BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người đưa thư ấy đã đi xa...

Cập nhật ngày: 24/05/2012 - 05:03

1. Cụm từ “người đưa thư” là dùng để chỉ những người làm việc tại các bưu điện, bưu cục, chuyên đưa phát thư cho những khách hàng ở chung quanh khu vực do mình phụ trách. Trước đây người đưa thư được gọi là “nhân viên bưu tá”, hoặc là “giao liên”. Trong quân đội thì gọi là “quân bưu”, như trong bài hát “Anh quân bưu vui tính” một thời nổi tiếng của nhạc sĩ Đàm Thanh.

Người đưa thư chọn công việc “đưa thư” làm cái nghề cho mình, nối những buồn vui, thương ghét, giận hờn, nhớ nhung… của mọi người qua từng cánh thư lại gần nhau. Chỉ cần nhìn qua nét mặt người nhận thư, quà, người đưa thư đã có thể phán đoán được một phần tình cảm kín đáo của người nhận, thậm chí cũng… lờ mờ đoán định được nội dung lá thư viết những gì?

Công việc của người đưa thư, trong chiến tranh luôn đối diện với bom đạn, chết chóc và những gian khó khi trèo rừng, vượt suối, hay khi băng qua đạn lửa để hoàn thành sứ mạng của mình. Trong thời bình, không có hiểm nguy nhưng cũng vô cùng khó khăn bởi nắng mưa thất thường, phải lần tìm những địa chỉ của người nhận trong những chồng chéo của xóm ấp, phố phường với những con số đè lên hai ba cái “xuyệt”, hay những địa bàn “nhà không số, phố không tên” giống như một mê cung. Song cứ đến tận nơi, đưa lá thư, món quà, tờ báo cho người nhận, thì những mệt nhọc, vất vả của người đưa thư dường như tan biến hết.

Cũng có khi một bức điện tín, một bức tin nhanh, làm người nhận… ngã lăn ra khóc, và người đưa thư cũng không kìm được giọt nước mắt của mình!

2. Bây giờ đang là thời buổi “bùng nổ công nghệ thông tin” với các cổng thông tin điện tử đa dạng cùng với hệ thống Internet, người ta dần dần ít viết thư tay, chỉ cần một chiếc điện thoại di động, thì từ nơi góc bể chân trời, cách xa vạn dặm, người ta vẫn có thể trút hết bao nhớ nhung thương nhớ, hoặc chỉ cần cái máy tính có nối mạng, chiếc laptop có 3G, người ta có thể gửi thư điện tử (mail) cho nhau dễ dàng, chỉ tốn vài giây. Và người ta cũng có thể chat với nhau cả ngày để trao đổi, giãi bày, tranh luận hay mua bán với nhau mà không cần phải thư từ qua lại như trước đây nữa. Nhưng “thư tay” vẫn còn tồn tại, bởi đâu phải ai cũng có đủ điều kiện để sử dụng và hưởng thụ những tiện ích của công nghệ thông tin. Bên cạnh thư, còn những món quà bằng vật chất cụ thể, hoặc những tờ báo in còn thơm phức mùi mực, mùi giấy, cần chuyển đến tay người nhận. Người đưa thư vẫn phải hiện diện, âm thầm, lặng lẽ trên chặng hành trình “nối những bờ vui” của mình với mọi người.

Máy móc dù tối tân hiện đại đến đâu, vẫn chưa thể thay thế hẳn các công việc của con người. Vẫn còn có những người đưa thư, sớm tối trên đường.

3. Tôi vốn là người viết lách, trước đây tác phẩm của mình gửi qua hình thức “thư tay” và qua bưu điện, nay thì đã chuyển sang mail, song thư, báo, nhuận bút… vẫn phải nhận từ bưu điện. Người đưa thư ấy đã ngày ngày đến với tôi như một người bạn rất đỗi thân thiết. Vắng bóng hai ngày đã nghe nhớ nhớ và buồn?

Mỗi sáng tầm từ 8 giờ, nghe tiếng máy xe dừng ở cổng, từ cửa sổ phòng văn nhìn ra, đã thấy thấp thoáng bóng áo xanh. Mừng vui, vội vã chạy ra. Người đưa thư đã tới, từng ấy công việc quen thuộc: Thư của bạn đọc khắp nơi, vài tờ báo biếu, báo đặt, phiếu báo lãnh nhuận bút, lâu lâu có cái thư mời đi họp chỗ này, chỗ nọ… Tôi ký nhận, trao đổi dăm điều cùng người đưa thư, có khi chợt ái ngại vì bao thư báo quá nặng, chiếc “Quay Tàu” quá cũ, xịt khói đen, cả mái tóc lấm tấm bạc của người đưa thư… có lúc đi vào giấc chiêm bao của tôi.

Rất lâu không thấy người đưa thư đến, bưu cục quen nhắn tôi tự ra nhận thư báo. Hỏi thăm biết anh bị quẹt xe, trật khớp chân gì đó, cứ tưởng rồi sẽ qua…

Chợt bàng hoàng sửng sốt, vì tin anh đã đi xa! Ca phẫu thuật khớp háng, tai nạn của vụ quẹt xe và… chứng máu không đông ác nghiệt gì đó đã cướp anh vĩnh viễn khỏi gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Đường phố mất đi một bóng áo xanh với chiếc xe tàng đầy thư, báo. Mỗi sáng sớm mở cửa ngóng trông người đi đưa thư báo quen thuộc. Người cũ đi xa, người mới hình như chưa được tuyển. Nhớ anh lắm người đưa thư à…

Gò Dầu, tháng 5.2012

TRẦN HOÀNG VY