BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người dân đã nhận thức hơn trong việc bảo vệ động vật quý hiếm 

Cập nhật ngày: 15/12/2020 - 16:59

BTNO - Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm tỉnh xác nhận, vừa qua, Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành-Bến Cầu nhận được tin báo của ông Nguyễn Văn Tâm (ngụ ấp Thanh Hùng, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành), về việc ông Tâm tự nguyện giao nộp 1 cá thể động vật là loài chim lạ mà ông bắt được.

Con diều hoa Miến Điện được nuôi dưỡng tại Chi cục Kiểm lâm tỉnh nhưng không may đã qua đời.

Qua tiếp nhận, ngành Kiểm lâm xác nhận đó là loài Diều hoa Miến Điện có tên khoa học là Spilornis chee. Đây là 1 loài động vật thuộc danh mục nhóm IIB được quy định tại Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22.1. 2019 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Sau khi tiếp nhận tin báo của ông Tâm,  Lãnh đạo Hạt Kiểm lâm cử bộ phận Thanh tra- Pháp chế, Tổng hợp phối hợp với Tổ Kiểm lâm cơ động và Phòng cháy, chữa cháy rừng đến địa chỉ nêu trên để tiếp nhận cá thể động vật rừng tên gọi Diều hoa Miến Điện mà ông Tâm tự nguyện giao nộp.

Theo lời trình bày của ông Tâm, con chim Diều hoa Miến Điện nói trên bị rơi tại rẫy cao su nhà ông ở huyện Tân Biên và ông bắt được. Theo ông Tâm, có thể việc con chim này là loại động vật quý hiếm nếu nuôi có thể vi phạm pháp luật, nên ông chủ động liên hệ Hạt Kiểm lâm liên huyện Châu Thành - Bến Cầu để giao nộp.

Lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm cho biết, đã tiếp nhận cá thể Diều hoa Miến Điện để chăm sóc, nuôi dưỡng. Sau khi thực hiện thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và bảo đảm điều kiện sức khỏe, cá thể Diều hoa Miến Điện sẽ được thả về môi trường tự nhiên.

Thực tế, do diều hoa Miến Điện không phải là loại động vật bản địa mà là loại động vật di cư nên trong quá trình nuôi dưỡng mặc dù ngành Kiểm lâm đã phối hợp với ngành Thú y chăm sóc nhưng con diều hoa Miến Điện không thể phục hồi sức khỏe để thả về môi trường tự nhiên và con chim đã chết, đây là điều hết sức đáng tiếc.

Tuy nhiên, qua vụ việc người dân tự nguyện giao động vật rừng quý nhận, có thể nhận thấy công tác tuyên truyền về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm của kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng và các ngành, các cấp đã từng bước đi vào cuộc sống, người dân đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình khi nuôi nhốt động vật rừng trái pháp luật.

Thế Nhân