Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tôi rất mong phía điện lực xử lý công việc khoa học và có trách nhiệm hơn để tránh xảy ra trường hợp tương tự. Và khi có “sự cố”, ít nhất cũng nên có một lời giải thích nếu lời “xin lỗi” thật sự là quá khó đối với ngành điện!

Sáng 29.6, nhà tôi đột nhiên cúp điện. Mãi đến trưa, khi đi làm về, thấy nhà vẫn chưa có điện sử dụng, tôi lục tìm các số báo Tây Ninh gần đây để xem lại thì phát hiện nhà mình không thuộc khu vực cúp điện mà Công ty Điện lực đã thông báo. Vì bận việc, nên tôi không kịp điện báo cho công ty. Vả lại, tôi cứ nghĩ rằng, chắc do một sự cố nào đó, điện chỉ cúp trong giây lát hoặc trễ lắm cũng đến chiều sẽ có trở lại như lịch cúp luân phiên hằng tuần.
Đến 18 giờ 40 phút cùng ngày, tôi được người nhà điện báo rằng vẫn chưa có điện trong khi xung quanh nhà nào cũng có. Tôi liền điện thoại lên Chi nhánh điện Thị xã báo thì được một nhân viên trả lời “để anh cho người ghé kiểm tra” sau khi hỏi cặn kẽ địa chỉ nhà. Anh còn nói, khu vực nhà tôi có sự cố, nhân viên chi nhánh đang kiểm tra đường dây, và sẽ đến nhà tôi luôn. Tôi điện về nhà báo tin để mọi người yên tâm.
![]() |
Hoá đơn tiền điện do khách hàng – “một người dân Hiệp Ninh” cung cấp. |
Khoảng hơn 21 giờ 30, về đến nhà tôi mới biết, vẫn chưa có điện trở lại. Tôi tiếp tục điện báo, nhân viên chi nhánh lại bảo rằng sẽ cho người xuống kiểm tra. Chờ hơn 30 phút, vẫn không thấy ai đến, tôi sốt ruột (trong nhà có trẻ nhỏ mới hơn 5 tháng tuổi quấy khóc vì nóng nực không ngủ được) nên tiếp tục điện thoại. Cũng vẫn “điệp khúc”: đang cho người xuống kiểm tra. Lúc này, tôi quay ra kiểm tra đồng hồ bên ngoài trụ điện thì mới biết, đồng hồ điện của nhà tôi đã bị niêm chì.
Ngay sau đó, tôi điện thoại báo cho bên điện lực thì được bảo, tại tôi chưa đóng tiền nên mới bị cắt điện và đó là việc của bên kinh doanh các anh không biết, và anh cho tôi số điện thoại của phòng kinh doanh nhưng tôi điện nhiều lần mà không có ai bắt máy. Tôi hỏi chi nhánh điện thì các anh bảo sáng mai gọi lại.
Gần 7 giờ 30 sáng hôm sau (30.6), tôi điện lại cho phòng kinh doanh để báo sự việc và được một chị bảo rằng, có thể do tôi chưa đóng tiền nên mới bị cắt điện. Tôi nói đã đóng tiền rồi, có biên lai. Sau khi rà soát lại, chị bảo sẽ cho người xuống kiểm tra nhưng chờ hơn 8 giờ vẫn không thấy ai đến. Tôi lại tiếp tục điện thoại, chị lại bảo các anh đang trên đường xuống.
Gần 8 giờ 30 tôi lại gọi, vì cúp điện từ sáng sớm ngày hôm trước nên không bơm nước được, trong nhà không còn một giọt phải sang nhà hàng xóm để xin vài thùng dùng cho cả nhà. Lần này, tôi không thể bình tỉnh, tôi có nói, nếu bên điện lực không xuống kiểm tra và đóng điện, tôi sẽ cắt bỏ chì niêm phong để có điện sử dụng vì không thể chấp nhận được cảnh mỏi mòn chờ đợi với điệp khúc “cho người kiểm tra”, “đang trên đường xuống” dù từ Chi nhánh điện Thị xã đến nhà tôi chỉ vài cây số. Nhân viên phòng kinh doanh trả lời: nếu tôi làm thế tôi sẽ bị lập biên bản và phải bồi thường vì vi phạm hợp đồng. Tôi nói với chị: Tôi đóng tiền đầy đủ, nhưng bên điện lực “vô cớ” cắt điện và cũng “không buồn” cử người đến kiểm tra dù tôi đã thông báo nhiều lần, tốn hàng chục ngàn tiền điện thoại, vậy thì ai là người “vi phạm hợp đồng”? Phải chăng vì Nghị định số 68/2010/NĐ-CP đến ngày 1.8.2010 mới có hiệu lực nên ngành Điện cứ muốn cắt là cắt, không ngại chuyện bị ai kiện tụng, phạt vạ…!?
Đến hơn 9 giờ mới có hai nhân viên điện lực đến nhà tôi. Sau khi kiểm tra hoá đơn tiền điện, các anh mới cắt chì niêm phong và đóng điện. Cả hai lẳng lặng làm việc, không một lời xin lỗi hay giải thích lý do vì sao nhà tôi bị cắt điện một cách vô cớ. Tôi gặng hỏi, các anh ừ hử cho qua.
Cả một ngày một đêm không có điện: nấu ăn khó khăn, không có đèn nhà tối mù, không quạt nóng nực không thể nghỉ ngơi, không nước sinh hoạt, trẻ nhỏ nóng bức khó ăn khó ngủ ảnh hưởng đến sức khoẻ, người lớn phải thức đêm thay phiên nhau canh quạt cho trẻ, sáng ra lại phải đi làm (vì tôi cũng là một công chức), liệu những tổn hại đó phía điện lực có bồi thường cho tôi không?
Tôi rất mong phía điện lực xử lý công việc khoa học và có trách nhiệm hơn để tránh xảy ra trường hợp tương tự. Và khi có “sự cố”, ít nhất cũng nên có một lời giải thích nếu lời “xin lỗi” thật sự là quá khó đối với ngành điện!
Một người dân Hiệp Ninh (Thị xã)