Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người dân không được chủ quan, lơ là trong mùa mưa bão
Thứ năm: 23:50 ngày 03/10/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, 9 tháng đầu năm 2024, đã xảy ra 4 cơn bão, trong đó cơn bão số 3 (Yagi) ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng xảy ra 18 đợt mưa lớn, lốc cục bộ gây thiệt hại trên địa bàn 6 huyện, 2 thị xã làm 78 căn nhà bị hư hại, ngập nước, 143 ha cây trồng bị ảnh hưởng và một số hư hại khác, tổng giá trị thiệt hại 729 triệu đồng.

Theo Chi cục Thuỷ lợi tỉnh, 9 tháng đầu năm 2024, đã xảy ra 4 cơn bão, trong đó cơn bão số 3 (Yagi) ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh không chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão, nhưng xảy ra 18 đợt mưa lớn, lốc cục bộ gây thiệt hại trên địa bàn 6 huyện, 2 thị xã làm 78 căn nhà bị hư hại, ngập nước, 143 ha cây trồng bị ảnh hưởng và một số hư hại khác, tổng giá trị thiệt hại 729 triệu đồng.

Điển hình là đợt mưa lớn, lốc xảy ra từ ngày 28.8 đến ngày 4.9 trên địa bàn các huyện Gò Dầu, Dương Minh Châu, Tân Biên, Châu Thành, Tân Châu và thị xã Hoà Thành gây thiệt hại 344 triệu đồng, trong đó, 16 căn nhà bị tốc mái, thiệt hại 261 triệu đồng; 1 nhà xưởng của Công ty TNHH TMDV Tân Khải Thành bị tốc mái che, thiệt hại 20 triệu đồng; 10,18 ha lúa mới gieo sạ bị ngập, thiệt hại 56 triệu đồng và một số hư hại khác, thiệt hại 7 triệu đồng. Sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền địa phương khẩn trương kiểm tra, hỗ trợ nhà bị hư hại 16,6 triệu đồng, huy động lực lượng 74 người giúp Nhân dân khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra.

Để chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm 2024, ngành Nông nghiệp tỉnh đưa ra những giải pháp để hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu chỉ đạo thực hiện bảo đảm sản xuất vụ Hè Thu, vụ Mùa năm 2024.

Đối với vụ Mùa 2024 thường xuyên theo dõi tình hình thời tiết, dự báo, cảnh báo mưa bão để chủ động thu hoạch, bảo vệ diện tích cây trồng, vật nuôi.

Đối với vụ Đông Xuân 2024-2025: là thời gian chuyển từ mùa mưa sang mùa khô, do đó, Nhân dân theo dõi thời gian mở nước phục vụ tưới sản xuất nông nghiệp để có kế hoạch xuống giống kịp thời; thường xuyên theo dõi, thăm đồng ruộng; khu vực thường xuyên bị ngập úng, hoặc có khả năng thiếu nước, người dân tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, chọn loại giống thích nghi để sản xuất.

Bên cạnh đó, để bảo đảm tiêu thoát nước, an toàn công trình và hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp trong mùa mưa bão: giai đoạn 2021-2024, ngành đã thực hiện đầu tư, nạo vét 19 tuyến kênh tiêu và phát cỏ vớt rong với kinh phí là 341.311 triệu đồng.

Trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh, UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ an toàn các công trình thuỷ lợi, đặc biệt là các tuyến kênh tiêu để có các giải pháp, phương án và bố trí kinh phí thực hiện bảo đảm tiêu thoát nước (nạo vét, phát cỏ, vớt rong...) phòng, chống thiên tai giúp người dân an tâm sản xuất nông nghiệp, giảm thiệt hại do mưa bão gây ra.

Từ nay đến năm 2025, ngành tiếp tục thực hiện 11 dự án kênh tiêu theo quy hoạch thuỷ lợi; đồng thời tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố, Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh chủ động rà soát các vị trí ngập có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, bố trí kinh phí thực hiện bảo đảm tiêu thoát nước, để giảm thiệt hại do thiên tai, mưa bão, ngập úng gây ra.

Ông Trần Quang Vinh– Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh khuyến cáo, để chủ động ứng phó hạn chế thiệt hại về người, tài sản do thiên tai gây ra, người dân cần theo dõi, nắm thông tin về cảnh báo thiên tai và tự trang bị cho mình những biện pháp, kỹ năng ứng phó với từng loại hình thiên tai.

Cụ thể đối với bão cần thực hiện những việc nên làm trước khi xảy ra bão như thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo bão; cất giữ giấy tờ quan trọng trong túi không thấm nước; lưu các số điện thoại khẩn cấp khi cần cứu hộ, cứu nạn; dự trữ nước uống, lương thực thực phẩm, thuốc men, các vật dụng cần thiết đủ để dùng ít nhất trong 7 ngày; gia cố chằng chống nhà cửa, cắt tỉa cành cây; bảo vệ lồng, bè, tài sản, gia súc, gia cầm; tranh thủ thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp; xác định vị trí an toàn để trú ẩn; chủ động sơ tán khỏi các nhà ở không bảo đảm an toàn; chấp hành sự chỉ đạo của chính quyền địa phương.

Những việc nên làm trong bão: theo dõi thông tin về tình hình, diễn biến bão; nên ở trong nhà, nơi trú ẩn, không đi ra ngoài; nếu buộc phải đi ra ngoài nên mang theo vật dụng như: đèn pin, áo phao, điện thoại để thông tin khi cần thiết; thông tin kịp thời, chính xác vị trí, tình trạng nguy hiểm khi cần cứu hộ, cứu nạn.

 Những việc không nên làm trong bão như không đi ra ngoài khi có bão đổ bộ; không ở trên tàu, thuyền đã neo đậu, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thuỷ sản; không trú tránh dưới gốc cây, cột điện, vật dễ đổ, ngã…; không đi gần hoặc giẫm lên các đường dây điện, cột điện bị ngã; không tìm cách vượt qua các cây đổ chắn ngang đường vì có thể có dây điện mắc vào. 

Những việc nên làm sau khi xảy ra bão gồm kiểm tra lại nhà ở, các thiết bị trước khi sử dụng; khẩn trương khắc phục hậu quả ổn định khôi phục sản xuất; thống kê thiệt hại, báo cáo kịp thời với chính quyền địa phương; tham gia xử lý môi trường.

Đối với mưa lớn và các loại hình thiên tai khác như: lốc, sét, ngập lụt…: đề nghị nhân dân xem tờ rơi tuyên truyền được đăng tải trên trang thông tin của Sở Nông nghiệp và PTNT theo địa chỉ http://sonongnghiep.tayninh.gov.vn/thuy-loi.

Những hình ảnh thiệt hại về tài sản của người dân do giông lốc gây ra tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh đầu mùa mưa năm nay.

Thế Nhân

Tin cùng chuyên mục