Pháp luật   Vì chủ quyền, an ninh biên giới

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người dân tham gia tự quản đường biên, cột mốc 

Cập nhật ngày: 24/09/2018 - 11:47

BTN - Phong trào quần chúng tham gia tự quản, đã phát huy sức mạnh của các tổ tự quản, huy động quần chúng tại chỗ ngăn chặn kịp thời các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ.

Bộ đội ĐBP Phước Chỉ cùng lực lượng Dân quân địa phương kiểm tra cột mốc biên giới.

“Biên giới quốc gia có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, chính trị, xã hội quốc phòng, an ninh và đối ngoại. Bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới là trách nhiệm của toàn Ðảng, toàn dân, các lực lượng vũ trang các cấp, các ngành, mà trực tiếp là cấp uỷ, chính quyền và nhân dân khu vực biên giới”.

 

Ðó là khẳng định của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 01 về việc tổ chức phong trào Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Xác định vai trò quan trọng của tổ dân cư tự quản trong tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới và giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp, MTTQ xã Bình Thạnh (huyện Trảng Bàng) đã xây dựng kế hoạch phối hợp cùng Ðội công tác vận động quần chúng Ðồn Biên phòng Phước Chỉ để hướng dẫn tổ dân cư tự quản tuyên truyền, vận động mọi người trong tổ chấp hành chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt các quyền và nghĩa vụ công dân.

Ông Nguyễn Văn Lực- tổ trưởng tổ dân cư tự quản số 4, ấp Bình Phú cho biết, hơn chục năm trước, nơi đây nhà cửa vẫn còn thưa thớt, đời sống người dân còn khó khăn. Ðó cũng là thời điểm mà tệ nạn xã hội, trộm cắp xảy ra, người dân chưa hiểu nhiều về Luật Biên giới nên cũng xảy ra đôi việc hiểu lầm.

Nhưng từ sau khi được địa phương tuyên truyền không được vượt biên trái phép, vận động cùng tham gia phát hiện và đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh trật tự ở khu vực biên giới, cùng giám sát người có tiền án, tiền sự, vi phạm pháp luật khác… người dân vùng biên đã ý thức hơn, hiểu rõ hơn về Luật Biên giới quốc gia, về quy chế khu vực biên giới.

“Bà con mình giờ cảnh giác cao lắm, bất cứ khi nào có người lạ mặt vô khu vực biên giới là để ý rồi thông báo với nhau. Người dân đi làm, thấy hiện tượng gì bất thường thì liên lạc với tôi. Như trước đây có trường hợp vượt biên, họ không đi đường chính mà lội qua kênh, người dân đi ruộng phát hiện báo, nhờ đó, Biên phòng đã kịp thời bắt giữ”- ông Lực chia sẻ.

Phong trào quần chúng tham gia tự quản, đã phát huy sức mạnh của các tổ tự quản, huy động quần chúng tại chỗ ngăn chặn kịp thời các hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh thổ. Công tác nắm tình hình, phát hiện vụ việc nhanh chóng hơn, các vụ việc được nhân dân phát hiện, thông tin cho chính quyền xã, bộ đội biên phòng xử lý, ngăn chặn có hiệu quả.

“Khi ý thức được nâng lên, cán bộ, người dân vùng biên hiểu rõ ý nghĩa, tầm quan trọng, cũng như thấy được vai trò, trách nhiệm công dân trong việc tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn. Vì thế, 24/24 hộ dân có đất canh tác dọc biên giới đều đăng ký tự quản đoạn đường biên đi qua đất của mình, 3/3 ấp giáp biên giới đăng ký tự quản 6km đường biên và 3 cột mốc trên địa bàn xã, đồng thời ký kết quy chế phối hợp với đồn biên phòng để giữ gìn an ninh trật tự xóm ấp khu vực biên giới”- bà Lê Thị Hải Yến, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã Bình Thạnh cho biết.

Xã biên giới Tân Bình, huyện Tân Biên có 43km đường biên, để người dân thấy được vai trò và trách nhiệm của mình, Uỷ ban MTTQVN xã đã thành lập mô hình “Vận động toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới”. Qua đó, vận động người dân sống ở khu vực biên giới thuộc ấp Tân Nam, các hộ dân buôn bán của xã thường xuyên qua lại biên giới tham gia cùng chính quyền và bộ đội Biên phòng trong công tác bảo vệ biên giới.

Ông Lương Xuân Hà, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã Tân Bình cho biết, để nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dân trong bảo vệ an ninh biên giới, mỗi khi đi tuần tra kiểm tra giữa lực lượng Kiểm lâm, Bộ đội Biên phòng, Dân quân tự vệ, địa phương còn mời những người uy tín trên địa bàn cùng tham gia. Những người uy tín này trực tiếp đi cùng đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình và sau đó về tuyên truyền, phổ biến lại cho bà con nhân dân để cùng cảnh giác, ý thức hơn trong việc bảo vệ biên giới.

Ông Lê Phước Hạnh- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Tân Nam là một trong những người thường xuyên tham gia cùng đoàn công tác tuần tra biên giới cho biết, biên giới ở Tân Bình đa số là rừng thuộc Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát. Do đó, việc bảo vệ biên giới ở đây còn gắn liền với bảo vệ rừng. Ðiều này đã được ông tuyên truyền, nhắc nhở bà con ở ấp Tân Nam mỗi dịp hội họp, ngoài việc để ý bảo vệ cột mốc, người dân còn cảnh giác cao đối với những trường hợp tìm vào rừng săn bắt, chặt cây.

Nhờ đó mà tình hình an ninh trật tự, an ninh biên giới quốc gia được giữ vững, ổn định; mốc quốc giới, dấu hiệu đường biên giới và các công trình quốc phòng an ninh khu vực biên giới được quản lý, bảo vệ, không để xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư. Nếu phát hiện có bất kỳ dấu hiệu gì khác lạ, người dân đều nhanh chóng báo với địa phương để xử lý.

“Năm 2014, người dân Campuchia thả trâu ăn cỏ đã làm va chạm vào cột mốc 125 làm bể gạch. Người dân phát hiện đã báo với địa phương, nhờ đó mà chính quyền và Bộ đội Biên phòng hai bên đã kịp thời trao đổi và cho sửa chữa lại, không để xảy ra hư hỏng nặng. Tình hình an ninh trật tự biên giới đến nay luôn ổn định.

Tuy nhiên, không vì vậy mà chúng ta lơ là. Chúng tôi luôn tuyên truyền để gắn trách nhiệm bảo vệ biên giới với người dân, xem đó là nhiệm vụ của mỗi người chứ không riêng của những người lính Biên phòng”- ông Hà, Chủ tịch Uỷ ban MTTQVN xã chia sẻ.

Với tinh thần và trách nhiệm đó, phong trào quần chúng tự quản đã tạo thành thế trận biên phòng toàn dân liên hoàn ở khu vực biên giới, góp phần quan trọng bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hoà bình, hữu nghị với nước láng giềng.

N.D