BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người dân cần chủ động phòng bệnh Sốt xuất huyết

Cập nhật ngày: 13/11/2009 - 01:45

Người dân cần được trang bị kiến thức về cách phòng chống bệnh SXH. Ảnh: Chăm sóc bệnh nhân mắc SXH tại bệnh viện đa khoa Tây Ninh.

Theo báo cáo của các địa phương, từ đầu năm 2009 đến nay, cả nước đã ghi nhận 80.000 người ở 28/63 tỉnh, thành có dịch sốt xuất huyết (SXH). Trong đó có 60 trường hợp tử vong, số mắc tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2008, riêng miền Bắc, số mắc tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm 2008.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh SXH, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, ngành chức năng, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện kiên quyết một số biện pháp cấp bách về phòng, chống dịch sốt xuất huyết (SXH), không để dịch bùng phát, lan rộng, hạn chế tối đa tỷ lệ tử vong.

Con số thống kê của Bộ Y tế cho thấy, SXH cũng đang xuất hiện ngày càng nhiều tại các tỉnh ĐBSCL mà Sóc Trăng là tỉnh có số người mắc cao nhất: đến cuối tháng 10.2009 địa phương này có đến trên 4.700 ca mắc SXH, 7 trường hợp tử vong  (cao nhất cả nước)  gần bằng với đỉnh điểm SXH của tỉnh vào năm 2008. Đáng lưu ý các trường hợp mắc SXH tại Sóc Trăng không chỉ trẻ em mà cả người lớn.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Kính, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia cho biết: Do điều trị muộn, một số bệnh nhân bị SXH tiểu cầu giảm xuống quá thấp, chảy máu cam, chảy máu chân răng và tụt huyết áp dẫn đến truỵ mạch, nguy cơ tử vong cao. Theo TS Kính, hiện nay, chúng ta vừa phải chống chọi với cúm A/H1N1, vừa phải giám sát các ca SXH nên cần tỉnh táo. Trong những ngày đầu, diễn biến lâm sàng giữa SXH và cúm A/H1N1 rất khó phân biệt. Ngày thứ 2-3 mới biểu hiện rõ nét dịch SXH hoặc cúm A. Do đó, những người có hiện tượng sốt cao, mệt mỏi, đau nhức cơ thể cần được khám, phát hiện ngay từ tuyến cơ sở, tránh để bệnh nặng và dẫn đến quá tải "ảo" ở các bệnh viện tuyến trên khi người bệnh chưa ở giai đoạn nặng.

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên chỉ trông chờ vào ngành y tế mà cần chủ động tham gia phòng chống dịch bệnh SXH bằng cách thực hiện tổng vệ sinh môi trường, tiêu diệt muỗi gây bệnh, ngủ mùng, nhằm hạn chế thấp nhất dịch bùng phát và lan rộng cũng như nguy cơ tử vong do SXH.

Bạch Thảo

(tổng hợp)