BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người dân cần hiểu về quy trình cấp cứu 

Cập nhật ngày: 23/08/2022 - 17:50

BTN - Nhiều người không hiểu quy trình và tình trạng của người bệnh nên nóng lòng, có hững hành vi thái quá.

Người làm nghề y luôn cần sự chia sẻ, cảm thông, tin tưởng của người dân để yên tâm công tác, chăm sóc và điều trị an toàn cho bệnh nhân.

Thời gian gần đây, tình trạng y, bác sĩ, nhân viên y tế khoa Cấp cứu bị người thân bệnh nhân chửi bới, đe doạ, hành hung đang là tiếng còi báo động về tình hình an ninh trật tự nơi cứu chữa người. Không chỉ ở bệnh viện tuyến tỉnh, bác sĩ, điều dưỡng khoa Cấp cứu các trung tâm y tế cũng bị thân nhân người bệnh xúc phạm, chửi bới, bạo hành thường xuyên.

Một nhân viên y tế BVĐK Tây Ninh cho biết, họ thường xuyên bị chửi bới, gây chuyện, thậm chí lớn tiếng, cáu gắt trong khoa. Chỉ cần nhân viên y tế thao tác cấp cứu chậm một chút như nhập dữ liệu, truyền nước, rửa vết thương... cũng bị coi là tội đồ. “Đánh đập thì không có xảy ra, nhưng chửi bới “nhiều như cơm bữa”. Có nhiều bệnh nhân vào mà chúng tôi không kịp sơ cứu nhanh thì bị chửi như tát nước vào mặt”- nhân viên này cho hay.

Một bác sĩ cho biết thêm, không ngày nào không xảy ra các vụ nạt nộ, lớn tiếng chửi bới y, bác sĩ trong khoa Cấp cứu. Có những ca say rượu, tai nạn giao thông, đâm chém nhau, kéo đánh nhau... khi đưa vào cấp cứu rồi ẩu đả, gây gổ nhau trong bệnh viện xảy ra khá thường xuyên làm cho y, bác sĩ không khỏi bị liên luỵ. Tình trạng này chủ yếu người nhà bệnh nhân gây ra.

Khoa Cấp cứu được xem là nơi “đầu sóng ngọn gió” của bệnh viện, cũng là nơi chịu nhiều áp lực nhất trong công tác khám, chữa bệnh. Do đặc thù tiếp nhận bệnh nhân để xử lý ban đầu, kíp trực cấp cứu phải tiếp xúc với nhiều đối tượng, đối mặt với không ít tình huống bất ngờ xảy ra.

Bác sĩ Trần Thanh Tú- khoa Cấp cứu BVĐK Tây Ninh cho biết, quy trình cấp cứu cần có thứ tự ưu tiên từ nguy kịch, trung bình và trì hoãn. Mỗi ca bệnh đều có thời gian cấp cứu theo quy trình. Đối với những trường hợp nguy kịch như ngưng tim, ngưng thở, bác sĩ phải cấp cứu nhanh trong vòng 1-3 phút. Những ca ưu tiên như xuất huyết tiêu hoá, đa chấn thương, ngộ độc, rối loạn tuần hoàn sẽ ưu tiên cấp cứu trước trong thời gian 5-10 phút và phải tiếp nhận bệnh nhân. Riêng những ca không có dấu hiệu ưu tiên, không có dấu hiệu cấp cứu thì có thể trì hoãn trong vòng 120 phút.

 “Những ca ưu tiên cấp cứu, chúng tôi phải tập trung trước vì đó là ca nguy kịch. Hiện nhân lực phòng cấp cứu mỗi tua trực chỉ có 4 bác sĩ, 10 điều dưỡng, nhân lực như thế này thì khó mà bảo đảm toàn vẹn quá trình trực. Chúng tôi mong bà con thông cảm”- bác sĩ Tú bày tỏ.

Bác sĩ cho biết thêm, thực tế khi vào bệnh viện ai cũng có tâm lý lo lắng, muốn được cấp cứu trước, xử trí nhanh. Nhiều người không hiểu quy trình và tình trạng của người bệnh nên nóng lòng, có hững hành vi thái quá. Tuy nhiên, bác sĩ phải phân ra các bệnh ưu tiên, bệnh nhẹ đồng thời giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu để có sự cảm thông, chia sẻ, không thể có chuyện ai đến trước sẽ được cấp cứu trước.

“Trung bình mỗi ngày, khoa Cấp cứu BVĐK tỉnh tiếp nhận hơn 100 bệnh nhân, với số lượng nhân lực y tế hạn chế cho mỗi kíp trực, khoa khó có thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu của bệnh nhân và thân nhân của họ. Chúng tôi luôn cần sự chia sẻ, cảm thông, tin tưởng vào người làm nghề y để chúng tôi yên tâm công tác, chăm sóc và điều trị an toàn cho bệnh nhân”- bác sĩ Tú chia sẻ.

Tâm Giang