Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Khan hiếm công lao động:
Người dân khai thác mủ cao su bằng khoan áp khí ethylene
Chủ nhật: 23:38 ngày 22/09/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hầu hết người dân biết đến phương pháp này qua tìm hiểu trên internet hay học hỏi từ những nhà vườn khác. Nông dân một số địa phương như Châu Thành, Tân Châu… cũng đang áp dụng.

Ông Xuân khoan lấy mủ cao su.

Trước tình hình giá mủ cao su xuống thấp, nhà vườn lại khó tìm được công lao động, phương pháp cạo mủ bằng cách khoan áp khí ethylene được nhiều người quan tâm. Hầu hết người dân biết đến phương pháp này qua tìm hiểu trên internet hay học hỏi từ những nhà vườn khác. Nông dân một số địa phương như Châu Thành, Tân Châu… cũng đang áp dụng.

Ông Đào Văn Châm (sinh năm 1961), ngụ ấp Chòm Dừa, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành là một trong những hộ đầu tiên thực hiện trong địa bàn. Ông Châm tình cờ học được cách làm này từ internet. Theo như những tài liệu mà ông tìm hiểu, ethylene là một hormone thực vật có trong cao su, đóng vai trò phát triển bộ rễ, tham gia vào sự vận hành tuyến mủ, kích thích quá trình tạo mủ và làm cho mủ chậm đông, giúp cho mủ chảy dai hơn. Dựa vào đặc tính này, các nhà khoa học đã sáng tạo ra nhiều cách bổ sung ethylene vào thân cây. Phương pháp này đã được ứng dụng ở Malaysia và Thái Lan.

Ông Châm cho biết, so với cạo truyền thống thì khoan lấy mủ nhẹ nhàng hơn, làm ban ngày, kể cả ngày mưa. Cây cao su với vết thương nhỏ sẽ hạn chế bệnh, nhanh phục hồi, không mất tuyến mủ. Bên cạnh đó, năng suất mủ cao hơn so với cách truyền thống, số ngày lấy mủ trung bình khoảng 9 tháng trong năm. Đồng thời, chi phí lấy lại trong vòng 1 tháng, vật tư có thể xài được 2 - 3 năm. 

Các vật tư cho phương pháp khoan áp khí gồm có: bộ áp khí (gồm nắp chóp màu xanh dương đóng vào thân cây, túi khí, nắp bít gắn vào đầu dây dài của túi khí), búa, khoan, máng hứng mủ hoặc ống lấy mủ, bộ dụng cụ bơm khí (bình khí, van, công cụ bơm định lượng). Ngoài ra, còn có dụng cụ dùng để che mưa. 

Khi thực hiện phương pháp này, người dân sẽ lắp bộ áp khí vào thân cây, sau đó bơm khí. Khi khoan lấy mủ, nhà vườn dùng ống nhựa có chiều dài khoảng 7cm, được thiết kế sẵn gắn vào lỗ vừa được khoan để mủ chảy ra.

Vườn cao su nhà ông Châm có diện tích khoảng 2,2 ha. Đến nay, ông đã áp dụng phương pháp này được 4 tháng. Chi phí mua vật tư khoảng 9 triệu đồng/ha. Qua thực tế thực hiện, ông nhận thấy sản lượng mủ tăng gấp 2 lần so với cạo truyền thống. “Tuy phương pháp này đơn giản nhưng cũng đòi hỏi phải thực hiện đúng kỹ thuật, quy trình” - ông Châm chia sẻ.

Ông Trần Văn Xuân (sinh năm 1948), ngụ ở ấp Chòm Dừa cho biết, hiện nay, nhân công rất khan hiếm, hầu hết những người trong độ tuổi lao động đều đi làm ở công ty, xí nghiệp. Do đó, việc tìm người cạo mủ rất khó khăn. Tìm hiểu trên internet, thấy có phương pháp khoan, cạo lấy mủ bằng cách áp khí ethylene, ông nghiên cứu và áp dụng thử trên một số cây trong vườn, sau một tháng thấy kết quả khả quan, ông bắt đầu nhân rộng. Tổng diện tích cao su của gia đình ông gần 4 ha, hiện ông đã áp dụng phương pháp này cho gần 3 ha, các cây này trước đó đã khai thác được 10 năm.

Ông Xuân cho biết, không như các hộ dân khác áp dụng phương pháp này trên cây cao su có da nguyên sinh, gia đình ông thực hiện trên cây da tái sinh. Ngay cả công ty bán vật tư cho ông cũng chỉ bảo đảm hiệu quả cho cây nguyên sinh, còn cây tái sinh thì không chắc chắn. Lớp vỏ các cây này đều sần sùi rất khó làm chứ không liền mặt như các cây khác. Tuy nhiên khi thực hiện, ông thấy kết quả mang lại rất khả quan, lượng mủ thu được đầy chén, cao hơn so với cạo truyền thống.

Theo ông Xuân, nếu áp dụng phương pháp này, những người lớn tuổi như vợ chồng ông vẫn làm được vì chỉ làm vào ban ngày, không làm vào ban đêm như cạo mủ truyền thống. Thông thường khoảng 2, 3 giờ chiều, ông bắt tay khoan, để khoảng 15 tiếng, tức đến 7 giờ sáng hôm sau thì trút mủ. Chi phí ông mua vật liệu khoảng 22 triệu đồng cho khoảng 1.500 cây. Đến nay, ông thực hiện phương pháp này gần 2 tháng.

Tuy nhiên, xung quanh phương pháp này đang có nhiều luồng ý kiến khác nhau về hiệu quả cũng như tác hại, gây ảnh hưởng không tốt, suy kiệt cây… Chị Trần Thị Thảo - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đồng Khởi cho biết, trên địa bàn xã cũng có nhiều nông dân áp dụng. Có thể nói đây là phương pháp phù hợp với tình hình khan hiếm công lao động, giúp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất… Nhưng về lâu dài, nông dân cần phải theo dõi thêm. 

Theo ý kiến của cơ quan chuyên môn, đây là phương pháp mới nên cần được các cơ quan đánh giá. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng khuyến cáo người dân không nên thực hiện trên diện tích lớn, chỉ sử dụng phương pháp này đối với cây trên 15 năm tuổi.

Giang Hà

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục