Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Chỉnh lý biến động đất đai:
Người dân cần được hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc
Thứ năm: 17:56 ngày 15/06/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, thời gian qua, trong công tác quản lý đất đai có những vướng mắc nảy sinh cần phải được giải quyết.

Dãy nhà trước đây được quảng cáo khu dân cư Cầu Đúc ( xã Phước Đông, huyện Gò Dầu) hiện đang bị tạm dừng chuyển nhượng được Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị sớm giải quyết dứt điểm.

Đối với trường hợp người dân tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để thực hiện các công trình công cộng, có hai trường hợp sau:

Trước đây UBND cấp huyện, cấp xã vận động người dân tự nguyện trả lại đất cho nhà nước để làm mới, mở rộng, nắn tuyến đường giao thông trong quá trình xây dựng nông thôn mới hoặc do nhu cầu phát triến kinh tế - xã hội của địa phương; tuy nhiên, đến nay chưa thực hiện việc chỉnh lý biến động đất đai để cấp đổi hoặc giảm diện tích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, do đang chờ hướng dẫn của cấp trên, dẫn đến người dân không thể thực hiện các giao dịch chuyển nhượng, thế chấp vay vốn...

Được biết, sau khi Sở Tài nguyên và Môi trường thu hồi Công văn số 7303/STNMT- PQLĐĐ ngày 16.11.2021 hướng dẫn thực hiện việc trả lại đất cho nhà nước để thực hiện các công trình công cộng tại Công văn số 85/STNMT-PQLĐĐ ngày 5.1.2022, các địa phương đã ngưng tiếp nhận hồ sơ, chờ hướng dẫn của Sở theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 3879/UBND-KT ngày 9.11.2022. Mặc dù đã có nhiều phản ánh của các cơ quan chức năng cấp huyện, cấp xã và người dân nhưng đến nay đã hơn 15 tháng vấn đề này vẫn chưa được giải quyết.

Đối với trường hợp người dân trả lại đất để làm đường giao thông, tách thửa đất, qua giám sát năm 2021, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh có kiến nghị làm rõ đối với trường hợp “hiến đất” làm đường, chuyển mục đích sử dụng đất, tách thửa đất tại khu nhà ở liền kề suối Cầu Đúc, phía sau chợ Võ Vương, xã Phước Đông, huyện Gò Dầu. Đến tháng 3.2022, Sở TN&MT thành lập Đoàn kiểm tra đối với UBND huyện Gò Dầu, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh Gò Dầu, UBND xã Phước Đông.

Để bảo đảm cho công tác kiểm tra, từ đó đến nay, Văn phòng Đăng ký đất đai - Chi nhánh Gò Dầu đã từ chối thực hiện các giao dịch đối với đất và tài sản gắn liền với đất trong và ngoài “Khu dân cư suối Cầu Đúc” đối với những thửa đất có nguồn gốc tách thửa do hiến đất làm đường.

Điều này đã dẫn đến việc nhiều người dân gửi đơn khiếu nại do không đồng tình, do không thể thực hiện các giao dịch bảo đảm, chuyển nhượng, thế chấp... gây thiệt hại về quyền và lợi ích của người dân. Trường hợp này cần sớm giải quyết để tránh dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện đông người gây phức tạp tình hình.

Cần có hướng dẫn sớm về việc người dân trả lại đất phục vụ công trình công cộng như đường giao thông nông thôn…( Ảnh minh hoạ)

Các trường hợp chỉnh lý biến động đất đai khác như tách thửa đất quy định phải đăng ký chỉnh lý biến động, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 27.7.2020 quy định diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh tại các địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, Sở TN&MT đã nhiều lần có tờ trình, tổ chức họp lấy ý kiến các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và báo cáo UBND tỉnh; có địa phương đã ngưng thực hiện thủ tục tách thửa, chờ sửa đổi quy định. Đến ngày 26.4.2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 10/2023/QĐ-UBND thay thế Quyết định số 28.

Đối với các trường hợp Nhà nước thu hồi đất của người dân để thực hiện các dự án, công trình công cộng, trường hợp người dân tự nguyện trả lại đất cho Nhà nước để thực hiện các công trình công cộng theo vận động của Nhà nước; trường hợp trùng thửa, lộn thửa do sai lệch trong công tác đo đạc trước đây: về nguyên tắc, cơ quan chức năng có trách nhiệm chỉnh lý biến động đất đai đối với các trường hợp trên, tuy nhiên, hiện nay, người dân phải chịu chi phí liên quan đến việc chỉnh lý (phí đo đạc, phí chỉnh lý); việc thực hiện nội dung thu phí cũng chưa thống nhất ở các địa phương (có huyện thu phí, có huyện không).

Một số trường hợp có thay đổi về đường giao thông giữa bản đồ cũ, bản đồ mới, hiện trạng sử dụng đất nhiều nhưng chưa có hướng dẫn xử lý thống nhất. Việc hiểu như thế nào là khu dân cư có từ 30 hộ trở lên hoặc dưới 30 hộ theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 4 Quyết định số 35/2020/QĐ-UBND ngày 1.9.2020 của UBND tỉnh về ban hành bảng giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2024 để xác định nghĩa vụ tài chính ở một số Chi cục thuế khu vực vẫn còn chưa thống nhất.

Ngoài ra, việc giải quyết thủ tục đối với hồ sơ tặng cho có nội dung còn bất cập, thủ tục chưa đồng bộ trong quá trình tiếp nhận, xử lý giữa Văn phòng đăng ký đất đai với ngành Thuế, người dân phải đi lại nhiều (Quyết định số 2882/QĐ-UBND không có thủ tục xác định nhân thân, Bộ thủ tục bên ngành Thuế yêu cầu phải có giấy xác định nhân thân), làm cho người dân phải đi lại nhiều lần mới có thể nhận được kết quả.

Một khó khăn vướng mắc nữa là công tác kiểm kê đất đai được thực hiện theo chu kỳ 5 năm một lần, kiểm kê đất đai gần nhất là năm 2019, đến năm 2024 là kỳ lập kiểm kê tiếp theo. Công tác thống kê đất đai được UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện định kỳ hàng năm, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai phối hợp Phòng TN&MT rà soát, tổng hợp các thửa đất có biến động về đất đai đã thực hiện xong thủ tục hành chính, tiến hành cập nhật, chỉnh lý trên bản đồ địa chính, cung cấp số liệu cho UBND xã, phường, thị trấn và Phòng TN&MT các huyện, thị xã, thành phố để thực hiện thống kê theo quy định và báo cáo UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Qua giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, quá trình thực hiện có một số khó khăn như: một số địa phương do cán bộ còn thiếu, kiêm nhiệm nhiều việc nên công tác thống kê đất đai định kỳ hàng năm chưa được chặt chẽ, việc chỉnh sửa, bổ sung số liệu thống kê chưa kịp thời, chưa đầy đủ, còn nhiều sai sót.

Công tác tổng hợp số liệu thống kê diện tích đất đai năm 2022 của cấp xã, cấp huyện đa phần không do cán bộ địa chính hoặc cán bộ Phòng TN&MT trực tiếp thực hiện mà thuê đơn vị tư vấn thực hiện nhưng lại thiếu sự kiểm tra, giám sát (Gò Dầu, Trảng Bàng, Châu Thành, Hoà Thành); cán bộ Phòng TN&MT một số nơi chưa thực hiện được việc kiểm tra, rà soát số liệu thống kê diện tích đất đai của cấp xã trước khi tổng hợp cấp huyện; cán bộ địa chính cấp xã và cán bộ một số Phòng TN&MT đa phần chưa ứng dụng được phần mềm chuyên ngành đất đai, nhất là các phần mềm phục vụ công tác thống kê đất đai như TkDestop, TkOnline... để phục vụ cho công tác chuyên môn, vì vậy, công tác này còn chậm trễ, nhiều sai sót phải chỉnh sửa, đôn đốc nhiều lần.

Theo HĐND tỉnh, việc chậm giải quyết, tháo gỡ khó khăn trong triển khai thực hiện quy định về người dân tự nguyện trả lại đất cho nhà nước để thực hiện các công trình công cộng dẫn đến nhiều trường hợp khiếu nại; việc xử lý trường hợp có thay đổi về đường giao thông giữa bản đồ cũ, bản đồ mới và hiện trạng sử dụng đất chưa có hướng dẫn thống nhất.

Công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện nhiệm vụ quản lý, chỉnh lý biến động đất đai trên địa bàn vẫn còn vướng mắc như việc hướng dẫn thực hiện trả lại đất cho nhà nước để thực hiện công trình công cộng đã hơn một năm chưa được thống nhất về thẩm quyền ban hành hướng dẫn.

Do đó, Ban Kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tiếp tục tăng cường chỉ đạo, nâng cao trách nhiệm của các ngành, các cấp trong quản lý đăng ký, chỉnh lý biến động đất đai; chỉ đạo rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy chế phối hợp trong việc giải quyết thủ tục hành chính về đất đai phù hợp với tình hình thực tế, trong đó phân công rõ trách nhiệm giữa các cấp, các ngành trong công tác quản lý, chỉnh lý biến động đất đai, cụ thể cơ chế phối hợp và xử lý trách nhiệm đến từng cơ quan, đơn vị.

Thế Nhân - Trúc Ly

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục