Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người “giữ lửa” nghề làm bánh cổ truyền của dân tộc Giáy (Lai Châu)
Chủ nhật: 12:00 ngày 08/11/2015

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Đến với Lai Châu, du khách sẽ được giới thiệu tới thăm xã San Thàng (thành phố Lai Châu) - nơi có những món bánh cổ truyền độc đáo, thơm ngon như bánh bỏng, bánh dẻo, bánh cắt, bánh trắng, bánh tẻ, bánh dày, bánh bò… của đồng bào dân tộc Giáy.


Một mẻ bánh bỏng vừa hoàn thiện được cắt thành từng miếng. (Ảnh: Nguyễn Duy/TTXVN)

Đây là những loại bánh cổ truyền mà trước đây người dân tộc Giáy chỉ làm vào dịp lễ tết, nhưng giờ đây lại trở thành nghề nuôi sống nhiều gia đình.

Bà Vùi Thị Liếng, ở bản San Thàng 1, chia sẻ, bà bắt đầu kinh doanh các loại bánh cổ truyền từ năm 22 tuổi với một gian hàng nhỏ ở chợ. Đến nay, bà đã có gần 40 năm gắn bó với nghề làm bánh. Mỗi phiên chợ bà đều đặn làm các mẻ bánh thơm ngon bán cho người dân và du khách.

Với bà Liếng, làm bánh bán không chỉ để trang trải chi phí sinh hoạt mà đã thành thói quen. Mỗi tuần, riêng loại bánh bỏng ít nhất bà phải làm một mẻ 6 cân gạo nếp, còn lại là bánh trắng, bánh cắt, bánh phở, bánh khảo… Có đến hơn chục loại bánh được chế biến dưới đôi tay khéo léo của bà.

Để làm được một mẻ bánh bỏng, người thợ lành nghề phải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn đòi hỏi một sự khéo léo, am hiểu và kinh nghiệm đã được đúc kết qua nhiều năm.

Bà Liếng chia sẻ, gạo nếp phải là loại ngon, thường là nếp cái hoa vàng hạt tròn to được ngâm qua đêm cho nở đều. Sau khi ngâm xong, nếp được vớt ra để ráo nước rồi trộn đều với mỡ nước và đưa lên đồ.

Khi hạt nếp chín mềm sẽ đem phơi, giã mỏng như cốm rồi tiếp tục phơi cho đến khi khô giòn, sau đó đem rang lên cho đến khi nổ phồng. Đường trắng thì được đun cho tan chảy, tạo kết dính. Khi đường bắt đầu dẻo thì đổ gạo đã rang vào trộn đều rồi đưa lên khuôn ép, cắt thành những chiếc bánh bỏng.

Nhìn cách bà Liếng làm bánh cẩn thận, tỉ mỉ với quy trình chuyên nghiệp, mới hiểu mỗi phong bánh khi làm ra đều chứa cả cái tâm, cái tình của người làm.

Năm 2013, bà Liếng trở thành tổ trưởng của Tổ liên kết sản xuất bánh truyền thống dân tộc Giáy với 26 chị em ở hai bản San Thàng 1 và San Thàng 2. Đây là một tín hiệu vui để nghề làm bánh truyền thống của đồng bào dân tộc được bảo tồn, phát triển và nhiều người biết đến.

Với vai trò là tổ trưởng, bà luôn vận động chị em phụ nữ tham gia học nghề, làm nghề để giữ gìn nét văn hóa truyền thống vốn có. Để khuyến khích chị em trong tổ, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã tặng cho mỗi chị một chiếc máy xay bột.

“Có máy xay bột, chúng tôi tiết kiệm được nhiều thời gian so với khi phải sử dụng cối đá để xay bột. Đó không chỉ là món quà vật chất mà còn là món quà tinh thần, động viên chúng tôi gìn giữ nghề của dân tộc mình,” bà Liếng vui vẻ nói.

Rượu ngô truyền thống Sùng Phài của đồng bào Mông, lạp sườn, thịt sấy của đồng bào Thái… cùng với nghề làm bánh của đồng bào Giáy ở Lai Châu đã và đang mang lại lợi ích vật chất, ý nghĩa tinh thần cho đồng bào vùng cao.

Trong guồng quay của công nghệ hiện đại, những người tâm huyết như bà Liếng cùng thành viên của Tổ liên kết sản xuất bánh truyền thống dân tộc Giáy vẫn gìn giữ những nét đẹp dân tộc tồn tại qua thời gian./.

Nguồn TTXVN

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục