Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người dân không nên đốt mía
Thứ hai: 11:18 ngày 23/12/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đang bước vào vụ thu hoạch mía niên vụ 2019 - 2020. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), những diện tích mía đã thu hoạch hầu hết là mía cháy.

Diện tích mía bị đốt tại xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành.

Chủ mía tự đốt

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, đến ngày 20.12.2019, các nhà máy đã thu hoạch được 377 ha mía, trong đó diện tích mía cháy lên đến… 375 ha (diện tích mía cháy tại Tây Ninh là 320 ha, tại Campuchia là 55 ha). Đối với nguyên liệu mía đưa về các nhà máy đường, sản lượng mía cháy lên đến 21.986 tấn.

Hầu hết các diện tích mía cháy là do chủ mía chủ động đốt để tạo áp lực thu mua với nhà máy, đồng thời để chuyển sang canh tác các loại cây trồng khác kịp tiến độ. Bên cạnh đó, mía cháy còn do một số đầu công chặt mía đã lén đốt để giảm công sức thu hoạch.

Thời gian gần đây, ông H - một chủ rẫy mía tại xã Bàu Năng, huyện Dương Minh Châu đang tất bật thu hoạch mía để kịp đưa về nhà máy do có khoảng 30 ha mía không rõ vì sao “bỗng dưng” bị cháy. Ông H chia sẻ: “Hiện trên địa bàn tỉnh mía bị cháy do công tự đốt để buộc tôi phải tăng tiền công. Mía cháy khiến năng suất giảm từ 10% - 20% so với mía tươi. Nếu công ty mía đường không thu mua kịp thời thì chữ đường sẽ giảm mạnh. Nếu quá 5 ngày nhà máy không thu mua thì coi như mất trắng. Tính đến nay, tôi đã thiệt hại hàng chục triệu đồng”.

Tại xã Đồng Khởi (huyện Châu Thành), chúng tôi ghi nhận hàng chục ha mía đang xanh tốt, chưa trổ cờ đột ngột bốc cháy lúc giữa trưa. Từ một đám cháy nhỏ ban đầu, lửa đã nhanh chóng lan rộng ra gần hết diện tích mía. Một người dân sống gần đó cho biết, khoảng 3-4 năm trở lại đây, năm nào gần đến thời điểm thu hoạch mía là mía lại cháy không rõ nguyên nhân...(!?). Và ngay sau đó, ruộng mía cháy sẽ có đầu công đến thu hoạch.

Còn anh N.B.N, ngụ xã Thành Long (huyện Châu Thành) - là người trồng mía lâu năm và có gần 100 ha mía cho biết: “Đối với những diện tích mía lớn, nhà máy thường hỗ trợ cơ giới hoá gần như từ khâu trồng cho đến khâu thu hoạch. Tuy nhiên, đối với những diện tích nhỏ lẻ khoảng 1-2 ha thì khâu thu hoạch còn phụ thuộc nhiều vào công lao động.

Trong khi đó, nhân công lao động ngày càng khan hiếm nên chi phí thu hoạch mía ngày một cao hơn. Chưa kể, đến ngày mía chín nhưng nhà máy không cho thu hoạch đồng loạt, có khi 1 tuần mới cho thu hoạch khoảng 3-5 ha. Vì vậy, để được nhà máy hỗ trợ thu hoạch, thu mua sớm, nhiều nông dân đã phải tự tay đốt mía. Khi đó nhà máy phải hỗ trợ nhân lực để thu hoạch. Nếu nhà máy không hỗ trợ thu hoạch, không thu mua mía thì coi như nông dân mất trắng. Vì vậy, anh N kiến nghị nhà máy tạo điều kiện nông dân để tránh thiệt hại.

Nông dân không nên đốt mía

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn rất nhiều diện tích mía đang “đứng đồng” và có nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Theo một số nông dân, giá mía niên vụ này có tăng nhưng không nhiều, trong khi tiến độ thu mua của nhà máy còn chậm nên gây khó khăn cho người dân.

Trước tình hình này, Sở NN&PTNT khuyến cáo người dân không nên đốt mía. Những diện tích mía nông dân đốt vẫn được nhà máy thu mua theo kế hoạch ban đầu. Tuy nhiên, sau 3 ngày, trọng lượng mía và chữ đường sẽ giảm đáng kể, khi đó nhà máy đường từ chối thu mua.

Sở NN&PTNT đề nghị chính quyền các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền tác hại của việc đốt mía và đề phòng kẻ xấu phá hoại.

Đại diện Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hoà cho biết, trước tình trạng khan hiếm nguồn công lao động, Công ty đã hỗ trợ đầu tư vốn cho một số khách hàng mua sắm máy thu hoạch mía nhằm đẩy nhanh tiến độ thu hoạch đối với những khu vực có cánh đồng lớn.

Mía được thu hoạch bằng phương tiện cơ giới có giá công thu hoạch khoảng 155.000 đồng/tấn (thấp hơn khoảng 60.000 đồng/tấn so với thu hoạch thủ công), giúp giảm chi phí thu hoạch, tăng lợi nhuận sản xuất mía cho người nông dân. Đồng thời, phía nhà máy đã có chính sách hỗ trợ để người dân có điều kiện tái sản xuất.

Vũ Nguyệt

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục