 con mắc bệnh viêm da nổi cục.
Phát hiện bò mắc bệnh, ông liên hệ với Thú y cơ sở, nhưng trong thời gian địa phương thực hiện giãn cách xã hội, việc chữa trị chậm trễ, 2 trong số 7 con bò mắc bệnh đã chết; những con khác được điều trị khỏi, nhưng lượng sữa suy giảm hơn 50%.
Anh Lê Trường Giang- cán bộ Thú y thị xã Trảng Bàng cho biết, dịch viêm da nổi cục trên trâu bò xuất hiện trên địa bàn Thị xã trùng với thời điểm bùng phát mạnh của dịch Covid-19, nên việc tổ chức tiêm phòng và chữa trị cho đàn gia súc gặp khó khăn.
Nhiều nơi, lực lượng Thú y bị hạn chế đi lại, còn người chăn nuôi không thể chủ động mua vaccine, thuốc điều trị cho bò mắc bệnh và các loại hoá chất vệ sinh chuồng trại.
Mặt khác, với tâm lý sợ dịch Covid-19, có những hộ chăn nuôi không để lực lượng Thú y vào tiêm phòng và điều trị cho bò bị bệnh; nhiều trường hợp, khi cán bộ Thú y đến thì bò đã nhiễm bệnh nặng, không cứu chữa được, dẫn đến bò chết, thiệt hại cho người chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền cần tạo điều kiện cho người dân thực hiện việc mua bán sữa và hướng dẫn họ bảo đảm các biện pháp phòng dịch an toàn.
Trường hợp người dân không được phép ra ngoài thì chính quyền phải cử người làm thay, bảo đảm không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng đến kinh tế của người chăn nuôi.
Minh Dương