Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
“Đến hẹn lại lên”, cứ đến mùa khô, người dân xã Tân Hoà (huyện Tân Châu) lại lao đao vì cảnh thiếu nước sạch sinh hoạt. Hầu hết giếng nước đều cạn kiệt, 3 trạm bơm cung cấp nước sạch trên địa bàn xã có công suất nhỏ, không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.
Bể trữ nước mưa của hộ gia đình ông Lê Thanh Sơn.
Hằng ngày, hình ảnh chiếc máy cày chạy đến các trạm cấp nước tập trung của xã để lấy nước sạch về sử dụng đã trở nên quen thuộc đối với nhiều người dân trên địa bàn ấp Cây Khế và ấp Tân Thuận. Do các giếng nước gia đình cạn kiệt, đường ống từ trạm bơm tập trung của xã chưa tới nơi, cực chẳng đã, người dân mới chạy máy cày chở theo các thùng chứa đi lấy nước sạch về dùng. Tuy nhiên, nguồn nước từ các trạm bơm cũng chỉ được sử dụng để tắm giặt, vệ sinh hằng ngày vì lượng vôi cao; nước dùng nấu ăn, uống phải mua bình đóng sẵn chở từ thị trấn Tân Châu về với giá 10.000 đồng/bình. Trung bình mỗi hộ dân sử dụng hết 1 bình nước như vậy mỗi ngày.
Bà Nguyễn Thị Nùng, ngụ ấp Tân Thuận cho biết, tình trạng thiếu nước sinh hoạt trở nên rất trầm trọng: “Vào mùa khô, nhiều khi gia đình tôi không dám ăn rau vì không có nước rửa!”.
Còn ông Lê Thanh Sơn, ngụ ấp Cây Khế nói: “Người dân chủ yếu dự trữ nước mưa để xài. Giếng nước ở đây được chúng tôi đào từ 15 đến 20 mét, nếu có nước thì cũng không đạt tiêu chuẩn vì nhiễm phèn, nhiễm vôi nặng. Nhiều người phải đi mua nước ở nơi khác về sử dụng. Mỗi tháng, vợ chồng tôi mua khoảng 8 khối nước với giá giao tận nhà là 60.000 đồng/khối. Tôi và nhiều người dân khác rất mong Nhà nước cho xây dựng nhà máy cấp nước sạch để người dân có sử dụng”.
Xã có 6 ấp, chỉ có 2 ấp Trảng Trai và Suối Bà Chiêm là có nguồn nước khá thuận lợi. Riêng địa bàn ấp Cây Khế, có nhà đào tới 2, 3 cái giếng nhưng không có nước, bơm từ 2 đến 3 ngày mới được khoảng 500 lít nước để dành. Một số khu vực không đào được giếng vì bên dưới có nhiều cát đá, không có nước; có nước thì toàn là vôi nên không bảo đảm nhu cầu sinh hoạt của người dân. Đây cũng là thực trạng chung của các ấp Tân Thuận, Con Trăn, Cây Cầy, những nơi có nguồn nước chỉ đáp ứng được trong 6 tháng mùa mưa, 6 tháng còn lại thì cạn kiệt.
Được sự hỗ trợ của Nhà máy xi măng Fico Tây Ninh, một ngày, các trạm bơm cung cấp nước sạch của xã đặt tại 3 ấp Con Trăn, Tân Thuận, Cây Cầy được hỗ trợ 500m3 nước thô đem về xử lý, sau đó cung cấp cho người dân. Tuy nhiên, lượng nước này rất ít so với nhu cầu của người dân. Toàn xã hiện có 2.620 hộ dân nhưng chỉ có khoảng 1.100 hộ được sử dụng nguồn nước sạch từ các trạm bơm này cung cấp.
Trước thực trạng thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô, bà Võ Thị Ngọc Hân - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chính quyền địa phương kiến nghị với các cơ quan chức năng và cấp trên mở rộng, nâng cấp các trạm cung cấp nước tập trung trên địa bàn xã để cung cấp nước đầy đủ cho người dân. Đồng thời, ngành chức năng cần có công nghệ xử lý nước giếng ở địa phương để bảo đảm nhu cầu nấu ăn, uống của người dân”.
Được biết, UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa dự án đầu tư đường ống dẫn nước thô từ sông Sài Gòn thuộc ấp Cây Khế đến hệ thống cấp nước khu dân cư cầu Sài Gòn 2, xã Tân Hoà vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025. Hy vọng dự án này sẽ sớm được triển khai để cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân trên địa bàn xã Tân Hoà.
Vũ Nguyệt