Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Gia đình ông Nguyễn Công Lâm dựng chuồng nuôi bò từ nhiều năm qua tại đường số 20, khu phố Ninh Trung, phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh. Hộ bà Thái Thị Thu Hưởng là hàng xóm giáp ranh, nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng để phản ánh về mùi hôi, do chuồng bò chỉ cách nhà bà khoảng 3m.
Mùi hôi dai dẳng
Trước đây, vào tháng 10.2022, sau khi nhận được đơn của bà Thái Thị Thu Hưởng, Báo Tây Ninh có bài phản ánh về vấn đề này. Thời điểm đó, hộ ông Lâm nuôi 5 con bò đực cỡ lớn. Khi UBND phường Ninh Sơn làm việc, ông Lâm cam kết khắc phục nhiều nội dung như: xây hầm chứa chất thải từ hoạt động chăn nuôi và có nắp đậy, thường xuyên thu gom phân bò, vệ sinh sạch sẽ chuồng trại, không xả nước thải chăn nuôi ra đường giao thông liền kề, lắp đặt tôn rào chắn ngăn cách khu chăn nuôi với các hộ dân xung quanh nhằm hạn chế mùi hôi.
Thực tế, ông Lâm cơ bản có khắc phục các nội dung trên. Riêng các hầm chứa nước thải là hầm đất, đậy bằng các tấm bạt tạm bợ, vẫn còn khoảng hở. Ngoài việc nuôi bò, hộ ông Lâm còn nuôi một số gia cầm như gà, vịt. Do bò là loại vật nuôi thường xuyên có chất thải liên tục trong ngày nên việc dọn vệ sinh khó kịp thời để ngăn chặn triệt để mùi hôi. UBND phường Ninh Sơn vận động ông Lâm di dời số bò này đi nơi khác, cách xa khu dân cư (ông Lâm có khoảng 1 ha đất rẫy cách đó khoảng 5km).
Chuồng nuôi bò phía sau nhà ông Lâm
Lúc này, ông Lâm cho biết, dù ông là chủ hộ nhưng số bò nêu trên là do con trai ông đầu tư chăn nuôi. Đất rẫy là đất của vợ chồng ông Lâm và cũng chưa tính đến chuyện cho con trai cất chuồng nuôi bò. Hơn nữa, con trai của ông Lâm mới đầu tư khoảng 30 triệu đồng để xây cất chuồng bò bên đường số 20, trong khi giá bán bò đang thấp nên chưa thể thu hồi vốn. Do vậy, gia đình ông Lâm chưa thể di dời chuồng bò đi nơi khác, khi nào Nhà nước có quyết định không cho phép chăn nuôi đối với hộ gia đình tại khu vực này thì hộ ông Lâm sẽ chấp hành.
Tại thời điểm làm việc với hộ ông Lâm như trên, đúng là chưa có quyết định cụ thể về việc hộ gia đình không được phép chăn nuôi tại đây. HĐND tỉnh có ban hành Nghị quyết số 17 ngày 9.12.2021 quy định về khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh Tây Ninh. Tuy nhiên, trong Nghị quyết chưa cập nhật “khu vực không được phép chăn nuôi” đối với phường Ninh Sơn (có đề cập “khu vực không được phép chăn nuôi trang trại” đối với toàn bộ phường).
Vậy nên, UBND phường Ninh Sơn chủ yếu yêu cầu hộ ông Lâm phải bảo đảm về mặt vệ sinh môi trường, không để phát sinh mùi hôi gây ảnh hưởng đến hàng xóm xung quanh; vận động hộ ông Lâm giảm số lượng vật nuôi, nếu được thì di dời số bò đến khu đất rẫy của gia đình.
Mới đây, ngày 13.6.2024, UBND tỉnh có Quyết định số 20 về việc ban hành danh mục các khu dân cư thuộc khu vực không được phép chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, bao gồm các khu dân cư hiện hữu thuộc khu vực không được phép chăn nuôi… Theo phụ lục I kèm Quyết định này thì có khu đường bàn cờ nơi hộ ông Lâm đang nuôi bò là khu vực không được phép chăn nuôi.
Qua trao đổi ngày 28.6.2024, bà Hưởng cho biết, hiện hộ ông Lâm đang nuôi 7 con bò đực cỡ lớn. Vách tôn ngăn mùi hôi chỉ cao khoảng 3m, vẫn còn khoảng trống phía trên và kẽ hở theo các tấm tôn được lắp ghép, do vậy không thể ngăn chặn mùi hôi triệt để.
“Nhà tôi có trẻ em nhưng ngày này qua ngày khác phải sống chung với mùi hôi thối như vậy thì quả thật không thể chịu đựng thêm được nữa. Tôi được biết, UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về các khu vực không được phép chăn nuôi, trong danh mục kèm theo quyết định này có khu vực nơi nhà tôi và ông Lâm sinh sống. Như vậy, kiến nghị của tôi về việc di dời số bò nuôi tại hộ ông Lâm ra khỏi khu dân cư đến nay đã có cơ sở pháp lý. Thế nên, tôi tiếp tục gửi đơn kiến nghị UBND phường Ninh Sơn xử lý dứt điểm tình trạng này”- bà Hưởng nói.
Bà Đào Thị Đông (ngụ gần nhà bà Hưởng) nêu ý kiến, hoạt động nuôi bò tại hộ ông Lâm gây phát sinh mùi hôi và làm phiền đến hàng xóm. Dân cư ngày càng đông đúc, việc chăn nuôi theo kiểu truyền thống không còn phù hợp nữa. UBND tỉnh cũng đã ban hành quyết định nêu rõ khu vực này không được phép chăn nuôi, nên bà mong cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm việc nuôi bò tại nhà ông Lâm càng sớm càng tốt để trả lại môi trường trong lành cho khu dân cư.
Phường vận động bất thành
Cùng ngày 28.6.2024, tổ công tác của phường Ninh Sơn đến làm việc với hộ ông Lâm. Tại đây, cán bộ phường trình bày rõ lý do đến làm việc, trong đó có đề cập đến nội dung đơn kiến nghị của bà Hưởng và Quyết định số 20 ngày 13.6.2024 nêu trên của UBND tỉnh. Tổ công tác vận động ông Lâm trong vòng 2 tháng phải di dời 7 con bò đang nuôi phía sau nhà đi nơi khác. Tuy nhiên, ông Lâm đã không đồng ý với lý do tương tự như trong lần trao đổi với chính quyền địa phương vào tháng 10.2022.
Ông Lâm cho rằng, số bò này là do con trai của ông đầu tư chăn nuôi. Con trai của ông mới bỏ ra số tiền 50 triệu đồng để xây cất chuồng trại và chưa thu hồi được vốn. Bò được mua về từ thương lái với giá cao nhưng hiện tại giá bán ra lại thấp, nếu di dời số bò đi nơi khác hoặc không nuôi nữa trong thời điểm này thì con của ông sẽ bị thua lỗ. Mặt khác, đất rẫy thuộc quyền sở hữu của vợ chồng ông Lâm và cũng chưa có ý định cho con trai lập chuồng nuôi bò ở đó.
Theo ông Lâm, khi nào chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, thông báo rộng rãi Quyết định số 20 của UBND tỉnh qua hệ thống loa truyền thanh trên địa bàn phường Ninh Sơn mà con trai của ông nghe được sẽ chấp hành. “Trước mắt, UBND phường Ninh Sơn vận động gia đình tôi di dời số bò này đi nơi khác trong vòng 2 tháng là không thể được. Ít nhất, phường phải cho thời hạn khoảng 1 năm để tạo điều kiện cho con tôi thu hồi vốn chăn nuôi”- ông Lâm nói.
Theo ý kiến như trên của ông Lâm, việc xác định con trai của ông có nghe được loa phát thanh thông báo của phường hay không quả là một ý kiến có phần gây khó khăn cho chính quyền. Thật ra, trong buổi làm việc tại nhà ông Lâm vào ngày 28.6, con trai của ông Lâm cũng có mặt và đã được thông báo trực tiếp về quyết định nêu trên của UBND tỉnh. Mặt khác, qua quan sát khu nuôi bò phía sau nhà ông Lâm, chuồng bò và các công trình phụ khác vẫn chưa được đầu tư xây dựng mới, hiện trạng gần giống như tại thời điểm phóng viên quan sát vào tháng 10.2022. Thực tế, chỉ trong khoảng thời gian 1 giờ làm việc với hộ ông Lâm mà 7 con bò tại chuồng đã thải ra nhiều chất thải bốc mùi hôi thối, theo gió bay xa.
Qua buổi làm việc, tổ công tác đã lập biên bản với nội dung thống nhất tạo điều kiện về thời gian trong vòng 6 tháng, để hộ ông Lâm giảm dần số lượng vật nuôi và chấm dứt việc nuôi bò tại khu vực dân cư không được phép chăn nuôi. Thế nhưng, ông Lâm vẫn không đồng ý và không ký tên vào biên bản. Ông Lê Quốc Thuần- Phó Chủ tịch UBND phường cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục chỉ đạo cán bộ công chức đến kiểm tra, theo dõi, vận động hộ ông Lâm thực hiện giảm hẳn số lượng bò trong khoảng thời gian 6 tháng. Nếu sau khoảng thời gian này mà hộ ông Lâm vẫn còn nuôi bò tại đây, UBND phường Ninh Sơn sẽ có hướng xử lý theo quy định của pháp luật.
Khoản 2 và điểm b khoản 3 Điều 24 Nghị định số 14/2021/NĐ-CP ngày 1.3.2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi: Phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đối với hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi. Biện pháp khắc phục hậu quả, buộc di dời vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 Điều này.
Ngoài ra, tại Điều 31 Nghị định này cũng có quy định: Phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng đối với hành vi không có biện pháp xử lý phân, nước thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và gây ảnh hưởng đến người xung quanh. Buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, báo cáo kết quả khắc phục trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định tại quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm.
Minh Quốc