BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người góp phần duy trì nghề đan lát ở xã An Tịnh

Cập nhật ngày: 29/04/2013 - 05:58

(BTNO) - Đều đặn mỗi tuần, người dân các ấp An Khương, An Phú, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng lại thấy xuất hiện một chiếc máy cày gắn rờ-mooc chở đầy mê giỏ bội đan bằng trúc. Chiếc mày cày ấy là của vợ chồng ông Trà Văn Chôi, nhà ở xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi (TP. Hồ Chí Minh). Mỗi tuần, ông lại lên An Tịnh thu mua mê giỏ bội, mỗi lần trung bình khoảng 4.000 chiếc.

Ông Chôi bên chiếc máy cày gắn rơ-mooc chất đầy mê giỏ

Gia đình ông Chôi sống nghề mua bán giỏ bội đã lâu, từ khi Nhà nước còn cho phép lưu hành xe lôi máy, nay gia đình ông đã chuyển sang chạy máy cày gắn rờ-mooc. Ông Chôi biết ở các ấp An Khương, An Phú còn nhiều hộ sống bằng nghề đan lát. Các hộ này thiếu vốn mua nguyên liệu, vợ chồng ông Chôi bỏ nguyên liệu cho họ (cây trúc), rồi thu mua lại thành phẩm. Giá hiện nay (cuối tháng 4.2013) là 1.800 đồng một mê. Còn nếu người đan lát tự mua nguyên liệu về đan thì ông Chôi mua giá 3.500 đồng/mê. Thu mua về gia đình ông Chôi làm thêm công đoạn nữa là thuê người làm vành miệng mê (cặp thanh tre trên miệng mê giỏ) để có chiếc bội hoàn chỉnh. Sau đó sang bán cho một công ty xuất khẩu.

Ông Chôi cho biết thêm, hiện nay ông thu mua mê bội của hơn 20 hộ đan lát ở ấp An Khương, An Phú. Mỗi hộ ở đây mỗi ngày đan được từ 30-40 chiếc mê giỏ. Như vậy nếu hộ nào đan kiểu gia công (nhận nguyên liệu của ông Chôi) thì mỗi ngày cũng có thu nhập được khoảng 50.000 đồng. Mức thu nhập này tuy không cao, nhưng cũng giải quyết được phần nào lao động ở nông thôn, nhất là lao động cao tuổi và trẻ em, vừa đan lát vừa trông coi nhà cửa. Nhiều năm qua, vợ chồng ông Chôi đã góp phần đáng kể vào việc duy trì nghề thủ công tuyền thống ở xã An Tịnh.

NGỌC MY-NGỌC HÂN