Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến mọi mặt đời sống xã hội. Tuy nhiên, phần lớn người dân đều bình tĩnh, tin tưởng vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống dịch.
Người dân được khám sàn lọc và điều trị bệnh Covid- 19 là một trong những chủ trương quá tốt của Đảng và Nhà nước ta.
Sống trong “vùng dịch” huyện Dương Minh Châu, bà Huỳnh Thị Nhặt - ngụ ấp Phước Hiệp, xã Phước Ninh vẫn vững tin vào các biện pháp phòng, chống dịch mà tỉnh và huyện đã đề ra. Hiểu được mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, gia đình bà cũng như tất cả các hộ dân khác trong xóm nghiêm túc chấp hành giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong xóm, chỉ có một số người phải ra đồng rải diêm cho lúa hoặc thu hoạch mì, ngoài ra, không ai ra đường khi không có việc thật sự cần thiết. Gia đình bà được Ban quản lý ấp phát phiếu đi chợ 2 ngày/lần, nhưng cả tuần nay bà chỉ đi một lần, để góp phần hạn chế tập trung đông người.
Người dân này vui vẻ cho biết, trong khuôn viên nhà có trồng một số cây nhãn da bò để lấy bóng mát, năm nay, nhãn ra trái nhiều, bà hái được vài trăm ký, chia cho người dân trong xóm mỗi nhà một ít “ăn lấy thảo” trong những ngày đồng lòng phòng chống dịch.
Bà Nhặt cho biết thêm, Ban quản lý ấp thường xuyên tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch, sáng chiều 2 lần bằng trên loa di động. Đảng bộ và chính quyền địa phương rất quan tâm đến đời sống người dân. Hầu như ngày nào cũng có các hội, đoàn thể đem quà đến hỗ trợ cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, trong vùng phong tỏa. Bà Nhặt cùng người anh cũng vừa nhận được thông báo đi tiêm ngừa vaccine phòng Covid- 19.
Kiểm soát người dân vào chợ cũng là biện pháp hiệu quả góp phần hạn chế lây lan dịch bệnh, được dân đồng lòng, ủng hộ
Cũng như huyện Dương Minh Châu, thị xã Trảng Bàng được xem là “điểm nóng” về dịch bệnh. Ông Trần Văn Rép, ngụ khu phố An Phú, phường An Tịnh cho biết, mỗi ngày 2 lần, xã, ấp đều tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh cố định và loa di động về việc thực hiện quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
“Gia đình tôi và bà con ở đây đều chấp hành nghiêm túc Chỉ thị 16. Cần mua thức ăn gì, gọi điện thoại đặt hàng, những nơi buôn bán cho nhân viên giao tới nhà”. Theo lời ông Rép, Ban quản lý khu phố An Phú thông báo cho toàn thể người dân trong khu phố đăng ký tiêm ngừa vaccine phòng Covid- 19, ông và người thân trong gia đình cũng đã đăng ký xong.
“Được sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo, chính quyền địa phương như thế, chúng tôi rất yên tâm và tin tưởng rằng tỉnh ta sẽ sớm vượt qua đại dịch này” - ông Rép bày tỏ.
Ông Luyến góp ý đối với những vùng ít dịch bệnh, trong thời gian tới, tỉnh ta nên nới lỏng việc thực hiện giãn cách xã hội, bỏ bớt rào chắn
Tương tự, ông Trần Hùng Dũng, ngụ khu phố Rạch Sơn, thị trấn Gò Dầu, huyện Gò Dầu cho biết, nhờ chính quyền địa phương thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid- 19, nên đến nay (ngày 11.8), khu phố không có trường hợp nào là F1, F0.
Ông Dũng cho biết thêm, 2- 3 ngày trước, những người dân kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo, mua bán ve chai được mời đến Văn phòng khu phố để nhận tiền trợ cấp khó khăn do dịch Covid- 19 gây ra theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Hiện ông Dũng và nhiều người khác trong khu phố Rạch Sơn đang chờ tiêm ngừa vaccine phòng Covid- 19.
Ở huyện biên giới Tân Biên, ông Lê Minh Luyến, ngụ ấp Hoà Đông A, xã Hoà Hiệp cho biết, trên địa bàn ông cư trú không có trường hợp nào bị nhiễm bệnh. Tuy vậy, trên địa bàn xã, lực lượng chức năng cũng lập 4- 5 rào chắn để kiểm soát việc người dân thực hiện giãn cách xã hội.
Ông Luyến rất tâm đắc với những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua, như tổ chức tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân; chăm sóc miễn phí cho tất cả bệnh nhân Covid- 19; hỗ trợ cho dân gặp khó khăn về kinh tế do bị ảnh hưởng của dịch Covid- 19; các sở, ban, ngành chung tay “giải cứu” nông sản cho người dân; chính quyền địa phương cùng các hội, đoàn thể, mạnh thường quân chăm lo lương thực, thực phẩm cho những hộ gia đình trong khu cách ly, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không để người dân nào bị đói. “Nói chung tất cả những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác phòng chống dịch Covid- 19 đều rất đúng đắn và được toàn dân đồng lòng, ủng hộ”.
Những hộ gia đình trong khu cách ly đều được hỗ trở đủ lương thực, thực phẩm, bảo đảm không để người dân nào bị đói
Ông Nguyễn Văn Lềnh, ngụ ấp Nam Bến Sỏi, xã Thành Long, huyện Châu Thành tâm sự, hơn 20 ngày nay, các thành viên trong gia đình ông đều ở yên tại nhà. “Vợ tôi chỉ đi chợ ra chợ theo khung giờ cho phép để mua lương thực, thực phẩm thiết yếu” - ông Lềnh nói.
Theo ông Lềnh, trên địa bàn xã có vài trường hợp liên quan đến Covid- 29, nhưng đều đã được kiểm soát chặt chẽ, không còn đáng quan ngại. Ông Lềnh tin tưởng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của chính quyền địa phương và sự đồng tâm, hiệp lực của người dân thì chẳng bao lâu nữa, tỉnh ta sẽ khống chế được Covid- 19.
Song, là một nông dân, ông Lềnh không khỏi lo lắng khi thấy hiện nay trên thị trường, nhiều loại phân bón đang tăng giá, trong khi giá lúa bán ra bị sụt giảm. Người nông dân này dẫn chứng: “Năm ngoái, giá lúa bán ra dao động từ 130 – 140 ngàn đồng/giạ (22 kilogram), nhưng hiện nay, tụt giảm xuống còn 110 – 120 ngàn đồng/giạ, có thời điểm, còn tụt giá xuống 90 ngàn đồng/giạ.
Trong khi đó, giá phân bón lại tăng lên. Chẳng hạn như phân Ure, năm ngoái, vụ đông xuân giá bán 340 ngàn đồng/bao (50 kilogram), năm nay, vụ hè thu này giá tăng lên gấp đôi, từ 630- 650 ngàn đồng/bao”. Ông Lềnh rất mong Nhà nước xem xét, có chính sách bình ổn giá vật tư nông nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp tục lao động sản xuất trong thời gian tới.
Đại Dương