Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
ĐÀO TẠO NGHỀ CHO BỘ ĐỘI XUẤT NGŨ:
Người học chưa mặn mà, người dạy không thiết tha
Thứ sáu: 00:12 ngày 04/10/2019

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Việc hỗ trợ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ là chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm giúp đỡ, tạo điều kiện để thanh niên có cơ hội việc làm và tạo thu nhập ổn định sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Đào tạo lái xe tại Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt.

Thẻ học nghề chưa được coi trọng

Hằng năm, số đăng ký học nghề chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so với số lượng bộ đội xuất ngũ trở về địa phương. Mỗi năm, Tây Ninh giao hơn 1.500 thanh niên cho quân đội, công an và cũng đón chừng đó quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương. Tuy nhiên, theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, từ năm 2015 - 2019, chỉ có hơn 1.600 bộ đội xuất ngũ trở về tham gia học nghề qua thẻ.

Tại các địa phương, mặc dù công tác tư vấn học nghề, định hướng nghề nghiệp cho quân nhân sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự được triển khai đồng bộ nhưng số lượng tham gia học nghề vẫn còn hạn chế. Như tại huyện Tân Biên, từ đầu năm 2017 đến cuối tháng 7.2019, có 455 thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự nhưng chỉ có 176 thanh niên học nghề qua thẻ. Dù có nhiều chính sách hỗ trợ trong đào tạo nghề cho thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhưng lực lượng này vẫn chưa thực sự mặn mà với việc học nghề.

Theo quy định, bộ đội xuất ngũ học nghề ở trình độ sơ cấp được cấp thẻ học nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương tối thiểu. Nhà nước sẽ thanh toán chi phí đào tạo cho cơ sở dạy nghề. Ngoài việc được hỗ trợ một khoản kinh phí từ thẻ học nghề, bộ đội xuất ngũ được hưởng chế độ tiền ăn, xăng xe nếu ở xa…

Vấn đề là ở chỗ, nhiều thanh niên sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, cầm trên tay tấm thẻ học nghề… lại bỏ phí. Một phần vì chưa thực sự coi trọng giá trị của tấm thẻ này với tâm lý chung là vẫn chưa chuộng học nghề, phần vì đã có định hướng sẽ xin vào làm công nhân tại xí nghiệp.

Bên cạnh đó, việc đào tạo nghề qua thẻ tại địa phương vẫn còn nhiều hạn chế, chưa phong phú để các bạn có thể lựa chọn theo nhu cầu, nên hơn 90% bộ đội xuất ngũ tham gia học nghề qua thẻ đều lựa chọn học lái xe. Đồng thời, hạn sử dụng của thẻ chỉ gói gọn trong vòng 12 tháng, bộ đội xuất ngũ chỉ có thể tham gia các lớp đào tạo nghề sơ cấp, nếu tham gia các lớp dài hạn, chi phí vượt quá giá trị tối đa của thẻ, các bạn phải tự chi trả phần chênh lệch.

Nguyễn Phú (sinh năm 1994, ngụ xã Thanh Điền, huyện Châu Thành) vừa mới xuất ngũ trong năm 2019 chia sẻ, lúc ra quân bạn cũng nhận được thẻ học nghề và quyết định đăng ký học sửa chữa điện lạnh tại Trung tâm Đào tạo nghề Việt Đức (cơ sở 2, quận 9, TP. Hồ Chí Minh), nhưng cuối cùng lại bỏ dở. “Dù được hỗ trợ một phần chi phí ăn, đi lại nhưng vẫn còn nhiều khoản tốn kém khi học nghề xa nhà, cầm tấm bằng nghề chưa chắc đã tìm được công việc ổn định nên tôi quyết định không học, lựa chọn một công việc khác phù hợp với kinh tế gia đình hơn” - Phú bộc bạch.

Hầu hết bộ đội xuất ngũ trở về địa phương đều trong tuổi lao động. Các em đã trải qua môi trường quân ngũ, được rèn luyện, học tập nên ý thức kỷ luật, phẩm chất đạo đức tốt, nếu được đào tạo nghề bài bản sẽ là nguồn nhân lực rất tốt. Tuy nhiên, việc đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ vẫn còn nhiều hạn chế nên về cơ bản vẫn chưa tận dụng được hết tiềm năng của nguồn nhân lực này.

Còn nhiều bất cập

Theo quy định, đối với bộ đội xuất ngũ khi có thẻ học nghề chỉ cần làm thủ tục đăng ký học sẽ không tốn bất kỳ khoản chi phí nào. Thế nhưng, bắt đầu từ cuối năm 2015, việc thay đổi đơn vị quản lý thực hiện chính sách đào tạo nghề (theo đó Bộ Quốc phòng chỉ chịu trách nhiệm quyết toán đối với những trường đào tạo nghề trong quân đội, các trường dạy nghề ngoài quân đội sẽ do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phụ trách) dẫn đến tình trạng chậm quyết toán kinh phí gây khó khăn trong công tác dạy và học nghề của bộ đội xuất ngũ.

Hiện tại, các khoản phí học nghề của bộ đội xuất ngũ tại các cơ sở đào tạo nghề tính từ cuối năm 2015 đến 2017 chỉ mới được quyết toán trong năm vừa qua, năm 2018 vẫn chưa được giải quyết.

Ông Trần Quốc Đạt- Giám đốc Trung tâm dạy nghề lái xe Thành Đạt cho biết, số tiền học phí của bộ đội xuất ngũ tại trung tâm trong năm 2018 là hơn 700 triệu đồng đến nay vẫn chưa được quyết toán. Những năm gần đây do quyết toán chậm và kéo dài, nên trung tâm phải thu trước học phí của các học viên để trang trải các khoản chi phí như lương giáo viên, nhiên liệu… Sau khi được cơ quan chức năng quyết toán, trung tâm sẽ hoàn trả đầy đủ lại cho học viên.

Ông Đạt cho biết thêm, khung học phí dành cho bộ đội xuất ngũ thấp hơn trung bình từ 3-4 triệu đồng so với học viên khác. Dù số người học tại trung tâm luôn trong tình trạng quá tải nhưng trung tâm cố gắng ưu tiên nhận hồ sơ bộ đội xuất ngũ. “Hỗ trợ mỗi năm vài chục suất thì được, chứ nhiều hơn chúng tôi không kham nổi vì chi phí đào tạo lớn”- ông Đạt nói.

Còn tại Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh, năm 2018, nguồn kinh phí đào tạo nghề cho 99 học viên là bộ đội xuất ngũ vẫn chưa được quyết toán. Việc chậm kinh phí ảnh hưởng đến hoạt động Trung tâm do là đơn vị tự thu - tự chi. Trung tâm vẫn luôn ưu tiên tiếp nhận hồ sơ đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ và thực hiện đúng chủ trương không nhận trước bất kỳ khoản chi phí nào, nhưng do bị hạn chế về lưu lượng đào tạo lái xe ô tô, ngoài ra còn phải ưu tiên giải quyết hồ sơ đào tạo nghề thuộc bảo hiểm thất nghiệp nên khi một số bộ đội xuất ngũ đến đăng ký học trễ, phải hẹn chờ những khoá tiếp theo.

Cùng với việc quyết toán kinh phí chậm, Trung tâm còn gặp nhiều khó khăn về việc giải quyết trường hợp những hồ sơ của bộ đội xuất ngũ đã đăng ký nhưng bỏ học. Bà Nguyễn Thị Trang- Trưởng Phòng Đào tạo nghề của Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh cho biết: “Danh sách đăng ký học lái xe sau khi gửi lên Sở Giao thông - Vận tải không thể thay đổi được, nên khi bộ đội xuất ngũ đăng ký mà bỏ học, xem như chúng tôi phải chịu mất khoản thu này”.

Do miễn phí nên một số học viên là bộ đội xuất ngũ vẫn có tư tưởng thích thì học, chán thì nghỉ ngang. Theo quy định, cơ sở giáo dục nghề nghiệp có thể lập biên bản và được quyết toán chi phí tính từ thời điểm khai giảng đến ngày thanh niên đó thôi học, nhưng trên thực tế, những khoản này rất khó để quyết toán.

Một thực trạng khác, vẫn có tình trạng một số quân nhân sau khi được cấp thẻ học nghề miễn phí đã bán lại cho các tổ chức, cá nhân chuyên đi thu mua loại thẻ này để bán lại kiếm lời. P.D- sinh năm 1997, ngụ huyện Gò Dầu cho biết, lúc xuất ngũ bạn cũng được cấp thẻ học nghề và được một người hỏi mua lại. Chàng trai này nói: “Do em vẫn chưa quyết định được học nghề gì nên khi được ngỏ ý hỏi mua, em đã bán lại thẻ này với giá 900 ngàn đồng, vì nghĩ nếu không học thì đến cuối năm thẻ này cũng sẽ hết hạn”.

Trên mạng xã hội cũng có một tài khoản facebook chuyên thu mua thẻ học nghề của bộ đội xuất ngũ qua mạng. Khi trao đổi, tài khoản này đồng ý mua lại thẻ học nghề với giá 1 triệu đồng, yêu cầu phải gửi kèm giấy xuất ngũ bản gốc, hình 3x4, chứng minh nhân dân phô-tô công chứng và sổ hộ khẩu phô-tô. Toàn bộ hồ sơ trên sau khi gửi về một địa chỉ tại quận 12, TP. Hồ Chí Minh, người bán sẽ được nhận được tiền thanh toán qua bưu điện. Tài khoản này còn cung cấp một số hình ảnh để chứng minh có không ít bộ đội xuất ngũ tại địa phương cũng đã bán thẻ học nghề.

Có thể nói, việc quyết toán vừa chậm vừa khó, kinh phí đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ lại thấp hơn so với mặt bằng chung nên hầu như các cơ sở đào tạo nghề đều “nản”. Người học đã không mặn mà, người dạy cũng chẳng thiết tha nên đào tạo nghề cho bộ đội xuất ngũ hiện nay vẫn chưa đạt được như đúng kỳ vọng, chưa thực sự trở thành “cần câu” đối với những thanh niên đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Hoà Khang

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh