Theo dõi Báo Tây Ninh trên
Theo Hướng dẫn, trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi chỉ áp dụng đối với người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo, tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành.
Ban Tuyên giáo Trung ương vừa ban hành Hướng dẫn số 116-HD/BTGTW về thực hiện một số điều trong Quy định 101-QĐ/TW, ngày 28-2 của Ban Bí thư khóa XIII về trách nhiệm, quyền hạn và việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật lãnh đạo cơ quan báo chí.
Phóng viên tác nghiệp tại một phiên tòa tại TAND TP.HCM. Ảnh: B.NN
Theo đó, điều kiện, tiêu chuẩn đối với lãnh đạo cơ quan chủ quản được giao nhiệm vụ người đứng đầu cơ quan báo chí phải đáp ứng tiêu chí: Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao, có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, đáp ứng khoản 2, khoản 3 Điều 5 Quy định số 101-QĐ/TW.
Có Chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí: Là chứng chỉ được cấp bởi cơ sở đào tạo giáo dục đại học công lập được phép đào tạo chuyên ngành báo chí, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ của cơ quan quản lý nhà nước về thông tin và truyền thông theo quy định. Có đầy đủ hồ sơ và được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác nhận.
Về độ tuổi bổ nhiệm, Hướng dẫn nêu rõ: Trường hợp đặc biệt không quá 70 tuổi chỉ áp dụng đối với người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo, tạp chí khoa học, tạp chí chuyên ngành, trong đó có chuyên ngành chính phù hợp với tôn chỉ mục đích của tạp chí được tính điểm khoa học từ 0,75% điểm trở lên.
Người đứng đầu cơ quan báo chí không đảm nhiệm chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp (10 năm liên tiếp) tại một cơ quan báo chí. Nhiệm kỳ tiếp theo chỉ được thực hiện cách thời điểm kết thúc nhiệm kỳ thứ hai ít nhất 5 năm.
Thời gian giao thực hiện nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan báo chí đối với cấp phó người đứng đầu cơ quan báo chí không quá 18 tháng. Lãnh đạo cơ quan chủ quản (không phải người đứng đầu cơ quan chủ quản) được giao nhiệm vụ phụ trách cơ quan báo chí không quá 12 tháng.
Cơ quan chủ quản chỉ ra văn bản giao nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan báo chí sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ TT&TT.
Về kỷ luật, theo Hướng dẫn, Ban Tuyên giáo Trung ương là cơ quan ban hành văn bản nhắc nhở cơ quan báo chí, lãnh đạo cơ quan báo chí sau khi trao đổi, thống nhất ý kiến với Bộ TT&TT và tham khảo ý kiến của Hội Nhà báo Việt Nam (trong trường hợp cần thiết - khoản 2 Điều 13 Quy định số 101-QĐ/TW).
Trong vòng 12 tháng, cơ quan báo chí bị Ban Tuyên giáo Trung ương nhắc nhở hai lần bằng văn bản thì lãnh đạo cơ quan báo chí bị kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (điểm a khoản 3 Điều 13 Quy định số 101-QĐ/TW).
Ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu Cơ quan chủ quản báo chí có trách nhiệm rà soát, lập danh sách lãnh đạo cơ quan báo chí, gồm các nội dung: họ và tên, độ tuổi, giới tính, năm bổ nhiệm lần đầu,trình độ lý luận chính trị, trình độ chuyên môn, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý nhà nước về báo chí và gửi về Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ TT&TT trước ngày 15- 12 hàng năm hoặc khi có yêu cầu.
Nguồn PLO