Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người dân tổ 11, ấpThạnh Lợi, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên: Mỏi mòn chờ điện
Thứ năm: 16:27 ngày 17/06/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Tại hội nghị tiếp xúc cử tri vừa qua, cử tri tổ dân cư tự quản số 11, ấp Thạnh Lợi, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên phản ánh hàng chục năm nay nơi này chưa có điện lưới quốc gia, làm ảnh hưởng nhiều mặt đến cuộc sống của người dân.

Ông Thanh sử dụng máy dầu bơm nước lên để sinh hoạt và tưới vườn cây ăn trái.

Từ đường giao thông chính của xã Thạnh Bình vào đến tổ dân cư tự quản số 11 khoảng 5 km. Mạng lưới điện dân sinh được kéo từ trung tâm xã Thạnh Bình đến cầu Xe Be rồi dừng lại. Từ cầu Xe Be đến tổ dân cư tự quản số 11 khoảng 3 km. Thế nhưng người dân nơi đây phải chịu cảnh đời sống sinh hoạt khó khăn, lạc hậu do không có điện lưới.

Ông Phan Thành Lập, 84 tuổi và vợ là bà Lê Thị Huế, 74 tuổi- những cư dân đầu tiên của Tổ dân cư này. Bà Huế kể, trước đây gia đình bà ở ấp Thạnh Phú (cùng xã Thạnh Bình), sau ngày miền Nam giải phóng, vợ chồng bà vào đây làm rẫy và định cư lại mảnh đất này tới ngày hôm nay.

Hơn 40 năm qua, đôi vợ chồng già này chứng kiến cuộc sống nhiều thay đổi, những người con của họ đã khôn lớn, lập gia đình và cất nhà ra riêng quây quần cạnh nhà cha mẹ, tạo thành một cụm dân cư nhỏ. Hai vợ chồng ông Lập, bà Huế đã có cháu gọi bằng cố, nhưng họ vẫn mỏi mòn chờ nguồn điện quốc gia.

Cụ Lập cho biết thêm, khi mới vô đây, ban đêm, nhà nào cũng sử dụng đèn dầu để thắp sáng, những năm sau đó nâng cấp lên sử dụng đèn bình thay cho đèn dầu và những năm gần đây thì tự bỏ tiền ra mua pin năng lượng mặt trời lắp lên mái nhà để lấy điện sử dụng.

Gia đình ông Lập sống bằng nghề nông, từ trước đến nay, hằng năm vào mùa nắng nóng đều phải dử dụng máy dầu để bơm nước giếng lên tưới cho đồng ruộng, vì vậy chi phí sản xuất cao hơn những nơi khác. “Nếu có điện để sử dụng máy bơm lấy nước tưới cho các rẫy mía, mì thì đỡ tốn kém hơn biết mấy, lợi nhuận cũng khá hơn, đời sống người dân đỡ vất vả”- lão nông 84 tuổi ao ước.  

Con dâu thứ chín của vợ chồng ông Lập- chị Phan Thị Nhung chia sẻ, ngoài việc làm ruộng, rẫy, vợ chồng chị còn làm công nhân thu hoạch mủ cao su thuê. Hằng ngày vợ chồng chị phải dậy thật sớm đi cạo mủ, trút mủ cao su.

Có ngày bận việc đồng áng đến chiều tối mới về đến nhà. Về đến nhà, mệt rã rời tay chân nhưng không được nghỉ ngơi, vì phải vào bếp nhóm lửa nấu cơm và giặt giũ. “Không có điện, bất tiện đủ thứ. Nếu có điện, mình nấu cơm bằng điện và giặt đồ bằng máy giặt thì còn được nghỉ ngơi”, chị Nhung nói. Cũng như nhiều gia đình khác ở Tổ dân cư này, vợ chồng chị Nhung cũng mua chiếc máy dầu về bơm nước giếng lên để sinh hoạt gia đình. 

Ở một cụm dân cư khác trong Tổ  dân cư số 11, ông Nguyễn Văn Thanh, 72 tuổi cũng đang cần nước để tưới cho vườn cây đang khô héo, nhưng tuổi cao, sức yếu, ông Thanh không tự quay chiếc máy dầu để bơm nước được. Phải chờ người con trai của ông đi rẫy về mới nhờ quay máy.

Ông Thanh quê ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An, trước đây ông tham gia kháng chiến và hiện là thương binh bậc ¾. Gia đình ông lên vùng đất này làm ăn sinh sống từ năm 1992 đến nay. Hơn 5 năm nay, gia đình ông Thanh cũng đầu tư khoảng 20 triệu đồng để làm hệ thống điện năng lượng trên mái nhà và mua vật tư ngành điện về lắp đặt để có điện thắp sáng, xem ti vi và sử dụng quạt máy. Ông Thanh tâm sự: “Mặc dù tốn tiền như thế, nhưng vẫn không đủ điện sử dụng. Mùa nắng thì còn đủ điện xài, những ngày mưa, điện yếu lắm, chiều tối coi thời sự, xem phim một chút là hết điện”.

Bà Nguyễn Thị Siêng, cho biết khái quát tình hình ở Tổ trưởng tổ dân cư tự quản số 11.

Chị Nguyễn Thị Loan- con ông Thanh, chỉ tay về phía những ngôi nhà bỏ hoang, đối diện gia đình mình kể, những năm trước, ở khu vực này có thêm một số hộ dân khác sinh sống, nhưng do không có diện sinh hoạt, cuộc sống khó khăn, thiếu thốn, lạc hậu quá, một số hộ đã bán nhà cửa ruộng vườn di dời đi nơi khác lập nghiệp.

Vợ chồng chị mua lại được hai căn nhà và đất phía trước, nhưng sang nhượng lại rồi cũng chẳng biết làm gì, đành bỏ hoang làm nơi cho gà, vịt ngủ. Cạnh hai căn nhà của chị đã sang nhượng lại còn có một căn nhà tường khác khang trang hơn, chủ nhà cũng vừa bán và dọn đi xứ khác làm ăn sinh sống.

Bà Nguyễn Thị Siêng, Tổ trưởng tổ dân cư tự quản số 11 cho biết, ở khu vực này có 18 hộ dân sinh sống. Người dân chủ yếu làm nông nghiệp, người có đất thì trồng mì, mía, cao su, người không có đất thì làm công nhân cạo mủ cao su hoặc làm thuê theo mùa vụ.

Không có điện, đời sống người dân ở đây rất khó khăn, thiếu tiện nghi sinh hoạt và thiệt thòi nhiều mặt. Một số hộ dân đã vay vốn để làm điện năng lượng mặt trời với quy mô nhỏ. Trong những buổi tiếp xúc cử tri, bà con đã nhiều lần kiến nghị ngành điện đưa điện lưới quốc gia vào khu dân cư này. Ngành điện lực cũng đã nhiều lần khảo sát nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp gì.

Ông Nguyễn Thanh Hùng- Chủ tịch UBND xã Thạnh Bình cho biết, số hộ dân ở tổ dân cư tự quản số 11 không nhiều, các hộ dân sinh sống rải rác, xa khu dân cư không thuận lợi cho việc kéo điện. Chính quyền địa phương đã đề xuất với ngành điện về vấn đề này. Điện lực huyện Tân Biên cũng đã khảo sát và sẽ tiếp tục nghiên cứu.

Theo ghi nhận của phóng viên, đường vào tổ dân cư số 11 đã được nâng cấp, mở rộng, trải nhựa phẳng phiu và nối liền với xã Thạnh Bắc (huyện Tân Biên). Đất đai trong tổ dân cư này bằng phẳng, màu mỡ, nhiều tiềm năng phát triển nông nghiệp. Người dân cần cù, chí thú làm ăn, giao thông thuận lợi, đất đai rộng rãi, nếu được quan tâm đưa diện lưới quốc gia về đây, đời sống của người dân sẽ sớm phát triển.

Đại Dương

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục