Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến cơ sở:
Người dân vẫn chưa “mặn mà
Thứ bảy: 04:57 ngày 25/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Qua khảo sát thực tế, hầu hết người dân nói chung và người tham gia BHYT nói riêng đều không mặn mà với việc khám, chữa bệnh (KCB) tại các trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn- nơi được xem là cơ sở y tế gần gũi nhất với người dân trên địa bàn cư ngụ.

 

Người dân đến KCB BHYT tại TYT xã Hoà Hội (huyện Châu Thành).

Toàn tỉnh hiện có 79,96% dân số tham gia bảo hiểm y tế (BHYT), đạt 103,84% so với chỉ tiêu của Chính phủ giao. Có thể nói, BHYT ngày càng được người dân quan tâm, chủ động tham gia để bảo vệ sức khoẻ cho bản thân và gia đình, nhất là những người dân có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực của ngành Y tế cũng được đầu tư, nâng cao về nhiều mặt để phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân. Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, hầu hết người dân nói chung và người tham gia BHYT nói riêng đều không mặn mà với việc khám, chữa bệnh (KCB) tại các trạm y tế (TYT) xã, phường, thị trấn- nơi được xem là cơ sở y tế gần gũi nhất với người dân trên địa bàn cư ngụ.

TẠO ĐIỀU KIỆN, NGƯỜI DÂN VẪN “NÉ”

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân KCB, cuối năm 2015, Bộ Y tế đã có quy định cụ thể việc đăng ký khám, chữa bệnh BHYT ban đầu và chuyển tuyến KCB. Quy định này có hiệu lực từ ngày 1.1.2016. Theo đó, người có thẻ BHYT đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa hoặc bệnh viện tuyến huyện được quyền khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại TYT tuyến xã hoặc phòng khám đa khoa, hoặc bệnh viện tuyến huyện trong cùng địa bàn tỉnh. Kể từ khi thông tư có hiệu lực, số lượt người dân đến KCB BHYT tại các TYT tuyến xã càng giảm đáng kể. Kéo theo đó là sự quá tải tại các cơ sở KCB tuyến trên.

Nguyên nhân chính khiến người tham gia BHYT không “mặn mà” với các TYT là chất lượng dịch vụ y tế chưa đáp ứng nhu cầu về chăm sóc sức khoẻ ban đầu. Các nơi này thường thiếu bác sĩ, không có đủ các trang thiết bị cần thiết cho việc xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh. Năng lực hoạt động của đội ngũ cán bộ y tế cấp xã còn nhiều hạn chế; danh mục thuốc còn nghèo nàn... Thế nên, dù TYT ở gần và miễn phí nhưng người tham gia BHYT vẫn chịu khó “lặn lội” đường sá xa xôi lên tuyến trên để được an tâm hơn trong việc KCB. 

Để giải quyết tình trạng quá tải này, ngày 5.12.2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới với mục tiêu đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở, bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn. Qua đó, góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, bảo đảm công bằng, hiệu quả trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Đến giữa tháng 12.2017, Bộ Y tế đã có Chương trình hành động triển khai thực hiện đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới và Hướng dẫn triển khai mô hình điểm trạm y tế xã, phường, thị trấn giai đoạn 2018 - 2020. Đầu tháng 7 vừa qua, Bộ Y tế còn phối hợp với BHXH Việt Nam tổ chức hội nghị trực tuyến “Nâng cao chất lượng KCB BHYT tuyến cơ sở” với sự tham gia của các bộ, ngành có liên quan nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng BHYT tuyến cơ sở.

Theo đó, để nâng cao chất lượng KCB BHYT tuyến cơ sở cần thiết phải nâng cao nguồn nhân lực bác sĩ, đầu tư trang thiết bị phù hợp với năng lực chuyên môn của các TYT xã, bảo đảm cung cấp dịch vụ xét nghiệm cơ bản đáp ứng các bệnh thông thường; tăng cường tiếp cận nguồn thuốc thiết yếu; tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ TYT xã; củng cố lại cơ chế hoạt động tại các TYT xã...

Tại Tây Ninh, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây mới các TYT với cơ sở vật chất khang trang, đầy đủ phòng chức năng để phục vụ nhu cầu KCB của người dân. Song, điều này vẫn không thể thu hút đông người dân đến KCB tại đây. Hiện nay, qua khảo sát thực tế, nhiệm vụ chủ yếu của các TYT vẫn là thực hiện công tác y tế dự phòng và các chương trình tiêm chủng quốc gia. Ngoài ra, TYT còn chăm sóc sức khoẻ sinh sản, KCB kết hợp ứng dụng y học cổ truyền trong phòng bệnh và chữa bệnh, truyền thông giáo dục sức khoẻ, cung ứng thuốc thiết yếu... 

Hầu hết các TYT trên địa bàn tỉnh đều trong tình trạng thiếu bác sĩ. Để giải quyết vấn đề này, Trung tâm Y tế huyện, thành phố đã tăng cường bác sĩ về các TYT địa phương trực 2 ngày/tuần. Tuy nhiên, có ít người đến khám bệnh. Ngoài ra, các trang thiết bị dùng cho việc chẩn đoán bệnh tại TYT cũng còn hạn chế nên nhiều người có suy nghĩ lên thẳng tuyến trên để “tầm” bệnh chính xác hơn.

Ngay cả dịch vụ hộ sản, có trạm trong 5 năm dù có sẵn nữ hộ sinh nhưng không đỡ được ca nào. Có trạm mỗi năm chỉ thực hiện được 1-2 ca hộ sinh do sản phụ sinh nhanh, không kịp lên tuyến trên. Ngoài những ngày tiêm chủng, hầu như các TYT đều trong trạng thái vắng vẻ, đìu hiu vì ít người lui tới.

Bà Hồ Thị Ánh Tuyết, Trạm trưởng TYT phường 3 (TP. Tây Ninh) cho biết, số người đến KCB tại trạm rất ít do trạm nằm gần các cơ sở y tế chất lượng cao của tỉnh. Năm 2013, TYT phường 3 được đầu tư xây mới với 11 phòng chức năng. Trong 6 tháng đầu năm 2018, TYT có 339 lượt người đến KCB, trong đó có 163 lượt KCB bằng BHYT.

Trạm hiện có 8 nhân viên, không có bác sĩ. Mỗi tuần, bác sĩ tuyến trên trực tăng cường ở trạm hai ngày- thứ 3 và thứ 5 nhưng cũng rất ít người đến khám bệnh. Theo bà Tuyết, để nâng cao chất lượng KCB tại TYT, phải có bác sĩ và một số dịch vụ, trang thiết bị cần thiết cho việc siêu âm, xét nghiệm để tầm soát bệnh hoặc ít nhất là đáp ứng được nhu cầu khám, siêu âm thai cho bà bầu. 

Tại xã biên giới Thành Long (huyện Châu Thành), TYT xã hoạt động khá hiệu quả do địa phương này khá xa bệnh viện huyện, tỉnh. Trong 6 tháng đầu năm 2018, có 3.633 lượt KCB tại TYT xã, trong đó có 1.419 lượt KCB BHYT. Mỗi ngày, TYT tiếp nhận trung bình hơn 10 lượt KCB, chủ yếu là chăm sóc sau sinh, khám bệnh thông thường cho người già, trẻ nhỏ và những ca cần cắt chỉ, thay băng vết thương. 

TYT xã Thành Long được xây lại từ năm 2011 với 18 phòng chức năng, 3 phòng lưu bệnh và phần khuôn viên rộng rãi, thoáng mát. Trạm có 8 cán bộ, nhân viên và không có bác sĩ. Trước đây, trạm được cấp máy siêu âm nhưng hiện nay không hoạt động được do thiếu bác sĩ. Còn dịch vụ xét nghiệm máu thì đang tạm ngưng vì hết hoá chất.

Trạm trưởng TYT xã Thành Long Trương Thị Hồng Hạnh cho biết, cơ sở vật chất của TYT xã hoàn toàn đủ điều kiện để đáp ứng nhu cầu KCB của người dân địa phương. Điều cần thiết nhất để nâng cao chất lượng KCB tại TYT xã và tạo lòng tin cho người dân chính là phải có bác sĩ tại trạm. Nhiều dịch vụ kỹ thuật không được triển khai thực hiện do không có bác sĩ chỉ định.

Chị Trần Thị Ngọc Yến (sinh năm 1993) ngụ ấp Hiệp Phước, xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành) cho biết, gia đình chị ít đến khám bệnh tại TYT do ở đây không đầy đủ các trang thiết bị tầm soát bệnh. 2 lần mang thai, chị đều chịu khó lên thành phố Tây Ninh để khám thai định kỳ hằng tháng dù từ nhà lên phòng khám khá xa. Chị Yến sinh con 2 lần đều ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Chị hy vọng TYT xã sẽ nâng cao chất lượng để người dân trong xã được yên tâm đến KCB mà không cần vất vả lên tuyến trên, nhất là trường hợp mắc bệnh vào những đêm khuya, mưa gió...

TỪNG BƯỚC ĐỔI THAY

Thời gian qua, UBND tỉnh và Sở Y tế luôn quan tâm đến việc nâng cao chất lượng KCB BHYT tuyến cơ sở trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khó khăn cốt lõi vẫn là thiếu nguồn nhân lực bác sĩ. Bác sĩ Hoa Công Hậu- Giám đốc Sở Y tế cho biết, hiện nay, nguồn nhân lực bác sĩ cho tuyến tỉnh và huyện còn thiếu rất nhiều nên việc tăng cường bác sĩ cho tuyến xã rất khó khăn. Trước mắt, Sở Y tế đang chọn lọc những TYT xã hoạt động hiệu quả để đầu tư nguồn nhân lực và trang thiết bị. Song song đó là việc triển khai thực hiện thí điểm mô hình bác sĩ gia đình.

Mô hình bác sĩ gia đình tại Tây Ninh giai đoạn 2017-2018 được UBND tỉnh triển khai thực hiện từ cuối tháng 6.2017. Thông qua đó cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khoẻ toàn diện, lồng ghép và thực hiện cho cá nhân, gia đình và cộng đồng. Với mô hình này, phòng khám bác sĩ gia đình sẽ duy trì mối quan hệ lâu dài với người bệnh và có hồ sơ theo dõi sức khoẻ của bệnh nhân trong địa bàn quản lý.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện, đến nay, Sở Y tế đã hoàn thành công tác phối hợp đào tạo cấp chứng chỉ bác sĩ gia đình cho 80 bác sĩ đang công tác tại các cơ sở y tế trong tỉnh. Hiện tại, Sở Y tế phối hợp với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch TP. Hồ Chí Minh mở lớp đào tạo cho 36 y sĩ, điều dưỡng phục vụ cho mô hình bác sĩ gia đình. Dự kiến lớp đào tạo sẽ hoàn thành vào cuối tháng 8. Sắp đến, Sở Y tế sẽ giám sát việc thực hiện mô hình bác sĩ gia đình tại 9 xã triển khai thí điểm mô hình trên địa bàn tỉnh.

Cho đến thời điểm này, lộ tình nâng cao chất lượng KCB BHYT tuyến cơ sở của tỉnh ta đang từng bước được hoàn thiện về nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trong thời gian tới, ngành Y tế tỉnh nhà sẽ còn nhiều việc cần phải làm để tạo niềm tin, thu hút người dân đến KCB tại các TYT.

Lê Thuỳ

 

Từ khóa:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục