Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người dân kiến nghị nạo vét kênh tiêu T12A và dãy hố vật liệu cặp kênh N4
Thứ sáu: 18:18 ngày 12/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Sau cơn mưa lớn vào tối 9.7, nhiều diện tích đất trồng cây ăn trái tại khu vực giáp kênh N4 và kênh T12A (vùng giáp ranh giữa ấp Thuận Bình, xã Truông Mít và ấp Lộc Trung, xã Lộc Ninh, huyện Dương Minh Châu) bị ngập úng cục bộ.

Công nhân Xí nghiệp thuỷ lợi Dương Minh Châu trục vớt lục bình phía sau cống đập tràn ngang kênh T12A.

Sáng 10.7, nhiều người dân có đất nông nghiệp bị ảnh hưởng nhận tin báo, sau đó phối hợp Xí nghiệp thuỷ lợi Dương Minh Châu và Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh đến khảo sát thực tế tình hình tiêu thoát nước tại tuyến kênh T12A. Đây là tuyến kênh tiêu có chiều dài khoảng 4,8km, điểm đầu từ kênh N4, điểm cuối tiêu luồn qua kênh chính Đông và hoà vào dòng Suối Nhánh.

Tại khu vực đất nông nghiệp trải dài nhiều ki-lô-mét giáp kênh N4, nước đọng trên vườn cây ăn trái đổ xuống dãy hố vật liệu cặp kênh N4 và thoát về kênh tiêu T12A. Ngoài ra, tuyến kênh tiêu nhánh T12-15 có vai trò thoát nước cho nhiều diện tích đất nông nghiệp thuộc các khu vực Xóm Giữa, Bàu Sỏi, Bàu Láng, đường Xe Sâu (xã Truông Mít) và Bàu Tràm (xã Lộc Ninh) cũng dẫn nước đổ về kênh T12A. Do đó, kênh T12A được xem là tuyến kênh tiêu chính, chủ lực để thoát nước cho cả khu vực đất nông nghiệp rộng lớn nêu trên.

Qua quan sát vào sáng 10.7, trong lòng kênh T12A có nhiều đoạn bị cỏ dại, lục bình gây cản trở dòng chảy. Cách đầu kênh này khoảng 20m, có người dân vứt bỏ nhiều gốc cây cao su sau khi thanh lý cặp mép trong lòng kênh, một số gốc rớt xuống đáy kênh, cỏ vướng vào làm cho dòng chảy chậm. Điểm nghẽn gây ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến dòng chảy là tại một cống đập tràn ngang kênh T12A (đoạn gần đến chỗ giao nhau với kênh T12-15), do có quá nhiều cỏ dại và lục bình trôi đến đó, vướng vào thành đập, miệng cống.

Một trong số những cống do người dân tự đặt ngang dãy hố vật liệu được cho là quá cao, gây khó thoát nước.

Ông Võ Văn Dũng, người dân đang canh tác 5 ha cây nhãn gần kênh T12A cho biết kênh này mới xảy ra tình trạng khó thoát nước trong năm 2024, do từ khi kênh nâng cấp mở rộng đến nay chưa được nạo vét, lâu ngày cây xanh, cỏ dại, lục bình sinh sôi gây cản trở dòng chảy. Ông Dũng kiến nghị ngành thuỷ lợi thường xuyên khảo sát, đánh giá tình hình dòng chảy trong lòng kênh, nếu có phát sinh nhiều vật cản thì cho nạo vét kênh tiêu trước khi mùa mưa đến, tránh tình trạng ngập úng gây thiệt hại cây trồng.

Ông Phan Văn Hải có nhiều diện tích đất nông nghiệp gần kênh T12A cho hay, hầu hết nông dân tại vùng đất này đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang cây ăn trái, chủ yếu là cây nhãn và cây sầu riêng. Số ít diện tích đất còn lại trồng cây cao su, cây mì, chỗ trũng trồng lúa. Do vậy, nhu cầu về việc thoát nước hiệu quả cho vùng chuyên canh cây ăn trái là rất lớn, cấp thiết. “Tôi đại diện cho các hộ dân có đất nông nghiệp tại khu vực kênh tiêu T12A, kiến nghị đơn vị chức năng cho nạo vét toàn tuyến kênh này ngay trong mùa mưa năm nay, để nhiều diện tích vườn cây ăn trái thoát nước được hiệu quả mỗi khi có mưa lớn”- ông Hải nêu ý kiến.

Trước mắt, để cứu nhiều diện tích cây trồng bị ngập úng sau cơn mưa kéo dài vào đêm 9.7, sáng 10.7, khoảng 20 hộ dân và công nhân Xí nghiệp thuỷ lợi Dương Minh Châu lội xuống kênh T12A tại cống đập tràn để trục vớt lục bình, nhánh cây, cỏ dại bị vướng tại đây. Các vật cản khá nhiều, dày đặc, người dân phải dùng dây dù bẹ buộc thành từng mảng lớn, điều khiển máy cày kéo dây dù lôi vật cản bỏ lên bờ kênh. Việc trục vớt diễn ra trong khoảng 6 giờ đồng hồ mới khơi thông được dòng chảy tại điểm nghẽn.

Cùng có mặt tại đó, ông Đinh Hùng Danh- Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh cho biết, sau cơn mưa lớn trong đêm 9.7.2024, Công ty đã cử các tổ đi kiểm tra thực tế tại những tuyến kênh tiêu có nguy cơ khó thoát nước nhằm có hướng xử lý. Hằng năm, Công ty đều bố trí nguồn kinh phí thường xuyên để nạo vét các tuyến kênh tiêu trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn nên Công ty ưu tiên tập trung nạo vét các tuyến kênh tiêu chính.

Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác thuỷ lợi Tây Ninh và người dân khảo sát hiện trạng cống đập tràn ngang kênh T12A.

Theo ông Danh, đối với các tuyến kênh tiêu nhánh còn lại thì đơn vị quản lý kênh tổ chức vận động Nhân dân cùng tham gia nạo vét, trục vớt các vật gây cản trở dòng chảy. Hiện Công ty cũng đang cho đơn vị thi công nạo vét tại các tuyến kênh tiêu như T03-5, T02-2, T12-17, T0-3-3 trên địa bàn huyện Dương Minh Châu. Riêng đối với tuyến kênh T12A, Công ty sau khi khảo sát nhận thấy có tình trạng khó thoát nước, do lòng kênh qua thời gian phát sinh cỏ dại, lục bình. Công ty cũng đã lập dự toán để nạo vét toàn tuyến kênh T12A trong đợt này.

Ở một góc nhìn khác, trong dãy hố vật liệu cặp kênh N4 cũng đang bị hoang hoá nhiều cây xanh, cỏ dại, lục bình. Hàng loạt cống do người dân tự đặt để làm lối đi ngang hố liệu chưa bảo đảm quy cách về khẩu độ, cống cao, cống thấp gây cản trở dòng chảy. Thực tế, có một số người dân tự hùn tiền để trục vớt các vật cản trong hố vật liệu nhưng làm không xuể, do dãy hố này từ cầu N4 (bắc qua tỉnh lộ 784) kéo dài nhiều ki-lô-mét đến kênh T12A.

Sau cơn mưa đêm 9.7, nhiều diện tích vườn cây ăn trái cặp kênh T12A bị ngập úng cục bộ.

Ông Hồ Văn Giang, một người dân có đất nông nghiệp giáp dãy hố vật liệu nêu trên cho biết, để lượng nước tồn trên các diện tích vườn cây ăn trái thoát đến kênh tiêu T12A thì phải thông qua dãy hố vật liệu cặp kênh N4. Thế nhưng, với hiện trạng dãy hố bị hoang hoá và có nhiều cống đặt chưa đúng quy cách làm cho dòng chảy bị ách tắc, nước trên vườn cây không thể chảy xuống dãy hố, gây ngập úng. Ông Giang kiến nghị chính quyền địa phương và đơn vị quản lý kênh quan tâm phối hợp hỗ trợ người dân nạo vét vật cản trong dãy hố, vận động các hộ dân đặt lại cống đồng bộ để bảo đảm dòng chảy được thông thoáng đổ về kênh T12A.

Quốc Sơn

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục