Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, năm 2009 trong số 167 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 184 người, thì có đến 14 vụ TNGT do người… đi bộ gây ra, làm chết 14 người.
Theo số liệu thống kê của Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh, năm 2009 trong số 167 vụ tai nạn giao thông (TNGT) làm chết 184 người, thì có đến 14 vụ TNGT do người… đi bộ gây ra, làm chết 14 người. Điều đáng nói là có những tai nạn mà người tử vong chính là người gây ra lỗi. Trong đó có 4 trường hợp là người già, 4 trường hợp là trẻ em. Ngoài ra có 2 vụ TNGT là người say rượu điều khiển xe, nhưng lại “mất phương hướng” hay nằm ngủ giữa đường và bị đụng chết và một người bị bệnh tâm thần qua đường không quan sát…
Không phải vụ TNGT nào mà phần lỗi đều do người điều khiển phương tiện lưu thông trên đường. Các vụ tai nạn xảy ra sau đây, cho thấy người đi bộ xem thường Luật Giao thông đường bộ như qua đường không đi đúng phần đường (kẻ vạch), khi tai nạn xảy ra, hậu quả họ phải “lãnh đủ”. Cháu Hồ Minh Vỹ, mới 5 tuổi, ngụ ấp Bà Nhã, xã Đôn Thuận, Trảng Bàng, do không có người lớn dìu dắt khi qua đường, còn quá nhỏ, chưa có ý thức về giao thông, khi “vô tư” chạy qua đường (tỉnh lộ 789) đã bị ô tô anh Đặng Thanh Bình, SN 1974, điều khiển đụng chết tại chỗ. Một tai nạn chết người, nạn nhân cũng là trẻ em, là trường hợp cháu Phan Thị Ngọc Dung, SN 2000, đi bộ trên đường Trưng Nữ Vương (xã Thái Bình, Châu Thành), đột ngột rẽ trái không quan sát, đã bị mô tô do ông Nguyễn Hiệp Thành, ngụ Thái Bình, Châu Thành đụng chết. Vụ TNGT sau đây là lời cảnh báo đối với người lớn, thiếu quan tâm sâu sát đối với trẻ nhỏ, vốn hay đùa nghịch. Em Trương Thiện Giác (SN 1993, ngụ xã Cầu Khởi, DMC), nhảy lên đu bên hông chiếc máy kéo chở mía do anh Nguyễn Tấn Tài, ngụ xã Cầu Khởi, DMC, điều khiển trên đường liên xã Cầu Khởi-Chà Là. Em Tài trật tay té xuống đường bị xe cán chết tại chỗ…
Không chỉ trẻ em, ngay cả người già, mắt yếu, quan sát kém, lại không có con cháu hướng dẫn cũng xảy ra tai nạn chết người. Bà Trần Thị Lệ (SN 1930, ngụ xã Ninh Sơn, Thị xã), khi qua đường Điện Biên Phủ (ấp Ninh Tân, xã Ninh Sơn) không quan sát đã bị xe mô tô của anh Dương Mạnh Cường, người cùng địa phương đụng chết. Một vụ khác xảy ra tại ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, Gò Dầu, nạn nhân là ông Trần Lương (SN 1936, ngụ tại địa phương) qua đường không đúng phần đường quy định (vạch kẻ ngang) bị xe đụng chết. Gần đây một trường hợp đau lòng khác, do người đi bộ “không chấp hành tín hiệu đèn giao thông” khi qua đường bị xe đụng chết. Một tai nạn khác xảy ra trong tháng 12.2009, trên đường Trưng Nữ Vương (khu phố 5, phường 1, Thị xã): Chị Biện Thị Mộng (SN 1988, ngụ xã Hảo Đước, Châu Thành), chạy mô tô đến khu vực trên thì đụng vào bà Nguyễn Thị Sâm (SN 1925, ngụ tại địa phương), đang đi bộ. Bà Sâm bị thương nặng và chết sau đó 10 ngày.
Trên thực tế, hằng ngày khi lưu thông trên QL22B, mọi người dễ bắt gặp hình ảnh những người liều lĩnh băng qua đường theo lối… leo qua dải phân cách. Ông Võ Văn Nghe (SN 1969) leo qua dải phân cách (thuộc xã Thạnh Đức, Gò Dầu) băng qua đường, bị xe mô tô do anh Lê Hoàng Sơn, ngụ Thị xã tông chết. Cũng trên QL22B, anh Trần Thiện Thanh, ngụ xã Cẩm Giang, Gò Dầu, do say rượu nằm ngủ ngay trên mặt đường bị xe cán chết. Ngoài ra còn có một trường hợp người bệnh tâm thần đi lang thang trên đường bị xe đụng chết, đó là trường hợp anh Nguyễn Minh Trí, bệnh tâm thần đi bộ trên tỉnh lộ 781, thuộc xã Thành Long, huyện Châu Thành.
Thực trạng trên cần được lực lượng Cảnh sát giao thông quan tâm, “lưu ý” người đi bộ. Ai vi phạm, dù là người đi bộ cũng nên xử phạt để nhắc nhở họ chấp hành luật lệ giao thông, tránh tự mình chuốc hoạ vào thân.
ThuỶ Tiên