Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Người làm báo nóng lòng chờ cơ chế lương mới
Thứ ba: 09:05 ngày 25/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Sắp tới ngày 1.7, hàng chục triệu viên chức, công chức, cán bộ trong khu vực công đón tin vui tăng lương cơ sở, nhưng với những người làm báo thì niềm vui chưa trọn vẹn khi cơ chế lương mới vẫn chưa được ban hành.

Thu nhập ngày càng teo tóp

Chị T.H, phóng viên đã làm việc gần 20 năm ở một tờ báo tại TP.HCM, cho biết hệ số lương ngạch bậc của chị hiện là 4,32, tiền lương nhận được mỗi tháng gần 7,8 triệu đồng. Tiền nhuận bút thì ngày càng thấp do kinh tế khó khăn, doanh thu của báo sụt giảm nên mọi khoản chi đều phải giảm theo. "Nghề báo có nhiều khoản đầu tư, chi phí hết sức đặc thù như bắt buộc phải có máy tính cá nhân, máy ảnh phục vụ công việc. Hay chi phí đi lại, xăng xe, tiền gửi xe... là một khoản không nhỏ vì hầu như ngày nào cũng chạy vài nơi lấy tin, phỏng vấn, gặp gỡ... Gom vào cả tháng có khi hết cả lương cũng chi chưa đủ. Mấy năm nay người làm báo càng khó khăn hơn. Chỉ tính từ đầu năm tới nay, cơ quan tôi có tới hơn 20 người xin nghỉ việc vì thu nhập quá thấp", chị T.H thở dài.

Kế toán trưởng một đơn vị báo chí sự nghiệp có thu tại TP.HCM cho biết, với mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng, một người làm 27 năm, có hệ số lương làm việc cao nhất 4,98 thì tiền lương nhận được mỗi tháng là 8,9 triệu đồng. Còn đối với những người mới ra trường đi làm có hệ số lương 2,34 thì tiền lương là 4,2 triệu đồng/tháng. Từ ngày 1.7 tới đây, mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng, người lao động làm việc 27 năm thì lương lên được 11,6 triệu đồng/tháng (cao hơn mức giảm trừ gia cảnh tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 600.000 đồng/tháng), còn người mới đi làm tăng lương lên được 5,4 triệu đồng/tháng. "Với mức lương khá thấp như vậy, những đơn vị báo chí sự nghiệp có thu sẽ không thể nào thu hút được phóng viên, nhà báo giỏi làm việc, không cạnh tranh được với những đơn vị khác", vị này lo lắng.

Phóng viên Ngọc Dương (Báo Thanh Niên) tác nghiệp trong đợt mưa lũ tại miền Trung năm 2020. Trung Dung

Theo vị này, thu nhập của nhiều nhà báo giảm sốc trong hơn 1 năm qua do các cơ quan báo chí (CQBC) phải điều chỉnh mức lương chi trả cho người lao động khi Bộ Tài chính bãi bỏ Thông tư 150/2010 (Thông tư 150) với quy định: "Chi phí tiền lương tính vào chi phí hợp lý khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của báo là số tiền lương báo thực trả cho người lao động, có chứng từ hợp lệ, hợp pháp". Từ đó đến nay, các CQBC chỉ được phép thực hiện lương theo ngạch bậc nhà nước, áp dụng theo Nghị định 60/2021 dù nhiều CQBC tự chủ về tài chính, thực hiện nộp thuế như DN. 

Trước khi bãi bỏ Thông tư 150, lương của một phóng viên trung bình sẽ khoảng 15 triệu đồng/tháng, trong đó lương theo ngạch bậc là hơn 7 triệu đồng, còn lại là thu nhập theo năng suất mà cơ quan chi trả để khuyến khích phóng viên, nhà báo tác nghiệp. Sau khi bãi bỏ Thông tư 150, cán bộ nhân viên của các cơ quan báo chí cũng đóng thuế TNCN đầy đủ nhưng phần lương thực nhận lúc này chỉ còn hơn 7 triệu đồng, cộng thêm thu nhập chi trả ngoài giờ thì cũng chỉ lên hơn 8 triệu đồng/tháng. "Thu nhập giảm mạnh khiến nhiều người lao động nản lòng, năng suất sụt giảm và thậm chí nhiều người đã xin nghỉ việc, chuyển đổi sang lĩnh vực khác…", vị này nói.

Lãnh đạo một số tờ báo lớn thừa nhận, suốt thời gian qua phải động viên anh em trong cơ quan chờ đến 1.7 có cơ chế lương mới để cải thiện thu nhập cho người làm báo. Tuy nhiên đến thời điểm này chế độ tiền lương vẫn chưa được ban hành, do đó các CQBC tiếp tục phải chờ và đội ngũ người làm báo chưa biết khi nào mới yên tâm với công việc.

Kiến nghị cho tính lương theo thực tế

Sau kiến nghị của một số CQBC, vào đầu tháng 9.2023, Bộ Tài chính đã có văn bản giải thích về việc bãi bỏ Thông tư 150 hướng dẫn về thuế GTGT và thuế TNDN đối với các CQBC, gây khó khăn cho CQBC. Đồng thời, Bộ Tài chính cho biết, về quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có các CQBC - PV), ngày 21.6.2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 60, quy định kể từ thời điểm thực hiện chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương thì đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (nhóm 1) và đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (nhóm 2) được trả lương theo kết quả hoạt động như DN.

Tuy nhiên đến nay, Chính phủ đã có một số thay đổi về cải cách tiền lương từ ngày 1.7, nhưng riêng với các CQBC thì chưa có hướng dẫn nào về chế độ tiền lương mới theo nội dung Nghị quyết 27/2018. Do đó các CQBC vẫn tiếp tục chờ trong bối cảnh khó khăn bủa vây, thu nhập không đủ để trang trải đời sống.

Vì vậy, trong khi chờ đợi có hướng dẫn thực hiện quy chế tiền lương theo Nghị quyết 27/2018, các CQBC đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định, cho phép các CQBC được quyết định mức chi phí tiền lương bổ sung cho viên chức và người lao động ngoài mức tiền lương cơ bản theo ngạch bậc, phụ cấp chức vụ; chi phí tiền lương tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN của đơn vị là số tiền lương thực trả (bao gồm lương ngạch bậc, phụ cấp chức vụ và lương bổ sung) cho viên chức và người lao động liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh; có đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp và không có nguồn kinh phí khác đài thọ. Việc xác định mức chi phí tiền lương cho viên chức, người lao động tại đơn vị phải gắn với số lượng, chất lượng, hiệu quả công tác và theo quy chế chi tiêu nội bộ.

Ông Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, cho rằng Nghị định 60/2021 chỉ nên áp dụng cho các đơn vị sự nghiệp hưởng lương ngân sách. Đối với loại hình báo chí sự nghiệp tự chủ, không hưởng tiền ngân sách thì cần cho phép chế độ lương như DN. "Ở đây CQBC "lưỡng tính", vừa là đơn vị sự nghiệp vừa là DN khi thực hiện chế độ kế toán. Điều đó có nghĩa báo chí đóng thuế TNDN nhưng tính tiền lương thì là cơ chế sự nghiệp. Các CQBC sự nghiệp có thu tính chế độ lương theo nhà nước ở mức thấp nên phần thuế TNDN phải đóng sẽ tăng lên. Nguyên tắc là khi đóng thuế TNDN, mọi chi phí hợp lý hợp lệ phải được ghi nhận trừ ra trước khi xác định thu nhập chịu thuế. Thế nhưng do chi phí lương tính theo lương nhà nước, thay vì được tính theo lương thực trả trên năng suất khiến cho thu nhập của nhà báo sụt giảm. Vì vậy, cần cho phép CQBC được tính lương theo cơ chế như DN. Đừng lo CQBC chi lương cho cán bộ công nhân viên cao, vì lương cao thì họ sẽ đóng thuế TNCN cao", ông Tú nhấn mạnh.

Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, hoặc tự bảo đảm chi thường xuyên và các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước được thực hiện cơ chế tự chủ tiền lương theo kết quả hoạt động như DN. Đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên và đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thì áp dụng chế độ tiền lương như công chức. Tiền lương thực trả gắn với vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp viên chức do người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập quyết định trên cơ sở nguồn thu (từ ngân sách nhà nước cấp và từ nguồn thu của đơn vị), năng suất lao động, chất lượng công việc và hiệu quả công tác theo quy chế trả lương của đơn vị, không thấp hơn chế độ tiền lương do Nhà nước quy định.

(Nghị quyết số 27 ngày 21.5.2018 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong DN)

Nguồn TNO

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục