Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Một người dân tại xã Tân Bình (thành phố Tây Ninh) cho biết, hiện nay, việc vay vốn hộ nghèo tại địa phương phát sinh nhiều thủ tục. Các thành viên trong gia đình người đi vay phải ký vào giấy uỷ quyền mới được vay.
Quy định này khiến người đi vay gặp khó khăn. Bởi nhiều trường hợp, trong gia đình có người phải đi làm ăn xa hoặc không ký giấy uỷ quyền vì một số lý do tế nhị khác... Vì vậy, người vay kiến nghị ngành ngân hàng xem xét không quy định thủ tục trên, để người vay dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.
Khách hàng giao dịch tại ABBank Gò Dầu (ảnh minh hoạ).
Thực tế, một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay là quy định về quyền sở hữu tài sản bảo đảm dùng để thế chấp các khoản vay. Trước đây, chỉ cần chủ hộ đứng tên tài sản bảo đảm thực hiện vay vốn ngân hàng, tất nhiên sẽ phát sinh quan hệ tín dụng cho cả gia đình.
Tuy nhiên, từ ngày 15.3.2017, khi quy định mới có hiệu lực, trong trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình, phải có sự thoả thuận của tất cả các thành viên trong gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Vì vậy, khi thế chấp tài sản để vay vốn bắt buộc, người vay phải có uỷ quyền của tất cả thành viên trong hộ gia đình.
Đại diện Hội Nông dân xã Trường Đông cho biết, thời gian qua, Hội đã áp dụng hình thức ký giấy uỷ quyền theo đúng quy định, lúc này, người đi vay gặp nhiều khó khăn, không đáp ứng được các điều kiện nên không vay được vốn. Hoặc có những trường hợp hồ sơ vay bị treo khá lâu, vì phải chờ người có tên trong hộ khẩu từ nơi xa về ký giấy uỷ quyền.
Đại diện Ngân hàng An Bình chi nhánh Tây Ninh cho biết, khi áp dụng quy định mới về uỷ quyền vay vốn, ngân hàng lẫn khách hàng đều gặp khó, doanh số cho vay của đơn vị tăng yếu. Còn nếu không có đủ sự uỷ quyền của tất cả các thành viên trong gia đình, hợp đồng tín dụng sẽ bị vô hiệu nếu xảy ra tranh chấp.
THANH NHI