Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Ông Vi Thừa Phong đang là người lưu giữ gần 100 đầu sách chữ Nôm của người Nùng ở Đức Trọng (Lâm Đồng)...
Sở hữu gần 100 đầu sách chữ Nôm của người Nùng ở Đức Trọng (Lâm Đồng), ông Vi Thừa Phong đang là người lưu giữ và ngày ngày nghiên cứu, ghi chép, phiên dịch kho tàng vô giá ấy của dân tộc mình với mong muốn con cháu sau này sẽ còn có người hiểu được.
|
Quê ở Bắc Giang, đến năm 1950, gia đình ông chuyển vào Lâm Đồng mang theo những quyển sách cổ quý báu. Với vốn kiến thức chữ Hán và chữ Nôm uyên thâm, ông Phong đã giúp nhiều đoàn nghiên cứu của Trung Quốc đến tìm hiểu ngôn ngữ của dân tộc mình. Mới đây, ông đã cùng với Giáo sư Mai Vân (công tác tại Sở Nghiên cứu Ngôn ngữ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc) nghiên cứu ngữ âm của người Nùng ở Lâm Đồng; trong hơn 1 tuần làm việc cùng với Giáo sư Vân, ông Phong đã giúp giải mã rất nhiều những ngữ âm, thổ âm, chữ Nôm của người Nùng. Những quyển sách: Hộ lục nhất sách; Điền khố khoa; Hương hỏa thất viện ngọc tinh; Nhiên đăng khoa; Gia phả; Hành trình khoa; Khai đàn sớ văn… được ông lưu giữ cẩn thận.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, những pho sách mà ông Phong đang giữ là những tư liệu rất quý, rất cần được nghiên cứu; bởi trong đó là những giá trị văn hóa tín ngưỡng tâm linh của đại bộ phận người Nùng ở Nam Tây Nguyên; không những thế nó còn thật sự cần thiết trong việc lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của người Nùng nói chung trên lãnh thổ Việt Nam.
Bên cạnh niềm say mê, gìn giữ những pho sách cổ, ông còn giúp, động viên các gia đình người Nùng giữ được nét văn hóa cổ truyền của dân tộc mình. Hầu hết các việc cúng tế, những việc liên quan đến văn hóa tâm linh ông đều nhiệt tình giúp đỡ mọi người, như viết sớ, viết điếu văn… Điều mà ông vẫn luôn trăn trở là không biết sau này thế hệ sau có còn gìn giữ, biết được ngôn ngữ này nữa; nếu không thì những pho sách của ông đang giữ nói riêng và những pho sách của người Nùng nói chung cũng chỉ là những quyển sách vô tri, chỉ nằm đó với lớp bụi thời gian mà thôi. Vì vậy, ông rất khuyến khích thanh niên của người Nùng học chữ Nôm Nùng, nhưng có lẽ do chữ khó học, nên cứ tìm hiểu được một thời gian là các thanh niên ông vận động được lại bỏ dở giữa chừng…
Nghe ông tâm sự, chúng tôi cảm nhận được phần nào tình cảm mà ông dành cho những pho sách này. Hy vọng các công việc ý nghĩa mà ông đang làm sẽ được tiếp tục nhân rộng, có kết quả, để người Nùng sẽ có nhiều người tâm huyết như ông đánh thức, bảo tồn giá trị của những pho sách cổ và vốn văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc mình.
V.C (st)