Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người đợi hoàng hôn
Chủ nhật: 08:08 ngày 03/12/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Nằm ở mé Ðông Bắc của đảo, trông xa như một mũi tàu chồm ra biển là xóm vạn chài. Xóm nhỏ, khoảng trên ba chục nóc nhà. Bao quanh nhà là những dãy tường đá đen, làm ranh giới và cũng để chắn sóng, cản gió.

Hầu hết đàn ông trong những ngôi nhà ấy đều đi biển, có người đi cả năm mới về một lần. Thành thử ai đến đây cũng thấy toàn đàn bà và con nít. Những người đàn bà nước da ngăm đen, rắn rỏi thường tụ tập dưới những bóng cây đan lưới hay lụi hụi với những mẹt cá khô phơi nắng dự trữ cho mùa biển động. Mấy đứa con nít mình trần trùng trục, một buổi đến trường, buổi còn lại ra gành đá cạy hàu, bắt ốc. Trông đứa nào đứa nấy cũng nhếch nhác, đen gầy.

Lần đầu tiên thăm xóm vạn chài, đến từng nhà học trò, thầy Phương hoàn toàn thay đổi ý định đã hình thành ngay trong ngày nhận công tác là ra đảo vài năm rồi tìm cơ hội chuyển về đất liền. Những con người chân thành, mộc mạc, những tâm tư đều gợi buồn thương, những ánh mắt học trò vừa ngơ ngác, hồn nhiên vừa thẳm sâu, u ẩn đã ám ảnh thầy Phương suốt dọc đường về khu nội trú.

Ðêm ấy, thầy trằn trọc không ngủ. Biển ngoài kia dường như cũng hiểu tâm trạng của thầy hay sao mà cứ ầm ào. Gió từng cơn buốt lạnh, cồn cào khiến thầy phải ngồi dậy mấy lần, bật đèn rồi mở cửa, nhìn mông lung về phía xóm nhỏ. Một vòm đen đặc quánh, gối một đầu vào đảo còn một phần lớn chênh chao trên sóng nước. Thầy Phương thẫn thờ, lắc đầu…

2. Lớp hôm nay vắng hơn mười em. Nhìn lớp học thưa vắng học trò, thầy Phương cảm thấy bất an, lo lắng. Mấy ngày nay, biển động bất thường. Ðang mùa đánh bắt cá, ảnh hưởng bão từ phía Bắc nên sóng dữ, gió cuồng. Cuộc sống người dân đều gắn với biển, mùa biển động là mùa thiếu thốn. Nhiều gia đình phải cho con nghỉ học nửa chừng, đợi thêm tí tuổi là cho theo cha, theo anh bám cái nghề lắm rủi ro để sinh nhai.

-Có bạn nào biết tại sao lớp vắng nhiều thế không?

Thầy Phương nhẹ nhàng nhìn khắp lớp. Các em ngồi im, khoanh tay đặt trên bàn chờ đợi thầy giáo dạy bài mới. Một em giơ tay lên:

-Thưa thầy, mấy bạn ở xóm chài đi học không được vì sóng lớn đánh sập cầu đá rồi ạ!

Thì ra là vậy. Thầy Phương nhớ lại chiếc cầu đá bắc chênh vênh qua vịnh hẹp nối đảo với xóm chài. Ðường đến xóm mùa nước cạn có thể băng qua bãi cát nhưng mùa nước dâng phải bắc cầu mới qua được. Chiếc cầu tạm bợ bằng những tảng đá kê cao, đi lại rất khó khăn nhưng không có cách nào khác. Cuộc sống người dân bấp bênh, phụ thuộc vào biển cả, lại phải đương đầu với những khó khăn mà địa hình vùng đất mang lại. Ðứng bên đảo nhìn về phía xóm chài trong một buổi chiều tà, cảm giác buồn thương thường dâng lên trong lòng người, nhất là người xa quê như thầy Phương.

3. Ðến ngày thứ ba, lớp vẫn còn vắng mấy học sinh, trong đấy có cậu bé tên Duy. Thầy Phương băn khoăn lắm, vì sau một năm chủ nhiệm, thầy cũng đã tường tận hoàn cảnh một số học trò. Riêng với Duy thì thầy chưa nắm rõ, bởi em là đứa trẻ nhút nhát, lại khó gần, không dám bộc bạch tâm tư. Cậu bé hay tha thẩn một mình, hiếm khi bày trò chơi cùng các bạn. Thông tin về gia đình em cũng rất ít ỏi. Thầy Phương chỉ biết em hiện đang sống cùng mẹ, cha em đã mất từ khi em còn ẵm ngửa.

 Chắc có chuyện không may xảy ra với Duy rồi! Thầy Phương nghĩ vậy và chiều hôm ấy, thầy tìm về xóm vạn chài.

Nhà Duy nằm ở bìa xóm, tường chất cao đá đen, cổng vào là tấm tôn đã gỉ sắt gắn vào mấy thanh gỗ thô chằng chống. Không có ai ở nhà cả. Thầy Phương hỏi thăm mới biết Duy cùng mẹ ra gành bắt ốc, cạy hàu rồi. Thầy đi ra phía ấy. Buổi chiều, biển ngời lên sắc vàng ám ảnh, từng con sóng lao xao vỗ nhẹ vào gành đá. Nhìn không gian bao la đến choáng ngợp, thầy Phương không để tâm lắm, ánh mắt thầy đảo tìm cậu học trò của mình đang vất vả kiếm ăn trong những hốc đá trơn trượt kia.

-Em chào thầy, em…

Duy ngạc nhiên khi thấy thầy Phương đứng trên tảng đá cao, bóng thầy đổ xuống người nó, che khuất tầm nhìn phía trước. Thầy Phương mỉm cười trước sự lúng túng của cậu học trò nghèo khổ. Ðưa tay ra cho Duy nắm, thầy Phương kéo cậu bé lên ngồi trên mỏm đá cao. Hai cái bóng một cao to, một thấp gầy kề nhau trong buổi chiều đầy gió biển thốc nôn nao.

4.Duy phải nghỉ học vì mẹ không đi làm nữa, lại hay đi lang thang. Mỗi buổi chiều mẹ ra ngoài gành ngồi nhìn về phía đồi cát rồi nhìn hút ra khơi xa. Mẹ chỉ ngồi vậy, không nói gì, đợi hoàng hôn buông xuống mới chịu về.

-Sao kỳ vậy? Thầy Phương bất giác nhìn về phía mấy tảng đá xếp chồng lên nhau, trên đỉnh là tảng đá hình bầu dục, bề mặt phẳng lì vì nhiều người đã lên đấy đứng nhìn trời biển mênh mông. Có người còn chọn tảng đá ấy để chụp hình. Ở vị trí ấy có thể bao quát được một không gian rộng lớn, nhất là lúc hoàng hôn buông xuống. Lúc mới ra đảo công tác, thầy Phương cũng thường ra đấy ngồi. Ðể tìm sự an yên trong tâm trí, để suy nghĩ nhiều điều trong cuộc sống và công việc. Thầy ngồi đấy như kẻ thiền định, triệt tiêu mọi xô bồ, đợi bóng hoàng hôn phủ xuống. Sương chiều phủ kín lối về và tiếng sóng cũng thâm trầm, dịu êm vỗ về.

- Em có biết vì sao mẹ như vậy không?

Thầy Phương buộc miệng hỏi, nắm lấy bàn tay gầy gò, rin rít, đượm vị tanh nồng mùi biển của Duy. Duy rụt tay lại, thổn thức:

-Mẹ nhớ ba thầy ạ!

Duy nói xong, nước mắt cứ thế tuôn ra trên gương mặt sạm đen. Thầy Phương ôm chầm lấy cậu học trò tội nghiệp, dỗ dành.

Trong một trận bão gần mười năm về trước, chiếc thuyền đánh cá gồm tám ngư dân đã gặp nạn. Sáu người trong số họ vớt được xác, còn hai người mất tích. Người đàn ông xấu số, là ba của Duy mãi mãi nằm sâu dưới biển. Ðể rồi, nấm mộ trên đồi cát kia chỉ gồm manh áo, miếng ván thuyền và mấy miểng sành. Người ta gọi là mộ gió. Ở xứ đảo này, mộ gió nhiều vô kể.

Trong nghĩa địa nằm dưới chân núi kia có hàng trăm ngôi mộ gió. Mộ gió sơ sài, nhỏ nhoi nằm khuất lấp với xương rồng, cỏ cứng, cả hoa muống biển. Nhằm ngày rằm, người thân của họ vẫn ra đấy thắp hương, cầu nguyện. Trong căn nhà nhỏ dột nát của mẹ con Duy, chiếc bàn thờ đơn sơ với bình hương và di ảnh, đêm nào cũng nghi ngút khói. Bởi sự nhớ thương chưa thể nào vơi trong tâm hồn người phụ nữ trẻ đã sớm goá bụa.

Nghe kể lại, thầy Phương bị kích động ghê gớm. Thầy cảm thấy mình may mắn, được hạnh phúc, được làm việc mình yêu thích. Những so đo, tị hiềm thoáng chốc mất đi khi thầy đứng trước hoàn cảnh ngang trái của người đàn bà bất hạnh và đứa trẻ côi cút, thiệt thòi.

-Em phải học lại Duy à! Không thể quẩn quanh mãi trong vòng quay tù túng này mãi được!

Thầy Phương nói to, cốt để cho mẹ Duy nghe. Người đàn bà ngồi trên tảng đá cao đang đắm chìm trong dòng suy nghĩ miên man về người chồng quá cố chợt quay lại nhìn thầy Phương. Trong ánh mặt lạ, đầy bóng tối u ẩn, đớn đau có xen chút nỗi niềm muốn sẻ chia, đồng cảm.

Thầy Phương gật đầu, bảo Duy đỡ mẹ dậy. Cậu bé cầm tay mẹ vỗ về:

-Mẹ về đi, tối rồi đấy!

Người đàn bà nhìn con trai, mím chặt môi, rưng rưng khóc rồi uể oải đứng dậy, lần từng bước xuống khỏi mỏm đá cao. Cứ thế, hai mẹ con dìu nhau đi. Thầy Phương theo sau. Lòng thầy rộn lên nỗi niềm khó tả.

T.Ð.S

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục