Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Bài dự thi Cuộc thi viết “Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tỉnh Tây Ninh năm 2018:
Người gieo chữ thầm lặng
Chủ nhật: 09:43 ngày 09/09/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thầy không những được cộng đồng tôn giáo của ấp kính trọng mà còn được nhiều bạn bè và các tổ chức xã hội gần xa quý mến, ca ngợi gọi là “Người thầy không đứng lớp”…

Thầy To Hiết và học trò.

Từ ngã tư chợ Suối Dây, huyện Tân Châu vào ấp Chăm không xa. Vào ấp Chăm hỏi thầy Chàm To Hiết, hầu như từ trẻ em đến người lớn ai ai cũng biết. Hơn 25 năm qua, thầy To Hiết (sinh năm 1970) là người dạy ngôn ngữ Chăm bền bỉ, xuyên suốt nhất cho con em ở xứ này.

Thầy không những được cộng đồng tôn giáo của ấp kính trọng mà còn được nhiều bạn bè và các tổ chức xã hội gần xa quý mến, ca ngợi gọi là “Người thầy không đứng lớp”…

 

Năm 1979, cũng như bao gia đình khác ở làng Chăm phường 1, thị xã Tây Ninh (nay là thành phố Tây Ninh), gia đình thầy To Hiết gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế nên chuyển sang sinh sống ở tỉnh Kampong Cham- Vương quốc Campuchia. Những năm tháng tuổi thơ ở đây, thầy To Hiết được cha mẹ cho đi học chữ Chăm và nó đã trở thành vốn liếng quý báu của cuộc đời thầy.

Thầy To Hiết lúc nhỏ bị chứng sốt bại liệt nên hai chân teo tóp không thể đi đứng được, tất cả phải nhờ vào chiếc xe lăn. Nhưng kỳ lạ thay, bên trong con người có dáng dấp yếu ớt, bé nhỏ ấy lại có một nghị lực phi thường.

Sau những năm tháng miệt mài học và nghiên cứu chữ Chăm, thầy đã trở thành người truyền chữ cho con em đồng bào dân tộc Chăm ở xã Suối Dây. Lúc ấy ở Tây Ninh, đặc biệt là khu vực Suối Dây chưa hề có ai dạy ngôn ngữ Chăm, cho nên con em dân tộc Chăm muốn học thì phải sang Campuchia.

Vào năm 1992, một lần thầy To Hiết theo học trò về ấp Chăm, xã Suối Dây thăm người bà con. Không ngờ lần đó lại nảy sinh duyên nợ để thầy gắn bó với vùng đất này. Lúc đó, trẻ em người Chăm ở đây chỉ biết nói tiếng mà không biết chữ của dân tộc mình.

Ðứng trước thực tế này, các vị trưởng lão trong cộng đồng ấp đã quyết định giữ thầy To Hiết ở lại làm thầy dạy chữ cho con em dân tộc Chăm.

Năm 1993, ấp Chăm còn nghèo xơ xác lắm. Kế bên thánh đường có hai phòng học xập xệ, đó là điểm phụ của Trường tiểu học Suối Dây A. Ban ngày dùng để dạy cho hai lớp tiểu học, ban đêm mới trưng dụng làm lớp dạy chữ Chăm cho con em đồng bào dân tộc Chăm.

Hoàn cảnh của thầy To Hiết vô cùng khó khăn, không nhà cửa, không tiền bạc, không ai chăm sóc… Thầy vừa dạy vừa trọ luôn trong lớp học. Không có cái ăn, thầy phải đi câu cá, hái rau dại sống qua ngày. Bà con thương thì giúp thầy ít khoai ít gạo, lúc ấy vậy là quý lắm rồi…

Dù khó khăn hết mức nhưng thầy vẫn duy trì lớp học. Ban đầu con em trong xóm Chăm đến học rất đông, khoảng 300 em, đủ lứa tuổi. Thầy phải chia ra thành nhiều nhóm để dạy.

Công sức thầy bỏ ra vào những năm tháng khởi sự ấy không hề nhỏ, thầy tâm sự: “Mình biết tiếng Chăm nên dạy học cho các em. Nếu mình không dạy thì các em chỉ biết đọc mà quên đi cái mặt chữ. Tiếng là thầy, nhưng tôi chỉ là người biết dạy cho người không biết mà thôi…”.

Cũng cần nói thêm về chữ Chăm mà thầy To Hiết dạy, hoàn toàn không phải là loại chữ Akhar Thrah thông dụng được biên soạn giảng dạy ở các trường tiểu học khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, và cũng không phải chữ Chăm theo mẫu tự la-tinh của đồng bào Chăm H’Roi ở Bình Ðịnh - Phú Yên.

Chữ Chăm thầy To Hiết dạy là theo dòng Chăm Islam ở Nam bộ (Chăm An Giang - Tây Ninh - thành phố Hồ Chí Minh). Vì tôn giáo chính của bà con Chăm ở đây là Hồi giáo, nên ngôn ngữ viết là loại chữ Jawi (loại chữ Ả-rập) nhưng được người Malayu ở Malaysia và Indonesia dùng xây dựng chữ viết và được sử dụng từ những năm 1945 cho đến nay. Hiện nay, loại chữ này đang thông dụng với người Chăm Islam.

Ðể giảng dạy loại chữ này cũng không hề dễ, thầy To Hiết phải dạy cho các em từ những bài vỡ lòng ở trình độ mẫu giáo, rồi mới dần dần tiến lên để biết đọc biết viết.

Thầy cho biết, em nào thật chuyên cần cũng phải mất ít nhất từ 6 tháng đến một năm mới nắm được căn bản. Khi có được kiến thức căn bản mới có thể học ở trình độ cao hơn. Có thể khẳng định, đối với bất cứ dân tộc nào, chữ viết cũng rất quan trọng.

Thầy tâm sự: “Mình dạy cho con em hôm nay, sau này chúng sẽ truyền đạt cho các thế hệ sau. Như thế ai cũng tiến bộ. Nhiều hôm có một, hai em đến lớp cũng phải dạy. Chứ thấy ít mà bỏ lớp sinh quen, lớp rất dễ vỡ. Phải dạy thường xuyên, đều đặn để tạo thói quen cho các em tới trường”.

Suốt 25 năm qua, thầy To Hiết vẫn lặng lẽ với công việc của mình như thế. Là một người không bằng cấp, không học hàm học vị… nhưng thầy có một trái tim ấm áp. Trái tim ấy đã truyền ngọn lửa trí tuệ cho bao thế hệ học trò, từ mái trường quê nghèo trăm bề thiếu thốn.

Trước đây, tôi vẫn thường lui tới ấp Chăm, từng chứng kiến cảnh thầy dạy. Ngôi trường ban đầu chỉ có nóc mà không có vách, với hai cái quạt cũ kỹ và hai cái bóng đèn thiếu sáng. Mùa khô thì nóng như lò lửa, mùa mưa thì gió nước tạt tứ bề.

Và trong suốt ngần ấy năm thầy vẫn dạy, trò vẫn học… để thấy hành trình đi tìm con chữ biết bao gian nan. Mang tiếng làm thầy gần một phần tư thế kỷ mà thầy To Hiết chưa hề biết ngày 20.11 là thế nào! Nó hoàn toàn xa lạ với cả thầy lẫn trò ở đây.

Thầy dạy không lương, cũng không quà cáp… Chỉ có dịp kết thúc tháng Ramadan, nhà nào kha khá thì giúp thầy vài ký gạo, và chỉ có vậy mà thôi.

Ngày nay, con đường vào ấp Chăm đã trải nhựa, không còn cảnh nắng bụi mưa lầy như xưa nữa. Diện mạo ấp Chăm cũng thay đổi, bởi bà con ở đây phát triển kinh tế rất rõ rệt. Nhiều nhà có cao su khai thác và con em được học hành tới nơi tới chốn.

Nhiều thanh niên có việc làm ổn định hoặc đi xuất khẩu lao động, giúp đỡ gia đình thoát cảnh nghèo khó. Thánh đường là nơi trung tâm văn hoá tâm linh của bà con Chăm cũng được xây mới khang trang. Hai phòng học xuống cấp xưa kia đã được làm mới, thoáng mát sạch sẽ. Bàn ghế, đèn quạt cũng được trang bị lại, phục vụ cho việc dạy và học tốt hơn rất nhiều.

Hiện tại, trong ấp có hơn 200 em theo học chữ Chăm. Ngoài thầy To Hiết dạy chính, còn có sư cả Chàm Sệt phụ dạy để hỗ trợ cho thầy. Dù chuẩn bị bước vào cái tuổi tri thiên mệnh, sức khoẻ yếu, nhưng mỗi khi tôi ghé thăm, thầy To Hiết vẫn hết sức lạc quan.

Thầy luôn yêu cái nghề dạy học như yêu chính cuộc đời này. Thầy không bao giờ nửa lời than vãn về sự khó khăn kinh tế, dù vợ thầy mỗi ngày phải đi làm thuê làm mướn, chắt mót từng đồng từ cái quán bé nhỏ để nuôi con và cháu ngoại.

Có thể nói, Thầy To Hiết là tấm gương sáng trong cộng đồng người Chăm - người gieo chữ thầm lặng.

Ð.T.S

Tin cùng chuyên mục