Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng: Cần sự chung tay
Chủ nhật: 23:54 ngày 08/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá là một hoạt động chính trị, xã hội có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Đây là sự chung tay của xã hội để giúp những người lầm lỡ trở thành người có ích, góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội.

Tuyên truyền kiến thức về ma tuý cho học sinh.

Nhiều trường hợp được giúp đỡ làm lại cuộc đời

Nghị định số 80 ngày 16.9.2011 của Chính phủ quy định rất rõ các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Thực hiện theo Nghị định 80, các địa phương đã tích cực vào cuộc, tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xã hội.

Nhiều nơi đã từng bước xoá bỏ định kiến, kỳ thị, tạo sự đồng thuận, huy động sự tham gia của cộng đồng xã hội trong quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng tái phạm tội, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Theo thống kê của Phòng Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp - Công an tỉnh, năm 2018, số chưa được xoá án tích 3.176 người. 6 tháng đầu năm 2019, số chưa được xoá án tích là 2.506 người. Đây là những người cần theo dõi, động viên để họ quay về với thiện lương.

Thời gian qua, các đối tượng trên đã được công an địa phương và các ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ, tạo điều kiện để họ có thể quay về cuộc sống đời thường. Cụ thể là mô hình 4+1 về quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành án phạt tù có nguy cơ tái phạm cao. Mô hình 4+1 - với sự tham gia của công an, đoàn thể, tổ trưởng tổ tự quản và người có uy tín tại địa phương - kèm một trường hợp cần hỗ trợ tái hoà nhập cộng đồng. Tuỳ vào từng lứa tuổi, giới tính để chọn những tổ chức, đoàn thể phù hợp theo dõi, động viên và nhắc nhở. 

Điển hình như trường hợp của anh Đ.V.T ở xã Suối Dây, huyện Tân Châu. Anh T chấp hành án xong vào tháng 12.2016, khi đó mới 24 tuổi. Trở về, T được Đoàn thanh niên xã phụ trách giáo dục, quản lý. Nhờ những buổi tham gia các hoạt động đoàn, các phong trào ở địa phương, T dần xoá bỏ mặc cảm, tự ti. Không chỉ tham gia, T còn đi đầu, gương mẫu trong các hoạt động và hiện là Bí thư Chi đoàn ấp 7. 

Hay như anh D.T.P ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Sau khi chấp hành án phạt tù vào tháng 8.2015, anh trở về địa phương. Được sự động viên, quan tâm của xã, anh T.P tình nguyện tham gia vào Đội Tuần tra nhân dân của ấp Láng vào tháng 3.2016. Anh mong muốn góp sức mình để giữ gìn an ninh trật tự địa phương, như một cách chuộc lại lỗi lầm trước đây. 

Anh Phan Thanh Bình - Trưởng Công an xã Mỏ Công, huyện Tân Biên cho biết, hiện địa phương đang quản lý, theo dõi 27 trường hợp chấp hành xong án phạt tù. Không có việc làm ổn định là một trong những nguyên nhân rất dễ dẫn đến tái phạm, nhất là các tội như trộm cắp, cờ bạc.

“Vừa qua chúng tôi có dịp gặp gỡ một số doanh nghiệp và trao đổi, khi chúng tôi giới thiệu người, mong công ty tạo điều kiện để hỗ trợ, giúp đỡ bố trí việc làm cho người của địa phương” - anh Bình cho biết. Kết quả là, trong khoảng 2 tháng qua, Công an xã đã giới thiệu được 1 trường hợp làm việc tại trang trại gà trên địa bàn xã Mỏ Công và 3 trường hợp khác đi làm tại Khu công nghiệp Phước Đông - Bời Lời (huyện Gò Dầu). 

Cần sự chung tay của cộng đồng

Tuy nhiên, theo Phòng Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp, vẫn còn một số địa phương chưa làm tốt công tác tái hoà nhập cộng đồng. Một phần là do công tác tuyên truyền tái hoà nhập chưa được thường xuyên, chủ yếu do lực lượng Công an làm nòng cốt. Bên cạnh đó, cũng có một số người chấp hành án phạt tù trở về không chịu sự quản lý của địa phương dẫn đến tái phạm.

“Những người này thường họ còn tự ti, mặc cảm, ngại tiếp xúc với chính quyền địa phương nên khó giúp đỡ, giáo dục. Số khác sau khi chấp hành xong án phạt tù thì bỏ địa phương hoặc đi làm xa, thường xuyên vắng mặt tại địa phương gây khó khăn cho công tác quản lý. Việc giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù ở hầu hết các địa phương chỉ dừng lại ở việc nhận đơn xin việc làm, hướng dẫn các thủ tục đề nghị xoá án tích, cấp đổi chứng minh nhân dân, nhập hộ khẩu” - Thượng tá Trần Hoài Minh - Phó trưởng Phòng Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp cho biết. 

Để làm tốt hơn nữa công tác tái hoà nhập cộng đồng, ngày 5.12.2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 33 về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù. Chỉ thị 33 nêu rõ, phải xác định công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác phòng, chống tội phạm, đảm bảo an ninh, trật tự tại địa phương. 

Do đó, đây là nhiệm vụ của cả toàn hệ thống chính trị, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng. Chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chặt chẽ với công an để theo dõi, nắm bắt tâm tư của từng trường hợp để có những hỗ trợ kịp thời. Có như vậy, không chỉ giúp những người lầm lỗi hoàn lương mà cũng hạn chế những trường hợp tái phạm sau này.

N.D

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục