Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Mới đây, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV thống nhất thông qua Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng cũng như các chất gây nghiện, có hại cho sức khoẻ từ năm 2025.
Tác hại của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
Thời gian qua, thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá nung nóng (TLNN) luôn là nỗi lo của rất nhiều phụ huynh. Theo báo cáo của ngành Công an, những năm gần đây, tình trạng mua bán, sử dụng thuốc lá thế hệ mới có pha tẩm ma tuý trên thế giới và ở Việt Nam diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn những tác hại khôn lường không chỉ đối với sức khoẻ người sử dụng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của toàn xã hội.
Hút thuốc lá điện tử có thể gây nên các bệnh lý nguy hiểm. Ảnh minh hoạ (nguồn internet)
Sử dụng TLĐT, TLNN về bản chất vẫn là đưa nicotine- chất gây nghiện vào cơ thể. Việc cấm tuyệt đối thuốc lá thế hệ mới là vô cùng cần thiết. Mặc dù các nhà sản xuất TLĐT, TLNN vẫn tuyên bố các sản phẩm này là giải pháp thay thế cho người hút thuốc và không nhắm vào giới trẻ, nhưng bằng chứng thực tiễn cho thấy, các sản phẩm này hướng tới một lượng lớn khách hàng mới (chưa từng hút thuốc), bao gồm cả phụ nữ và trẻ em.
Các nhà sản xuất đã và đang sử dụng nhiều cách thức khác nhau để thu hút thanh thiếu niên sử dụng TLĐT, TLNN thông qua hương vị hấp dẫn, thiết kế sản phẩm bắt mắt, thời trang, theo xu hướng công nghệ, bán hàng qua mạng internet- là hình thức mà giới trẻ thường sử dụng, hay tài trợ cho người nổi tiếng, có ảnh hưởng trên mạng xã hội để quảng cáo các sản phẩm và dễ dàng tiếp cận với giới trẻ.
Thực tế cho thấy, TLĐT và một số loại TLNN mới phát sinh, có sử dụng nhiều hương liệu, hoá chất không phải từ nguyên liệu lá thuốc lá điếu thông thường mà phối trộn nhiều loại thành phần khác nhau, nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma tuý.
Thông qua việc phối trộn, người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma tuý và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Các nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy rõ mối liên quan giữa sử dụng TLĐT với các tệ nạn xã hội khác như ma tuý, hút shisha và các chất gây nghiện khác.
TLĐT, TLNN đang xâm nhập vào các trường học, đặc biệt, nữ giới cũng sử dụng rất phổ biến, ảnh hưởng xấu đến hành vi, lối sống của các em; gây ra hậu quả lâu dài về sức khoẻ, tổn thất đến kinh tế, xã hội.
Tổ chức Y tế thế giới đã cảnh báo, thuốc lá thế hệ mới đóng vai trò là cửa ngõ khiến cho trẻ em và thanh thiếu niên sau này sử dụng thuốc lá điếu thông thường và các chất gây nghiện khác, bao gồm cả ma tuý. Đây là điều đáng báo động, mà phụ huynh cũng như nhà trường cần quan tâm, giáo dục, nhắc nhở con, em- nhất là nhóm tuổi thanh thiếu niên tránh tiếp xúc, sử dụng, mua bán các loại thuốc lá nói chung, nhằm bảo vệ sức khoẻ cho bản thân, gia đình và cộng đồng.
Cấm thuốc lá điện tử để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng
Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV đã thông qua nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng TLĐT, TLNN cũng như các chất gây nghiện, có hại cho sức khoẻ từ năm 2025.
Để việc cấm thuốc lá thế hệ mới được triệt để, trong thời gian tới cần thực hiện các biện pháp kiểm soát thị trường; đẩy mạnh thực thi và tăng cường các quy định về chống buôn lậu, quảng cáo và bán các sản phẩm này nhằm ngăn chặn sự gia tăng sử dụng trong thanh thiếu niên. Việc cấm sử dụng thuốc lá mới cũng là cơ sở để xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm và ngăn ngừa, phát hiện kịp thời việc sử dụng ma tuý- đặc biệt là trong giới trẻ.
Chị Đỗ Thị Kim Yến (phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh) cho biết có con trai đang là sinh viên đi học xa nhà nên chị thường xuyên gọi điện thoại nhắc nhở con không sử dụng TLĐT, TLNN.
Chị bày tỏ sự đồng tình khi biết thông tin Quốc hội thông qua Nghị quyết về cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng TLĐT, TLNN, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khoẻ con người từ năm 2025.
“Tôi rất lo lắng vì trong môi trường đại học vẫn có sinh viên sử dụng TLĐT, TLNN. Do đó, tôi rất hoan nghênh việc Quốc hội cấm mọi hình thức kinh doanh, sử dụng TLĐT, TLNN, góp phần hạn chế tình trạng buôn bán thuốc lá thế hệ mới công khai, tự do như hiện nay. Mong rằng việc nghiêm cấm này sẽ được thực hiện triệt để trong thời gian tới”- chị Yến chia sẻ.
Không chỉ các bậc phụ huynh quan tâm đến vấn đề cấm TLĐT, TLNN, nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ đối với quyết định trên của Quốc hội. Nguyễn Châu Bảo Anh (18 tuổi, sinh viên, ngụ phường Hiệp Ninh, TP. Tây Ninh) cho biết, em thường có các buổi tụ họp cùng bạn bè ở các quán cà phê. Và rất nhiều lần nhóm bạn phải di chuyển chỗ ngồi vào khu vực có máy lạnh của quán để tránh khói thuốc lá từ các bàn bên cạnh.
Bảo Anh chia sẻ, tình trạng hút thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá truyền thống lẫn TLĐT tại các quán cà phê xuất hiện ngày càng nhiều. TLĐT được nhiều người lựa chọn sử dụng vì có mùi thơm, không gây khó chịu như mùi thuốc lá truyền thống, nhưng tất cả đều gây hại đến sức khoẻ.
Hữu Quốc (bạn của Bảo Anh) cũng cho rằng, tác hại của TLĐT là rất lớn đối với sức khoẻ người sử dụng lẫn những người xung quanh. Nếu chẳng may gặp những vấn đề bệnh lý nghiêm trọng chỉ vì thói quen hút thuốc lá thì thật đáng tiếc.
“Việc Quốc hội thông qua đề xuất cấm TLĐT làm mình rất phấn khởi, hy vọng sẽ giảm thiểu được số lượng người mắc các bệnh lý do khói thuốc lá. Điều này cũng giúp bảo vệ sức khoẻ cho chính mình”- Quốc nói.
Tây Ninh đề cao công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá
Thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 trên địa bàn, mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh ban hành kế hoạch với các nội dung cụ thể.
Trong giai đoạn 1 (2023-2025), tập trung vào việc phổ biến Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL) và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật; thực thi quy định về môi trường “Không khói thuốc lá”; tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCTHTL và nâng cao năng lực của lực lượng làm công tác PCTHTL; đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về phòng, chống tác hại thuốc lá; thông tin truyền thông về tác hại thuốc lá, ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLNN, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Giai đoạn 2 (2026-2030), tăng cường thực thi quy định môi trường “Không khói thuốc lá”; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCTHTL và nâng cao năng lực của lực lượng làm công tác PCTHTL; tổ chức điều tra, khảo sát, đánh giá cuối kỳ về tỷ lệ sử dụng thuốc lá và tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá…
Việc ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 nhằm giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá, kéo giảm bệnh tật và tử vong do sử dụng các sản phẩm thuốc lá gây ra.
Mục tiêu cụ thể của tỉnh trong giai đoạn 2024-2025 là: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 19,5%, nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 0,7%; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 25%, tại nhà hàng xuống dưới 60%, tại quán bar, cà phê xuống dưới 75%, tại khách sạn xuống dưới 60%; ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLNN, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Giai đoạn 2026-2030, tỉnh tập trung vào mục tiêu: Giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 18%, nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 0,5%; giảm tỷ lệ tiếp xúc thụ động với khói thuốc lá tại nơi làm việc xuống dưới 0%, tại nhà hàng xuống dưới 50%, tại quán bar, cà phê xuống dưới 60%, tại khách sạn xuống dưới 50%; tiếp tục ngăn ngừa việc sử dụng các sản phẩm TLĐT, TLNN, shisha và các sản phẩm thuốc lá mới khác trong cộng đồng.
Có thể nói, tất cả sản phẩm thuốc lá mới (TLĐT, TLNN) đều gây hại đối với sức khoẻ. Nếu không được ngăn chặn kịp thời, TLĐT, TLNN sẽ có nguy cơ cao tạo ra một thế hệ trẻ nghiện nicotine.
Do đó, việc Quốc hội khoá XV quyết định cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, vận chuyển và sử dụng TLĐT, TLNN cũng như các chất gây nghiện, có hại cho sức khoẻ từ năm 2025 nhận được sự hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ mạnh mẽ từ người dân.
Yên Khuê