Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Hàng chục hộ dân ngụ ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh, TP Tây Ninh gửi đơn đến Báo Tây Ninh kêu cứu về nguồn nước bị ô nhiễm, không thể sử dụng được. Theo người dân nơi đây, chính do việc xả nước thải chưa qua xử lý của một số doanh nghiệp mà nguồn nước ngầm khu vực tổ 5 và tổ 1, ấp Đồng Cỏ Đỏ bị ô nhiễm.
Khu vực tổ 5, ấp Đồng Cỏ Đỏ, xã Bình Minh nơi cơ quan chức năng xác định nguồn nước ngầm các hộ dân đang sử dụng không đạt tiêu chuẩn.
Để xác minh làm rõ thông tin trên, ngày 7.9.2015, chúng tôi đến khảo sát tại ấp Đồng Cỏ Đỏ. Chị Nguyễn Kim Liên- 46 tuổi, ngụ tổ 5 (giáp ranh với công ty sản xuất chế biến cao su) cho biết hiện mặt nước trong bồn có màng màu vàng giống như mỡ, nếu sử dụng tắm gội sẽ bị ngứa ngáy rất khó chịu.
Ông Cao Văn Hoa- 44 tuổi, Tổ trưởng tổ 5 cũng than nước giếng nhà ông có mùi tanh tanh, vị chua. Hiện nay, mỗi hộ trong tổ của ông Hoa hằng tháng đều được công ty cao su hỗ trợ 10 bình nước suối để sử dụng, nhưng vẫn không đủ, nhiều hộ phải mua thêm.
Ông Lê Văn Trường- Tổ trưởng tổ 1 cho rằng, nguồn nước nơi đây bị ô nhiễm do nước nguồn nước thải từ các công ty phía trên cao chảy xuống. Hiện mỗi ngày gia đình ông Trường phải đi xin nước của người quen ở xóm trên đem về sử dụng.
Ông Hoa và ông Trường- đại diện các hộ dân kiến nghị các công ty đang sản xuất, chế biến trên địa bàn ấp Đồng Cỏ Đỏ nên hỗ trợ nguồn nước sạch cho người dân nơi đây. Đồng thời trong quá trình sản xuất, cần phải hạn chế việc phát tán mùi hôi ra môi trường để không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.
Trao đổi vấn đề trên với chúng tôi, ông Phan Văn Phát- Chủ tịch UBND xã Bình Minh cho biết, trước đây UBND xã thường xuyên nhận được ý kiến phản ánh của cử tri và đại biểu Hội đồng nhân dân xã về việc các doanh nghiệp chế biến, sản xuất trên địa bàn gây ô nhiễm nguồn nước ngầm của người dân ở tổ 5 và tổ 1, ấp Đồng Cỏ Đỏ.
Từ năm 2013, UBND xã đã nhờ cơ quan chức năng đến lấy mẫu nước kiểm nghiệm chất lượng. Tuy nhiên, lúc đó kết quả kiểm nghiệm lại đạt chuẩn và UBND xã cũng đã thông báo kết quả kiểm nghiệm cho người dân.
Năm 2014, người dân khu vực trên lại tiếp tục phản ánh đến chính quyền địa phương về tình trạng nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, không thể sử dụng được để sinh hoạt.
Tháng 6.2015, UBND xã tiếp tục nhờ cơ quan chức năng đến lấy mẫu nước ngầm của các hộ dân đưa đi kiểm nghiệm. Lần này, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, kết quả trong 4 hộ dân đang sử dụng nước ngầm thì có đến 3 hộ nước ngầm không đạt chuẩn.
Ông Phát cho biết thêm, hiện tại trên địa bàn ấp Đồng Cỏ Đỏ (gần tổ 5 và tổ 1) có 2 doanh nghiệp hoạt động, một chế biến cao su và một chế biến hạt điều.
Hiện tại, 2 doanh nghiệp này đều có hệ thống xử lý nước thải đã được cơ quan chức năng xác nhận đạt chuẩn xả thải ra môi trường. Thế nhưng, chẳng biết vì sao nguồn nước ngầm của người dân trong khu vực lại bị ô nhiễm? Hiện nay, địa phương không đủ chức năng và phương tiện để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm nguồn nước ngầm của người dân.
Tuy nhiên, với trách nhiệm của chính quyền địa phương, UBND xã đã liên hệ với Công ty Cấp thoát nước tỉnh đề nghị đặt tuyến cung cấp nước sạch vào tổ 5, nhưng Công ty chỉ mở tuyến dọc theo đường Đồng Cỏ Đỏ. Riêng việc mở đường ống nhánh vào khu vực tổ 5, Công ty đề nghị UBND xã kết hợp đầu tư làm bởi đường ống dài mà hộ dân sử dụng lại ít.
Chính quyền địa phương cũng đã liên hệ với 2 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn để vận động tiền cùng UBND xã mở đường ống cung cấp nước vào tổ 5, nhưng chỉ có doanh nghiệp chế biến cao su là đồng ý, còn lại doanh nghiệp chế biến hạt điều thì cho rằng mình không gây ô nhiễm nên không đồng ý (doanh nghiệp này trước đây đã từng vi phạm xả nước thải ra môi trường, bị xử phạt, bồi thường cho người dân).
Cũng theo ông Phát, hiện nay UBND thành phố Tây Ninh đã có chương trình hỗ trợ bộ lọc nước cho người dân tại khu vực trên, nhưng vấn đề cốt lõi vẫn là tìm nguồn kinh phí để mở đường ống cung cấp nước sạch vào khu vực tổ 5 để người dân sử dụng.
Có ý kiến cho rằng, người dân là nạn nhân của hoạt động sản xuất, chế biến vì trước đây việc bảo vệ môi trường chưa chặt chẽ. Do đó, chính quyền địa phương và các ngành chức năng ở tỉnh cần có biện pháp để người dân sớm có được nguồn nước sinh hoạt đạt chuẩn.
Bởi lẽ hiện tại, khó có thể khẳng định doanh nghiệp nào (đang còn hoạt động hoặc đã ngưng hoạt động) là thủ phạm đã gây ô nhiễm nguồn nước ngầm của người dân nơi đây.
THẾ NHÂN – SÔNG NINH