Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Hàng trăm tấn heo bệnh bị tiêu huỷ, người chăn nuôi lo lắng vì chưa nhận được bất kỳ khoản hỗ trợ nào.
Người chăn nuôi điêu đứng vì dịch tả heo châu Phi.
Mòn mỏi chờ chính sách
Là hộ đầu tiên phát hiện có dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh (ngày 6.7.2019), đến nay, gia đình chị Tống Thị Ngọc Ánh (36 tuổi, ngụ ấp Bắc Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành) vẫn chưa nhận được khoản hỗ trợ nào theo quy định. Ngành chức năng đã tiêu huỷ 18 con (2 heo nái, 16 heo thịt) dương tính với virus dịch tả heo châu Phi tại nhà chị Ánh. Hiện tại, tiền mua cám heo mà gia đình đang nợ đại lý cũng gần 50 triệu đồng.
Nợ nần chồng chất, hằng ngày chị đi cạo mủ cao su thuê cũng chỉ kiếm 100.000 - 120.000 đồng, nên lúc nào cũng trông mong được nhận tiền hỗ trợ. “Gia đình tôi đã gắn bó với nghề nuôi heo hơn 15 năm nay, đó là nguồn thu nhập chính của gia đình. Nay xảy ra dịch bệnh làm gia đình tôi điêu đứng. Tôi rất mong nhận được hỗ trợ để có tiền trả nợ, tái chăn nuôi”- chị Ánh chia sẻ.
Chị Ánh cho biết thêm, khoảng 2 tuần trước, UBND xã có cử người đến yêu cầu chị ký tên để làm hồ sơ hỗ trợ thiệt hại. Tuy nhiên, số tiền hỗ trợ như thế nào, khi nào được nhận thì chị không được biết.
Tương tự, gia đình ông Lê Tấn Nhật (ngụ ấp Voi, xã An Thạnh, huyện Bến Cầu) bị tiêu huỷ đàn heo lên đến 600 con khiến gia đình ông rơi vào cảnh kiệt quệ. Hiện ông Nhật đang kêu bán đất cùng chuồng trại để có tiền trả nợ và tái chăn nuôi. Ông Nhật cho biết, thiệt hại do dịch tả heo châu Phi gây ra lên đến hàng tỷ đồng, bao nhiêu vốn liếng đổ dồn cho đàn heo bao năm qua coi như mất trắng.
Ông Nhật than: “Nợ, lãi suất ngân hàng thì tăng hằng ngày nhưng bao nhiêu tiền đổ ra giờ theo đàn heo cuốn hết xuống hố tiêu huỷ rồi. Nghe nói Nhà nước có chính sách hỗ trợ, chúng tôi mừng lắm vì hy vọng sẽ bớt đi gánh nặng nợ nần. Rất mong Nhà nước sớm chi tiền hỗ trợ để người chăn nuôi như tôi đỡ phần khó khăn”. Ông Nhật cho biết thêm, trong đợt giá heo xuống thấp gần 2 năm liền (năm 2016 - 2017), gia đình ông đã cố bám trụ dù thua lỗ đến gần 1 tỷ đồng.
Tình cảnh khó khăn như của hộ chị Ánh, ông Nhật cũng là hoàn cảnh chung của hàng trăm hộ chăn nuôi có heo bị tiêu huỷ do dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh vừa qua. Vì đến thời điểm này, hầu hết các hộ bị thiệt hại đều là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, ít vốn, hoặc phải vay vốn ngân hàng… Họ chỉ trông đợi đến lúc xuất chuồng, heo bán được giá để thanh toán các khoản nợ, tái đàn. Tuy nhiên, khi dịch bệnh bùng phát, tất cả coi như trắng tay, nhiều gia đình rơi vào cảnh khó khăn, khốn đốn.
Nhiều địa phương “GẶP khó”
Ông Nguyễn Trung Hiếu - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành cho biết, hiện tại, trên địa bàn huyện có 2 xã là Thành Long và An Cơ là 2 địa phương đã công bố hết dịch. Trước tình hình dịch bệnh vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, liên tục xuất hiện nhiều ổ dịch mới, ngoài công tác phòng, chống dịch, UBND huyện đã tạm ứng ngân sách để chi cho hoạt động tại các chốt kiểm dịch động vật (KDĐV) tạm thời, chi phí thuê mướn máy xúc, nhân công tiêu huỷ heo, phun thuốc tiêu độc khử trùng…
Về việc chi hỗ trợ cho người chăn nuôi bị thiệt hại, ông Hiếu cho biết thêm, đến nay, Phòng NN&PTNT huyện đang hướng dẫn các xã lập hồ sơ, thủ tục để chi tiền hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, để người chăn nuôi được nhận tiền sớm hơn thì đây là vấn đề nan giải, bởi hầu hết các địa phương đang “gặp khó” về thủ tục, quy trình thẩm định, niêm yết...
Theo ông Hiếu, nguyên nhân các địa phương chưa thực hiện công tác chi hỗ trợ người chăn nuôi là do Công văn số 2185 của Sở NN&PTNT mới được ban hành ngày 12.8.2019 quy định mức chi hỗ trợ theo Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27.6.2019 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách, đối tượng hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi. “Khi Công văn 2185 được ban hành, chúng tôi mới có cơ sở áp dụng mức chi hỗ trợ cho người chăn nuôi. Hiện các xã mới lập hồ sơ, sau khi thực hiện đầy đủ gửi về Phòng NN&PTNT, chúng tôi phải thẩm định lại và niêm yết công khai 30 ngày theo quy định mới có thể chi hỗ trợ cho người dân được”, ông Hiếu nói.
Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện Bến Cầu đã xuất hiện 132 hộ có dịch tại 7 xã, thị trấn, với trên 151 tấn heo bị tiêu huỷ. Cũng như nhiều địa phương khác, người chăn nuôi có heo bị tiêu huỷ đang trông chờ được nhận tiền hỗ trợ thiệt hại từ Nhà nước để chuyển đổi mô hình chăn nuôi, ổn định cuộc sống. Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Thanh Mềm- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, do số lượng heo tiêu huỷ quá lớn, trong khi dịch bệnh ngày càng lây lan nhanh nên huyện đang tập trung công tác phòng, chống và dập dịch. Vì vậy, việc hướng dẫn các địa phương lập hồ sơ hỗ trợ người dân chưa thể thực hiện được, mà phải đợi đến hết dịch mới triển khai.
Tại huyện Gò Dầu, bà Nguyễn Thị Kim Nhung - Trưởng Phòng NN&PTNT cho biết, UBND huyện đã chi tạm ứng 50 triệu đồng cho hoạt động của Ban Chỉ đạo, lực lượng Thú y huyện thực hiện công tác phòng, chống và dập dịch trên địa bàn. Riêng các xã tạm ứng ngân sách để thực hiện công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Đối với việc chi hỗ trợ cho hộ chăn nuôi bị thiệt hại, các xã có dịch đang thống kê và hướng dẫn người dân làm hồ sơ hỗ trợ theo Quyết định 793 của Chính phủ và Công văn 2185 của Sở NN&PTNT gửi về Phòng thẩm định.
Tuy nhiên, bà Nhung cho biết thêm, hiện nay số lượng heo nhiễm dịch bệnh bị tiêu huỷ khá nhiều, tăng từng ngày. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có trên 2.876 con heo bị tiêu huỷ, tổng trọng lượng trên 154 tấn. “Do số tiền hỗ trợ lớn nên UBND huyện phải xin UBND tỉnh xem xét hỗ trợ ngân sách”- bà Nhung nói.
Tại huyện Trảng Bàng, ông Trương Tấn Đạt - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, huyện cũng đã tạm ứng trên 335 triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng để chi cho các hoạt động phòng, chống dịch trên địa bàn. Riêng đối với công tác hỗ trợ người chăn nuôi, Phòng đang yêu cầu các xã có dịch lập hồ sơ gửi về huyện thẩm định, nhưng đến nay vẫn chưa có xã nào triển khai xong. “Nhiều xã cũng đang lúng túng chưa biết trình tự thủ tục hồ sơ như thế nào. Mặt khác, mức chi hỗ trợ cho người chăn nuôi cũng vừa được Sở NN&PTNT hướng dẫn thực hiện tại Công văn số 2185 vào ngày 12.8 nên công tác chi hỗ trợ của huyện chưa thể thực hiện được”, ông Đạt nói.
“Linh động” giải quyết
Là một trong những huyện xuất hiện dịch tả heo châu Phi khá sớm của tỉnh, tuy nhiên, do thực hiện tốt công tác khoanh vùng, chốt chặn, ngăn dịch bệnh lây lan nên đến nay, trên địa bàn huyện Tân Châu chỉ có xã Tân Hà ghi nhận có dịch tả heo châu Phi.
UBND huyện đã tạm ứng 200 triệu đồng từ nguồn ngân sách dự phòng chi cho lực lượng làm công tác phòng, chống dịch. Trong đó, huyện cũng linh động tạm ứng 91 triệu đồng chi hỗ trợ cho 7 hộ chăn nuôi có heo bị tiêu huỷ trên địa bàn xã Tân Hà (với 63 con heo bị tiêu huỷ, tổng trọng lượng trên 3,6 tấn).
Bà Nguyễn Thị Thành- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng trong công tác phòng, chống dịch tả heo châu Phi “chống dịch như chống giặc” nên từ khi phát hiện ổ dịch tả heo châu Phi đầu tiên tại xã Tân Hà, ngành chức năng huyện nhanh chóng lập phương án phòng, chống dịch theo kịch bản ứng phó với dịch bệnh do UBND tỉnh ban hành, đồng thời tăng cường chốt chặn, kiểm tra, kiểm soát, khoanh vùng ổ dịch. Nhờ đó, công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả tích cực.
Ông Võ Văn Hoa Vinh - Trưởng Phòng NN&PTNT huyện cho biết, khi phát hiện ổ dịch đầu tiên, huyện đã phối hợp với UBND xã Tân Hà, hộ chăn nuôi tiến hành tiêu huỷ heo và dập dịch, đồng thời hướng dẫn người dân trình tự thủ tục lập hồ sơ để được nhận hỗ trợ theo quy định. “Chúng tôi đã linh động áp dụng theo Quyết định số 793 của Chính phủ đề xuất chi tạm ứng tiền hỗ trợ cho hộ chăn nuôi bị thiệt hại. Trước đó, ngày 30.7.2019, theo hướng dẫn của huyện, UBND xã Tân Hà đã gửi văn đề nghị hỗ trợ kinh phí cho các hộ có heo bệnh bị tiêu huỷ nhằm tạo điều kiện và hỗ trợ cho người dân khắc phục thiệt hại”, ông Vinh nói.
Minh Dương - Tâm Giang