Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người gieo chữ giữa rừng

Cập nhật ngày: 14/09/2012 - 10:33

(BTN)- Hơn 30 năm qua, có một người thầy giáo âm thầm xây dựng trường lớp và truyền dạy con chữ cho những em nhỏ ở giữa rừng đầu nguồn của công trình thủy lợi Dầu Tiếng. Đó là thầy Nguyễn Bình, năm nay 52 tuổi, hiện là giáo viên chủ nhiệm lớp 2, Trường tiểu học P25- điểm phụ của Trường TH Tân Hoà B (xã Tân Hoà, huyện Tân Châu).

Chúng tôi xuyên rừng đến thăm Trường TH P25 vào một ngày đầu năm học mới. Dưới mái trường bé nhỏ, nằm lọt thỏm giữa đám cây rừng là tiếng học trò ê a vang lên. Ngôi trường gồm 3 phòng học, xây bằng tường gạch đỏ au. Mỗi lớp học chỉ khoảng 7- 10 học sinh. Mặc dù vậy, hằng ngày, các thầy giáo của trường vẫn vượt hàng chục km vào đây dạy học. Thầy Nguyễn Bình là một trong những người như thế. Theo lời thầy Bình kể thì thầy quê ở Huế. Năm 1991, thầy đến P25. Lúc đó, ở đây gần như biệt lập với xã hội bên ngoài nên nhiều người không biết chữ, đặc biệt là trẻ em đều không có điều kiện đến trường. Biết thầy Bình có chút ít chữ nghĩa, nhiều người xúm lại, nhờ thầy dạy học. Thầy Bình kể: “Lúc đó, tôi mới học xong lớp 9, chưa biết làm thầy giáo là thế nào, nhưng thấy thương các em quá, tôi không thể chối từ”.

Thầy Nguyễn Bình trong tiết dạy học ở P25

Thế là mọi người xúm lại cất trường. Đàn ông thì chặt cây dựng cột. Đàn bà vào rừng cắt tranh, lợp mái. Thầy Bình cũng bắt tay vào nghề giáo. Thầy biết bao nhiêu chữ nghĩa, đem ra dạy hết. Thầy Bình kể tiếp: “Thời gian đầu, người dân ở đây đến học đông lắm. Mỗi lớp có hơn 20 học sinh. Tôi dạy một ngày 3 buổi. Sáng, chiều dạy các em nhỏ. Tối, đốt đèn dạy xoá mù chữ cho những người lớn tuổi. Lúc đó, chẳng có lương bổng gì. Học sinh trả công bằng cách ai có gạo cho gạo, ai có mì cho mì”. Mãi đến năm 1996, thầy Bình mới được vô biên chế ngành giáo dục. Thầy thi vào trường Cao đẳng sư phạm Tây Ninh và gắn bó với ngôi trường nhỏ bé này cho đến bây giờ.

P25 là một xóm dân cư ở xã Tân Hoà, huyện Tân Châu. Trong xóm hiện có đến 111 hộ dân và 503 nhân khẩu. Xóm dân cư này sinh sống trên đất lâm nghiệp nên thuộc diện phải di dời. Cũng chính vì vậy mà hơn 30 năm qua, các công trình thiết yếu phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm ít được quan tâm đầu tư xây dựng.

Trường TH P25 cũng trong tình trạng như thế. Trong khi chờ đợi di dời, chính quyền địa phương đã vận động mạnh thường quân đóng góp kinh phí xây tạm tường gạch. Năm học mới này, Trường TH P25 có 5 lớp với 38 học sinh, do 6 giáo viên phụ trách.

Ngôi trường cũ ở P25 giờ cũng được ngành giáo dục đầu tư nâng cấp lên. Tranh tre nứa lá được thay thế bằng mái tôn, vách đất, cột xi măng. Giáo viên cũng được tăng cường thêm để phục vụ con em trong vùng. Thầy Bình cho biết: “Có thời điểm, trường này có đến 4 giáo viên nữ, chỉ một mình tôi là nam. Nhưng vì đường vào trường quá khó khăn, nguy hiểm nên sau đó Phòng Giáo dục rút hết giáo viên nữ về và thay thế toàn bộ giáo viên nam”. Năm 2000, thầy Bình cất nhà riêng ở xã Tân Thành. Từ đó con đường đi dạy của thầy càng xa xôi cách trở và gian nan hơn. Mỗi lần từ nhà vào trường, thầy Bình phải vượt 27km đường nông thôn, đường rừng và đi đò ngang lòng hồ Dầu Tiếng. Có lần trên đường đi dạy về, thầy bị sụp hố té gãy xương vai. Vì đường xá xa xôi, đi lại khó khăn nên thầy Bình cùng với ba giáo viên khác thường xuyên ở nội trú lại trường, đến cuối tuần mới về thăm nhà một lần. Tại trường có một phòng tập thể, nhưng diện tích quá nhỏ, chỉ dùng để nấu ăn. Các giáo viên phải qua nhà một người dân ở cạnh trường để ngủ nhờ. 

Mặc dù phải chịu nhiều khó khăn, thiếu thốn như vậy, nhưng hơn 20 năm qua, người thầy xứ Huế này vẫn luôn yêu mến trường lớp của mình. Mỗi năm, tốp học trò này ra trường, tốp khác lại vào. Thầy Bình vẫn cần mẫn nắn nót dạy các em từng nét chữ, luyện cho các em cách phát âm. Có những em học sinh một buổi đến trường, một buổi phải ra đồng mót mì, chăn trâu. Có những gia đình vì ở quá xa, phụ huynh phải đem cơm nước theo, đưa con đến trường rồi chờ con học xong mới chở về. Thầy Bình tâm sự: “Cứ mỗi lần nhìn những gương mặt ham học ấy là tôi cảm thấy mình càng có trách nhiệm hơn với nghề”. Và từ mái trường nhỏ nhắn này, nhiều em học sinh đã biết đọc, biết viết. Một số em đã lên học cấp 2, cấp 3. Điều đáng phấn khởi là đến nay ngôi trường nhỏ này đã có  3 em học trò của thầy Bình  vào học đại học.

Cô Đinh Thị Dung, Phó Hiệu trưởng Trường TH Tân Hoà B cho biết: “Thầy Nguyễn Bình đúng là người đầu tiên tổ chức dạy học và gắn bó ở điểm trường P25 cho đến bây giờ. Suốt mấy mươi năm qua, thầy rất nhiệt tình trong công tác và luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”.

Chúng tôi rời P25 khi mặt trời đã chếch sang hướng tây. Tiếng học trò ê a vẫn vang lên. Thầy Bình và những giáo viên khác vẫn miệt mài gieo từng con chữ, thắp sáng tương lai cho những đứa trẻ nghèo vùng biên giới này.

Thảo Nguyên