BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người có công được quan tâm chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng 

Cập nhật ngày: 23/07/2024 - 10:03

Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe người có công luôn được Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp quan tâm. Tại Trung tâm Nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công của TP Hà Nội, người có công với cách mạng và thân nhân liệt sĩ đến điều dưỡng, phục hồi sức khỏe luôn được chăm sóc tận tình, chu đáo.

Được gặp đồng đội là mừng

Những ngày tháng 7/2024, đến Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội (168 đường Thanh Bình, quận Hà Đông, Hà Nội), phóng viên có dịp gặp hai đoàn người có công của quận Hai Bà Trưng và huyện Chương Mỹ đang điều dưỡng, chăm sóc sức khỏe tại đây.

Ông Nguyễn Văn Bừng (74 tuổi), thương binh hạng 4/4 tại xã Thủy Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) chia sẻ: “Đợt này, huyện Chương Mỹ có 78 người là thương binh, bệnh binh, người nhiễm chất độc hóa học, vợ liệt sĩ đi điều dưỡng. Đây là lần đầu tiên đến Trung tâm để điều dưỡng và bất ngờ về cách tổ chức đón tiếp, thái độ của nhân viên nơi đây. Các hoạt động từ sinh hoạt, chăm sóc sức khoẻ, tư vấn pháp luật, tư vấn sức khoẻ, tham quan… được Trung tâm thực hiện khoa học, phù hợp với sức khỏe và nhu cầu của cả đoàn. Những ngày ở Trung tâm, chúng tôi rất phấn khởi, vui vẻ, tinh thần thoải mái, sức khỏe được cải thiện”.

Người có công thư giãn tại Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội (168 đường Thanh Bình, quận Hà Đông, Hà Nội).

“Vui nhất với chúng tôi là được gặp lại đồng đội, được trò chuyện, ôn lại kỷ niệm chiến trường xưa. Thấy ai cũng khoẻ là mừng. Đặc biệt, dịp tháng 7, tháng tri ân, những ai sinh nhật trong tháng này đều được Trung tâm tặng quà, mang lại niềm vui ý nghĩa”, ông Nguyễn Văn Bừng chia sẻ.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Tính, 71 tuổi, cũng ở xã Thuỷ Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ) đi điều dưỡng đợt này cho biết: "Đây là lần thứ 2 tôi đến Trung tâm để điều dưỡng. So với lần trước vài năm 2016, cơ sở vật chất khang trang hơn. Đặc biệt là thái độ đón tiếp và các món ăn uống, được tư vấn khám bệnh, ngâm bể sục thư giãn, phục hồi sức khoẻ...”.

Còn ông Lê Xuân Thu, bệnh binh 2/3, ở quận Hai Bà Trưng cho biết: Đoàn có 92 người. Dù Trung tâm gần với nơi sinh sống, nhưng khi được thông báo lịch điều dưỡng, mọi người đều hồ hởi đăng ký, bởi đây là cơ hội được gặp lại nhau và tại Trung tâm, công tác chăm sóc sức khoẻ, được chăm lo chu đáo...

Sức khỏe người có công được cải thiện rõ rệt

Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội Chu Đình Điệp cho biết: “Năm 2024, Trung tâm Nuôi dưỡng và Điều dưỡng người có công Hà Nội được Thành phố giao điều dưỡng 4.213 người, tăng hơn 300 chỉ tiêu so với năm 2023. Đến nay, Trung tâm thực hiện điều dưỡng đã đạt hơn 50% kế hoạch. Trung tâm đã đổi mới nhiều nội dung trong chuỗi hoạt động điều dưỡng, từ tiếp đón đến sinh hoạt, tổ chức hội nghị, nói chuyện thời sự, giao lưu văn hóa văn nghệ...”.

Các bữa ăn luôn được chuẩn bị chu đáo.

“Thực tế cho thấy, nhiều thương, bệnh binh bị di chứng chiến tranh, ảnh hưởng không nhỏ đến thể chất và tâm lý, đòi hỏi công tác phục vụ không những phải tốt về kỹ năng, mà còn phải thực sự tinh tế, chú trọng yếu tố tinh thần. Khi tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên, chúng tôi luôn nhấn mạnh, sức mạnh của nụ cười trong việc hóa giải sự nóng giận, coi người có công là người thân; đồng thời, luôn phải rút kinh nghiệm từ những thiếu sót.

Tất cả phải thể hiện được tinh thần người có công đến với trung tâm là trở về với gia đình. Với các bữa ăn, ngoài việc thực hiện đúng, đủ chế độ, tiêu chuẩn, cán bộ còn chú trọng bày biện mâm cơm sao cho đẹp và ấm cúng”, ông Chu Đình Điệp cho biết.

Việc điều chỉnh khẩu vị cũng được cán bộ Trung tâm quan tâm.

Năm nay, Trung tâm còn thực hiện chủ đề “Không nói không biết với các bác”, có nghĩa khi các bác hỏi bất cứ điều gì, cán bộ, nhân viên Trung tâm đều phải trả lời được. Trường hợp nhân viên chưa hiểu sâu thì xin phép kiểm tra lại thông tin rồi trả lời các bác sau.

Trong tháng 7/2024, Trung tâm tổ chức tri ân, tặng quà cho những người có sinh nhật trong tháng.

Dẫu còn khó khăn, phần thưởng lớn nhất đối với cán bộ của Trung tâm là sự động viên của các bác, khi chia sẻ “chúng tôi thích đến đây” hoặc việc các bác ngắm mâm cơm đẹp, "livestream" về cho gia đình xem; hay niềm vui của các bác khi được tổ chức sinh nhật, liên hoan văn nghệ, trong không khí đầm ấm, thân thiết… “Xúc động nhất là khi về đến nhà, các bác gọi điện đến nói: Bác về được vài tiếng rồi mà vẫn còn nguyên sự cảm kích tình nghĩa các cháu dành cho các bác, còn nguyên hình ảnh ánh mắt, nụ cười và cả những cái vẫy tay tạm biệt hẹn gặp lại...”, ông Chu Đình Điệp tâm sự.

Lãnh đạo các trung tâm cũng cho biết, kể từ năm 2024, TP Hà Nội tăng mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe, nên chế độ dành cho đối tượng điều dưỡng tiếp tục được nâng lên. Với sự chăm sóc nhiệt tình và chu đáo của cán bộ, nhân viên các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công, năm nay, số đối tượng người có công tại các quận, huyện đăng ký đi điều dưỡng tập trung là 21.447 người (tăng 4.242 người so với năm 2023). Năm 2024, các đối tượng đi điều dưỡng tập trung tại trung tâm được Thành phố hỗ trợ tiền khám sức khỏe 1 triệu đồng/người/ lượt.

Lãnh đạo các trung tâm cũng cho biết, kể từ năm 2024, TP Hà Nội tăng mức chi điều dưỡng phục hồi sức khỏe, nên chế độ dành cho đối tượng điều dưỡng tiếp tục được nâng lên. Với sự chăm sóc nhiệt tình và chu đáo của cán bộ, nhân viên các trung tâm nuôi dưỡng và điều dưỡng người có công, năm nay, số đối tượng người có công tại các quận, huyện đăng ký đi điều dưỡng tập trung là 21.447 người (tăng 4.242 người so với năm 2023). Năm 2024, các đối tượng đi điều dưỡng tập trung tại trung tâm được Thành phố hỗ trợ tiền khám sức khỏe 1 triệu đồng/người/ lượt.

Nguồn XM/Báo Tin tức