BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người lạ gọi điện bằng số lạ tự xưng nhân viên bảo hiểm… cần đề cao cảnh giác 

Cập nhật ngày: 05/03/2022 - 10:52

BTNO - Trong quá trình tham gia bảo hiểm, khách hàng có thắc mắc gì thì nên gọi điện vào số của tổng đài công ty để được hướng dẫn. Tốt hơn, khách hàng nên trực tiếp đến làm việc với nhân viên của công ty bảo hiểm liên quan. Khách hàng tuyệt đối không nên thực hiện theo lời nói qua số điện thoại lạ trong khi chưa biết rõ người đang nói chuyện với mình là ai; luôn cả những tin nhắn có đầu số hoặc nickname lạ cũng cần phải đề cao cảnh giác. Đó là khuyến cáo của ông Nguyễn Văn Phúc– Trưởng Phòng Bảo hiểm số 1 - Công ty Bảo Việt Tây Ninh.

Bà H tham gia bảo hiểm phi nhân thọ tại Công ty Bảo Việt Tây Ninh (407, đường 30.4, thành phố Tây Ninh) với hợp đồng được chi trả tối đa là 20 triệu đồng trong trường hợp nếu có tử vong. Riêng đối với trường hợp bệnh tật thì được chi trả theo trợ cấp ngày nằm viện nhưng cũng không thể vượt quá số tiền trên.

Vừa qua, bà H có đi khám bệnh tại Bệnh viện Từ Dũ. Sau khi ra viện, bà H được Công ty Bảo Việt Tây Ninh chi trả số tiền bảo hiểm 460.000 đồng. Ngày 1.3.2022, có một người tự xưng là Lê Quỳnh Như, nhân viên của Công ty bảo hiểm Bảo Việt tại thành phố Đà Nẵng, người này dùng điện thoại có đầu số +1 (842) 363-711 gọi điện đến bà H “hoạnh hoẹ” đủ điều.

Người tự xưng tên Lê Quỳnh Như trao đổi qua điện thoại với bà H bằng giọng điệu áp đặt, “bề trên”: “… Luật sư kết hợp với bên phía công an và ngân hàng khấu trừ số tiền của chị (tức đang nói bà H) là 39.850.000 đồng vào những tài khoản đăng ký dấu vân của chị, tại sao đến hôm nay chị vẫn chưa đến công ty em để xử lý?...”.

Khi nghe người tên Như nói đến số tiền vượt hạn mức so với gói hợp đồng mà bà H đang tham gia tại Công ty Bảo Việt Tây Ninh, bà H nghi ngờ đây là đối tượng lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản. Bà H bình tĩnh trả lời: “Cuộc gọi qua đường truyền internet của chị đang được tôi ghi nhận, trụ sở công ty của chị gần với cơ quan tôi, chị muốn làm việc với tôi về nội dung gì thì đề nghị chị cử người đại diện phía công ty qua gặp tôi…”.

Người tên Như tỏ thái độ như làm theo nguyên tắc: “Em chỉ là nhân viên gọi điện thông báo đến khách hàng về sự việc đã xảy ra ở đây. Nếu như chị không muốn nghe hay nghi ngờ em lừa đảo thì chị có quyền tắt máy hoặc không nghe máy. Em chỉ là nhân viên có trách nhiệm thông báo để chị biết về sự cố, em không có thẩm quyền giải quyết…”.

Do bà H bận việc nên sớm kết thúc cuộc gọi. Thực tế, bà H không phải là trường hợp duy nhất bị người lạ gọi điện đến bằng điện thoại IP (còn gọi là điện thoại VOIP, sử dụng trên nền mạng LAN/MAN/WAN hay mạng internet) với nội dung tương tự như trên. Anh L, ngụ tại xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu cũng từng bị một người giọng nữ gọi điện đến bằng điện thoại IP với cách nói chuyện kiểu “bề trên” như vậy.

Rất may, cuộc trao đổi giữa anh L và người đó đã dừng lại đúng lúc. Theo anh L kể, người lạ nói chuyện qua số điện thoại lạ toàn cao giọng áp đặt, ra lệnh. Người này liên tục “lôi” luật sư, công an, cán bộ ngân hàng, cán bộ viện kiểm sát vào câu chuyện với nội dung “phủ đầu” y như rằng anh L có liên quan đến một vụ làm hồ sơ giả để chiếm đoạt tiền bảo hiểm, nhằm chụp tinh thần người nghe phía đầu dây bên kia.

Đến đoạn, người lạ bắt đầu xuống giọng như thông cảm, đưa ra lý do trụ sở công ty ở xa nên anh L có thể khắc phục hậu quả bằng cách chuyển khoản, hoặc cung cấp mã số tài khoản, mật khẩu, thực hiện theo hướng dẫn… thì anh L sinh nghi nên tắt máy điện thoại.

Sau đó, người này còn liên tục gọi điện lại cho anh L nhưng anh không bắt máy. Thậm chí, anh L tiếp tục nhận được nhiều cuộc gọi từ số điện thoại IP khác nhưng anh vẫn kiên quyết không bắt máy. Cuối cùng, anh L đành bấm chặn từ chối tất cả các cuộc gọi bằng số lạ mới hết bị làm phiền.

Vấn đề khó giải thích ở đây là tại sao các thông tin cá nhân của người bị gọi điện như họ tên, số điện thoại, hợp đồng tham gia bảo hiểm ở công ty nào, ngụ ở đâu, đang sử dụng tài khoản thuộc ngân hàng nào… thì người chủ động gọi điện đến đều biết. Trường hợp nếu người bị gọi điện ít am hiểu về pháp luật, sợ liên quan đến vi phạm pháp luật, không kịp thời có hướng xử lý tình huống bất ngờ như trên thì nhiều khả năng sẽ bị “sập bẫy” kẻ gian.

Ông Nguyễn Văn Phúc– Trưởng Phòng Bảo hiểm số 1- Công ty Bảo Việt Tây Ninh cho biết, kể cả một số nhân viên của công ty cũng bị gọi điện kiểu tương tự như trên. Công ty Bảo Việt Tây Ninh luôn tuân thủ bảo mật thông tin cho khách hàng. Cụ thể như trường hợp của bà H, công ty đã thực hiện giám định hồ sơ bằng hình thức trực tiếp, chi trả tiền bảo hiểm trực tiếp, hồ sơ lưu trữ trên máy tính văn phòng bình thường không liên quan đến đường truyền mạng.

Ông Phúc chia sẻ thêm, kể cả sau khi được nhân viên tư vấn xong, khách hàng muốn ký mới hợp đồng bảo hiểm cũng phải thực hiện khâu xác thực bằng mã OTP của Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt gửi qua tin nhắn SMS vào số điện thoại của khách hàng.

Do đó, các thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm của đôi bên đều được bảo mật. Về lý do vì sao người gọi điện cho bà H biết bà có hợp đồng bảo hiểm tại Công ty Bảo Việt thì ông Phúc không biết, có thể thông tin bị “rò rỉ” từ nguồn khác.

Ông Phúc khuyến cáo, trong quá trình tham gia bảo hiểm, khách hàng có thắc mắc gì thì nên gọi vào số điện thoại tổng đài của Tổng Công ty bảo hiểm Bảo Việt (ĐT: 1900558899), từ đó nhân viên sẽ giải đáp hoặc chuyển thông tin đến công ty trực thuộc gần nơi khách hàng để được giải quyết.

Tốt nhất, khách hàng nên trực tiếp đến trụ sở của công ty bảo hiểm liên quan gần nhất để được hướng dẫn, xử lý. Khách hàng tuyệt đối không nên thực hiện theo lời nói qua số điện thoại lạ trong khi chưa biết rõ người đang nói chuyện với mình là ai; luôn cả những tin nhắn có đầu số hoặc nickname lạ cũng cần phải đề cao cảnh giác.

Người tự xưng tên Lê Quỳnh Như nhân viên bảo hiểm đã dùng số điện thoại này để gọi đến bà H “hoạnh hoẹ” đủ điều.

Quốc Sơn