Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một người dân ngụ tổ 4 cho hay, đường điện do người dân tự quản lý nên mỗi khi dây dẫn bị đứt hoặc bị thòng thì việc bảo trì, sửa chữa gặp nhiều khó khăn, cây cối va quẹt cũng ít ai dám đứng ra xử lý.
Bà Lê Thị Hường cho biết, do đường điện kéo vào tổ dân cư khá xa nên nguồn điện yếu, ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt thường ngày.
Tại hội nghị tiếp xúc cử tri hôm 6.11, cử tri tổ 4, ấp 6, xã Suối Ngô (huyện Tân Châu) có ý kiến: nhiều hộ dân tổ 4 vẫn còn sử dụng điện lưới do tư nhân quản lý, dẫn đến tỷ lệ hao hụt và tổn thất điện năng khá lớn; chưa bảo đảm an toàn về mặt kỹ thuật trên đường dây dẫn điện. Cử tri kiến nghị ngành Điện lực sớm tiếp nhận bán điện trực tiếp cho người dân tại tổ 4.
Qua quan sát vào ngày 13.11.2023, đường dây và trụ điện phục vụ tổ dân cư tổ 4 được đấu nối bắt đầu từ hệ thống lưới điện bên đường ĐT.795. Đường điện vào khu dân cư đang đề cập có chiều dài từ điểm đầu đến điểm cuối khoảng 2km, được người dân chôn trụ và mắc dây dẫn điện bên một đường đất sỏi phún (ngang qua nhiều diện tích đất trồng cây cao su).
Bà Lê Thị Hường, một người dân có nhà tại tổ 4 cho biết, do đường điện kéo vào tổ dân cư khá xa đồng nghĩa với việc tổn thất điện năng xảy ra nên hằng tháng, người sử dụng điện phải đóng thêm khoản tiền điện bị hao hụt rất nhiều.
Mặt khác, để kéo một đường điện vào nhà dân phải tốn chi phí không nhỏ, từ vài chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng. Do đó, nhiều hộ dân đành chọn cách hùn nhau mua trụ và dây dẫn đấu nối “nhờ” từ những hộ dân có nhà gần hơn với đầu nguồn điện, dẫn đến tình trạng điện yếu, hao hụt điện năng.
Bà Trần Thị Thanh Thảo, một người dân ngụ tổ 4 cho hay, đường điện do người dân tự quản lý nên mỗi khi dây dẫn bị đứt hoặc bị thòng thì việc bảo trì, sửa chữa gặp nhiều khó khăn, cây cối va quẹt cũng ít ai dám đứng ra xử lý. Trường hợp người dân tự khắc phục sự cố cũng không bảo đảm đúng kỹ thuật và an toàn điện.
“Tôi kiến nghị ngành Điện sớm đầu tư bán điện trực tiếp cho những hộ dân tại tổ 4, để trong quá trình sử dụng điện có người của Điện lực bảo trì đúng kỹ thuật, nhằm hạn chế tình trạng hao hụt điện năng”- bà Thảo nêu ý kiến.
Một kiểu đấu nối dây dẫn điện không bảo đảm an toàn.
Thực tế, hệ thống đường dây và trụ điện hiện trạng có nhiều chỗ không bảo đảm an toàn. Có nhiều đoạn dây diện thòng sát đất, dây leo bao phủ lên dây dẫn điện, một số cây trụ điện xiêu vẹo, có khá nhiều vị trí dây dẫn điện cọ xát với cây cao su hoặc các loại cây xanh khác; không ít chỗ đường dây điện được đấu nối sơ sài, rối rắm, để lộ lõi dây dẫn…
Ông Hồ Minh Sĩ- Tổ trưởng tổ 4 cho biết cách nay hơn 10 năm, do nhu cầu sử dụng điện nên một số hộ dân có điều kiện hùn nhau kéo đường dây điện. Về sau, người dân về đây cất nhà sinh sống và canh tác nông nghiệp nhiều hơn, nguồn điện được chia sẻ cho nhiều hộ. Đến nay, tổ dân cư tổ 4 có 18 hộ.
“Thực trạng người dân sử dụng điện gặp nhiều khó khăn là có thật, điện yếu, hao hụt điện năng dẫn đến phát sinh chi phí không nhỏ; các hộ khó có điều kiện kéo đường dây từ nguồn điện chính vì khá xa. Tôi kiến nghị ngành Điện lực sớm đầu tư bán điện trực tiếp cho người dân, để bà con an tâm sản xuất, ổn định cuộc sống”- ông Sĩ cho hay.
Một đoạn dài đường dây điện dẫn vào tổ 4 bị thòng gần tới đất.
Liên quan đến ý kiến của cử tri và người dân tổ 4, ông Phạm An Thuận- Chủ tịch UBND xã Suối Ngô cho biết, ngày 7.11.2023, UBND xã phối hợp Điện lực Tân Châu khảo sát đường điện vào tổ dân cư tổ 4. Qua trao đổi, đại diện Điện lực Tân Châu cho biết sẽ đưa vào ghi vốn đầu tư trung hạn, riêng về thời gian triển khai đầu tư trong năm 2024 hay 2025 thì Điện lực Tân Châu xem xét thực hiện.
Quốc Sơn - Đại Dương