Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Người chiến sĩ cuối cùng của Hội thề Rừng Rong đã đi xa
Thứ hai: 05:41 ngày 07/08/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ông đã đi xa, nhưng tinh thần bất khuất Hội thề Rừng Rong của 77 năm trước vẫn còn mãi.

Ông Tô Văn Ri kể lại sự kiện lịch sử Hội thề Rừng Rong.

Thật bất ngờ và thương tiếc khi hay tin ông Tô Văn Ri- người chiến sĩ cuối cùng của Hội thề Rừng Rong đã ra đi, vì gần 4 tháng trước, nhóm phóng viên Báo Tây Ninh còn trò chuyện cùng ông trong khuôn viên Khu di tích Hội thề ở khu phố Suối Sâu, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng.

Những ngày đầu tháng 4, ông vẫn loanh quanh vườn nhà nhổ những bụi cỏ dại, tưới lan, cắt tỉa cây kiểng, dù trên cánh tay phải dán miếng bông băng- nơi vừa tiêm thuốc, truyền dịch. Bệnh suốt mấy hôm, vừa khoe khoẻ ông lại ra vườn.

Chưa thật sự bình phục, nhưng khi nhắc đến sự kiện Hội thề Rừng Rong 77 năm trước, vị lão thành cách mạng tươi tỉnh hẳn lên. Ký ức về một thời hào hùng ùa về. Cùng nhóm phóng viên đến Khu di tích Hội thề thanh niên cách mạng Rừng Rong (khu phố Suối Sâu, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng), ông chậm rãi sờ nắn từng hàng tên, từng dòng địa chỉ của những người tham gia Hội thề năm đó khắc trên bia đá - tất cả, trừ ông, đều đã hy sinh trên chiến trường hoặc qua đời vì tuổi cao, sức yếu. 98 tuổi, nhưng ông vẫn nhớ như in hoàn cảnh, tính cách của từng người.

Ông kể, ông Nguyễn Gia Đằng, quê ở miền Bắc, là cán bộ cách mạng được Trung ương cử vào Nam xây dựng lực lượng cách mạng, tham gia Hội thề Rừng Rong, sau ngày giải phóng ông về công tác ở Liên hiệp Nghiệp đoàn cao su Tây Ninh. Đồng đội Nguyễn Thới Bưng, bạn cùng xóm, sau này trở thành Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Trung tướng Bùi Thanh Vân, xuất thân trong gia đình nghèo ở xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng (nay là thị xã), sau trở thành Tư lệnh Quân khu 7 v.v…

Khi tham gia Hội thề, ông Ri 25 tuổi. Thời điểm đó, thực dân Pháp chiếm Tây Ninh lần thứ 2, tăng cường càn quét khắp nơi, ra sức xây dựng bộ máy cai trị. Bên cạnh đó, địch từng bước tiến hành đóng các đồn bót, chiếm giữ các đầu mối giao thông, chia cắt Trảng Bàng thành nhiều vùng nhỏ, án ngữ các vùng đông dân cư, các đồn điền cao su. Tại An Tịnh, chúng thiết lập 2 đồn ở An Thành và Suối Sâu.

Trước sự đánh phá ác liệt của quân Pháp và bọn tay sai, lực lượng của ta tạm rút lui vào Bàu Mây, Lợi Hoà Đông để bảo toàn lực lượng, chọn rừng Rong làm chỗ để xây dựng căn cứ du kích. Sau đó, ta bắt được liên lạc với một số đồng chí: Trần Văn Chói, Sỹ, Sáu Hung, chị Lan, Hồ Văn Sanh ở mặt trận Trâm Vàng; Biện Học Tập, Lâm Quang Vinh, Tiến ở mặt trận cầu Quan (An Hoà); Bang, Xếp, Lõi ở Đôn Thuận và những người còn ở lại mặt trận Suối Sâu là 27 người.

Tất cả tập họp ở rừng Rong để củng cố tổ chức, thành lập nhóm thanh niên vũ trang Rừng Rong, do đồng chí Trần Văn Chói làm chỉ huy trưởng. Nhóm thanh niên vũ trang Rừng Rong sống dựa vào dân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm, động viên nhân dân kháng chiến đến cùng và được nhân dân đùm bọc.

Cũng chính nhờ các cơ sở quần chúng nắm bắt tình hình địch, nên nhóm đã diệt được nhiều tên Việt gian. Lúc bấy giờ, lực lượng chỉ có 5 súng hai nòng, 7 súng ngắn, 2 súng mút, 2 khẩu tiểu liên mitraillette, 1 khẩu Thompson và một số lựu đạn nhưng vẫn kiên cường bám trụ, hoạt động liên tục.

Ngày 28 tháng Chạp năm Ất Dậu (30.1.1946), các đồng chí trong Đội tự vệ chiến đấu tập trung về rừng Rong để chuẩn bị đón xuân đầu tiên trong kháng chiến, hàng trăm đồng bào đến dự. Bà con An Tịnh gởi tặng một ít gạo nếp, bánh tét và 5 con gà.

Đúng Giao thừa 30 tháng Chạp năm Bính Tuất, tức rạng sáng ngày 2.2.1946 tại rừng Rong, trong buổi vui tết đạm bạc, anh em thảo luận tình hình, tất cả đều nhận thấy cuộc kháng chiến sẽ còn lâu dài, nhiều gian khổ hy sinh nên quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Buổi vui tết trở thành lễ tuyên thệ. 27 nam nữ thanh niên Trảng Bàng đứng dưới cờ đỏ sao vàng, cùng cắt máu thề quyết tử trước bàn thờ Tổ quốc. Năm lời thề đó là:

1. Độc lập hay chết! Xin thề

2. Chết tự do hơn sống nô lệ! Xin thề.

3. Dù đầu râu tóc bạc vẫn còn chiến đấu! Xin thề.

4. Dù phải hy sinh đời cha, thì con cháu tiếp tục chiến đấu! Xin thề.

5. Ai phản bội, đầu hàng phải bị xử tử! Xin thề.

Theo lời ông Ri, sau khi tuyên thệ, ông cùng một số chiến sĩ khác ở lại địa phương, trà trộn trong dân, tổ chức đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang và làm công tác binh vận.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30.4.1975), chỉ còn 7 chiến sĩ Hội thề Rừng Rong trở về quê hương, 20 chiến sĩ khác đã anh dũng ngã xuống vì sự nghiệp giải phóng của dân tộc. Những năm gần đây, vì tuổi cao, sức yếu, các chiến sĩ còn lại đã về cõi vĩnh hằng. Khi chúng tôi về rừng Rong, chỉ có duy nhất ông Tô Văn Ri đã 98 tuổi đời, 76 tuổi Đảng. Lúc đó, ông còn cười khà khà: “Tôi sẽ sống khoẻ 2 năm nữa để nhận áo lụa mừng thọ 100 tuổi của Chủ tịch nước”.

Ông đã đi xa, nhưng tinh thần bất khuất Hội thề Rừng Rong của 77 năm trước vẫn còn mãi. Sự nghiệp cách mạng sẽ được các thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối và sẽ xứng đáng với truyền thống cách mạng hào hùng của ông cha.

Những năm qua, cánh rừng năm xưa- nơi diễn ra lễ tuyên thệ- đã được tỉnh đầu tư tôn tạo, xây dựng khu di tích với diện tích 15.000m2. Cuối năm 2001, khu di tích này được Bộ Văn hoá - Thể thao công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, là địa chỉ đỏ cho các thế hệ về nguồn, họp mặt truyền thống.

Đại Dương

Tin cùng chuyên mục