Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Các cơ sở y tế công lập đã được bổ sung thuốc:
Người dân cần mạnh dạn tham gia Bảo hiểm Y tế
Thứ ba: 06:17 ngày 25/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tương đối bảo đảm nguồn thuốc chữa bệnh, nhất là các loại thuốc thuộc diện được thanh toán BHYT.

Người dân đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm Y tế Tân Châu (ảnh chụp ngày 12.7.2023)

Thời gian qua, tình hình thiếu thuốc để phục vụ chữa bệnh trong hệ thống y tế công lập trên địa bàn tỉnh kéo dài nên người dân ít đến các trạm y tế xã (TYT), trung tâm y tế huyện (TTYT) để khám, chữa bệnh. Mới đây, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã tương đối bảo đảm nguồn thuốc chữa bệnh, nhất là các loại thuốc thuộc diện được thanh toán BHYT.

Mặc dù người dân đã dần quay trở lại khám, chữa bệnh tại các trạm và TTYT địa phương nhưng số lượt người đến khám vẫn còn ít. Có thể tình trạng thiếu thuốc trong thời gian kéo dài dẫn đến việc người dân “ngại” đến cơ sở y tế địa phương; hoặc người dân chưa kịp tiếp cận thông tin hiện nay thuốc đã được đáp ứng tương đối đầy đủ tại TYT và TTYT.

Khoảng 10 giờ 30 phút ngày 5.7.2023, TTYT Bến Cầu khá vắng vẻ, số lượt bệnh nhân đến khám bệnh rất ít. Bác sĩ Trần Văn Miền- Phó Giám đốc phụ trách cho biết, hiện đơn vị đã bổ sung tương đối đầy đủ thuốc điều trị nhưng số lượt bệnh nhân đến khám vẫn không nhiều.

Đề cập đến nguyên nhân có ít bệnh nhân đến Trung tâm, ông Miền cho hay, thời gian trước, trung tâm được chuyển sang công năng điều trị bệnh Covid-19 tập trung của tỉnh; đến khi dịch bệnh được kiểm soát, trung tâm trở về chức năng khám chữa bệnh thông thường, nhưng tâm lý người dân vẫn “ngại” đến nơi này. Tình trạng thiếu thuốc kéo dài cũng là một trong những nguyên nhân làm cho người bệnh không đến Trung tâm.

Sắp tới, Trung tâm sẽ phối hợp với Đài Truyền thanh huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền về tình hình thuốc đã cơ bản bảo đảm phục vụ bệnh nhân, để người dân an tâm đến khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, dù cư trú tại Bến Cầu, nhưng nhiều người dân có xu hướng đến khám, điều trị bệnh tại TTYT các huyện gần nhà hơn, như Gò Dầu, Châu Thành.

“Nếu Trung tâm có đầy đủ thuốc và đội ngũ chuyên môn khám, chữa bệnh thì người dân sẽ quay trở lại như trước đây. Thực tế, ít có người nào muốn đi xa để trị bệnh vì phát sinh chi phí, mất thời gian làm thủ tục chuyển viện, trong khi tại địa phương nơi mình cư ngụ có cơ sở y tế phục vụ tốt và chất lượng”- ông Lương Văn Sốt, một người dân ngụ khu phố 4, thị trấn Bến Cầu nêu ý kiến.

Ở một số TTYT ở các huyện khác như Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, số lượt bệnh nhân đến khám có đông hơn so với thời điểm thiếu thuốc, nhưng số lượt người đến khám, chữa bệnh vẫn chưa bình thường trở lại.

Bà Võ Thị Ngọc Mai- Giám đốc TTYT Tân Châu cho biết, 6 tháng đầu năm 2023, do tình hình thiếu thuốc nên số lượt bệnh nhân đến Trung tâm giảm nhiều, chỉ từ 100 đến 200 bệnh nhân đến khám, chữa bệnh trong một ngày. Trước đây, khi chưa xảy ra đại dịch Covid-19, mỗi ngày tại Trung tâm có từ 400 đến 500 lượt người đến trị bệnh. Hiện tại, TTYT Tân Châu tương tối đáp ứng đủ thuốc để phục vụ bệnh nhân. Tính đến ngày 12.7.2023, Trung tâm có khoảng 100 bệnh nội trú/ngày, hơn 200 bệnh ngoại trú/ngày.

“Trong thời gian thiếu thuốc, tôi phải đi khám bệnh tại các bệnh viện tư, vừa xa nhà lại phát sinh thêm nhiều chi phí. Tôi rất mừng vì TTYT Tân Châu đã bổ sung tương đối đầy đủ thuốc để phục vụ người dân. Tôi đã quay trở lại khám bệnh tại đây và thông báo cho nhiều bà con trong xóm đến khám, chữa bệnh tại Trung tâm để được thuận tiện và tiết kiệm chi phí”- bà Nguyễn Thị Thơm, một bệnh nhân đến khám bệnh tại TTYT Tân Châu cho hay.

Số lượng bệnh nhân quay trở lại khám, lấy thuốc theo diện được thanh toán BHYT tại TTYT Châu Thành và Tân Biên bắt đầu nhiều hơn so với thời điểm thiếu thuốc. Ông Trần Việt Hùng- Giám đốc TTYT Châu Thành cho hay, trung bình mỗi ngày có khoảng 180 đến 200 bệnh nhân ngoại trú đến Trung tâm khám, chữa bệnh, tại thời điểm thiếu thuốc, mỗi ngày chỉ khoảng 40 bệnh nhân.

“Tôi ưu tiên đến khám bệnh tại cơ sở y tế địa phương cho thuận tiện và tiết kiệm chi phí. Mình cứ đi khám bệnh theo đúng tuyến đang tham gia BHYT. Nếu trường hợp bệnh nặng thì cơ sở y tế sẽ chuyển lên tuyến trên để điều trị, chứ mình bị bệnh thông thường mà cứ đi thẳng lên các bệnh viện lớn thì bác sĩ cũng chuyển về cơ sở, phiền phức thêm khâu thủ tục hưởng quyền lợi về BHYT, chưa kể phát sinh chi phí đi lại”- bà Hồ Thị Nên, một người dân đến khám bệnh tại TTYT Châu Thành bày tỏ.

Trao đổi với phóng viên vào ngày 13.7.2023, ông Vũ Gia Phương- Giám đốc TTYT Tân Biên nhận định số lượt bệnh nhân hiện tại vẫn ít hơn khoảng 50% so với trước đây. Sau khi thuốc được bổ sung, Trung tâm đã báo cáo tình hình này lên HĐND và UBND huyện, qua đó có hướng triển khai kế hoạch tuyên truyền cho người dân được biết.

Bà Đoàn Thị Minh Thanh- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên cho biết, tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn huyện tính đến tháng 6.2023 chỉ đạt 84,95%, trong khi kế hoạch đề ra là phải đạt 92,4%. Tỷ lệ này đạt thấp dẫn đến các xã đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao không giữ vững được tiêu chí về người dân tham gia BHYT.

Theo bà Thanh, tỷ lệ này đạt thấp là do thiếu thuốc, vật tư y tế, hoá chất trong thời gian dài làm ảnh hưởng đến tâm lý của người dân khi được vận động tham gia BHYT. Hiện nay, thuốc đã được bổ sung tương đối đầy đủ để phục vụ bệnh nhân trên địa bàn huyện.

Để đạt được tỷ lệ đang đề cập, cũng như bảo đảm cho người dân hưởng quyền lợi về BHYT tốt nhất, trong thời gian tới, UBND huyện sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông qua Đài Truyền thanh huyện, hệ thống loa phát thanh các xã, đặc biệt, huyện sẽ chỉ đạo các xã và thị trấn đến từng hộ dân tuyên truyền, vận động về nội dung liên quan.

Do ảnh hưởng chung về tình trạng thiếu thuốc kéo dài, thời gian qua tại các cơ sở y tế tuyến đầu cũng trở nên vắng vẻ. Qua quan sát một số trạm y tế tại các xã như Tân Bình, huyện Tân Biên; xã Tân Hội, huyện Tân Châu; xã Thành Long, huyện Châu Thành thì số lượt bệnh nhân đến các trạm vẫn chưa nhiều như trước đây, mặc dù thuốc đã được bổ sung để phục vụ bệnh nhân tuyến đầu.

Theo bà Quách Thị Tình- Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hội, huyện Tân Châu, tình hình thiếu thuốc kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác vận động người dân tham gia BHYT. Người dân có thói quen có bệnh thì đi mua thuốc bên ngoài mà không vào trạm y tế. Thế nên, công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHYT tại địa phương đang gặp khó khăn.

Quốc Sơn - Đại Dương

 

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục