Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tân Hoà, Tân Châu:

Người dân bức xúc tình trạng khai thác cát gần bờ sông Sài Gòn 

Cập nhật ngày: 17/02/2020 - 00:09

BTN - Anh T, một người dân trồng mì gần đất của ông Bảy Sinh cho biết, khi phát hiện có tàu vào sát bờ sông bơm cát, anh có đến nhắc nhở nhưng những người này vẫn cứ làm, thậm chí còn cho máy bơm nổ lớn hơn.

Đoạn bờ sông này được xem như “điểm nóng” về hoạt động khai thác cát gần bờ.

Một số hộ dân có cây trồng trên đất bán ngập sông Sài Gòn (tổ 19, ấp Suối Bà Chiêm, xã Tân Hoà, huyện Tân Châu) bức xúc, phản ánh tình trạng thường xuyên có nhiều tàu khai thác cát gần sát bờ sông - nhất là khu vực đất rừng trồng của ông Bảy Sinh. Trong khoảng thời gian cận và sau Tết Nguyên đán vừa qua, số tàu khai thác cát tăng cường hoạt động, thường từ hơn 5 giờ sáng đến 16 giờ. 

Anh T, một người dân trồng mì gần đất của ông Bảy Sinh cho biết, khi phát hiện có tàu vào sát bờ sông bơm cát, anh có đến nhắc nhở nhưng những người này vẫn cứ làm, thậm chí còn cho máy bơm nổ lớn hơn. Anh T “làm căng” thì các đối tượng bơm cát trả lời: “Hoạt động khai thác khoáng sản tại đoạn sông này đã được cấp phép”.

Anh T liền thắc mắc: “Cơ quan chức năng nào cấp phép cho các ông khai thác cát sát bờ sông?”. Nghe anh T hỏi vậy, những người bơm cát điều khiển tàu nhích ra hướng lòng sông. Tuy nhiên, anh T vừa về đến nhà thì có người trồng mì gần đó gọi điện cho hay tàu hút cát đã quay lại vị trí cũ, gần sát bờ.

Trong nhiều năm qua, đoạn sông đang đề cập được xem như một “điểm nóng” về khai thác cát gần bờ. Báo Tây Ninh đã có nhiều bài phản ánh, cơ quan chức năng vào cuộc xử lý không ít trường hợp vi phạm. Theo số liệu Phòng Cảnh sát môi trường- Công an tỉnh, trong năm 2019, Phòng bắt 8 vụ/10 phương tiện vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản. Trong đó, Phòng xử lý 4 vụ việc, chuyển 3 vụ cho Công an tỉnh Bình Dương, còn một vụ đang xác minh làm rõ. Trong 10 phương tiện nêu trên, có đến 3 phương tiện bị bắt tại “điểm nóng”. 

Được biết, cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh không cấp giấy phép khai thác khoáng sản tại đoạn sông mà người dân đang phản ánh. Tại đoạn sông này, có một doanh nghiệp khai thác khoáng sản do bên phía tỉnh Bình Phước cấp phép. Nhiều đoạn bờ sông đã bị sạt lở nghiêm trọng, khuyết sâu vào đất liền. 

“Nếu không ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác cát gần bờ, rẫy mì của tôi và một số người dân khác có nguy cơ sẽ bị cuốn trôi theo dòng nước, tương tự như một vạt rừng trồng của ông Bảy Sinh đã bị “rớt” xuống dòng nước sâu” - anh T lo lắng nói.

MINH QUỐC