Kinh tế   Đời sống đô thị

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Người lao động cầm cố sổ bảo hiểm xã hội để vay nặng lãi 

Cập nhật ngày: 21/04/2018 - 08:10

BTN - Thời gian gần đây, có thêm một “tài sản” khác được mang ra thế chấp, đó là sổ bảo hiểm xã hội (BHXH). Ðây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của người lao động cũng như người nhận thế chấp, đồng thời có thể kéo theo nhiều hệ luỵ về an ninh trật tự xã hội.

Công nhân đang sản xuất (ảnh minh hoạ).

Anh N.T.Ð, công nhân làm việc tại KCN Thành Thành Công (xã An Hoà, huyện Trảng Bàng) cho biết, tình trạng cầm cố sổ BHXH mới xuất hiện từ khoảng cuối năm 2017.

Ða phần người nhận cầm cố sổ BHXH là cán bộ quản lý trong doanh nghiệp nơi người cầm cố làm việc. Do cần tiền nên anh Ð liên hệ với một người trong công ty để thế chấp sổ BHXH vay 20 triệu đồng, với mức lãi suất lên đến 10%/tháng.

Anh Ð cho biết thêm, bởi hầu hết công nhân không có tài sản để thế chấp nên khó có thể vay ngân hàng, chỉ còn sổ BHXH là có giá trị để thế chấp.

Chị N.T.T.Tr (26 tuổi, nhân viên một công ty tại KCN Trảng Bàng) cho biết, lúc chuẩn bị làm đám cưới, chồng chị (cũng làm công nhân) đã phải thế chấp cả thẻ ATM lẫn sổ BHXH được 30 triệu đồng. Theo chị Tr, cực chẳng đã mới phải vay với lãi suất 3 triệu đồng mỗi tháng (10%/tháng) và phải gần 2 năm nữa, vợ chồng chị mới trả hết cả nợ gốc vẫn lãi. Lúc đó, số lãi vợ chồng chị phải trả lên đến con số “khủng” so với món nợ gốc đã vay.

Ông Nguyễn Hữu Khuê, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh) cho biết, việc công nhân cầm cố sổ BHXH là quan hệ dân sự giữa người lao động và cá nhân, tổ chức nhận cầm cố nên Công đoàn và doanh nghiệp không thể can thiệp.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là người cầm cố phải chịu mức lãi suất cao, rất khó trả và có thể mất quyền lợi đối với việc cầm cố, thế chấp sổ BHXH.

Trong khi công nhân phải cầm cố do mức lương thấp, chưa đủ lo cho cuộc sống, chính sách tín dụng dành cho công nhân còn quá ít.

Ðứng ở góc độ người nhận cầm cố sổ BHXH cho nhiều công nhân, anh P.T.T, quản đốc tại một công ty trong Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III (ấp Suối Sâu, xã An Tịnh, huyện Trảng Bàng) cho hay, anh chỉ nhận sổ của người quen biết trong bộ phận mình quản lý, vừa kiếm thêm vài đồng lời vừa là... biện pháp giữ chân người lao động ở lại làm việc với doanh nghiệp (!?).

Theo ông Nguyễn Văn Huấn, Giám đốc BHXH Tây Ninh, thủ tục cấp lại sổ BHXH cho người lao động hết sức đơn giản. Người mất sổ chỉ việc làm đề nghị cấp lại sổ mới.

Cơ quan BHXH rà soát dữ liệu liên quan, nếu thấy hợp lý sẽ cấp lại chứ không cần phải thông qua doanh nghiệp sử dụng lao động. Về tình trạng người lao động mang sổ BHXH cầm cố với lãi suất cao, ông Huấn cho rằng đây là một hình thức của tín dụng đen, lợi dụng việc cầm cố tài sản, giấy tờ tuỳ thân của công nhân để cho vay nặng lãi.

Ông Giám đốc BHXH Tây Ninh cũng cảnh báo việc cầm cố sổ BHXH có thể phát sinh nhiều vấn đề pháp lý phức tạp, không những ảnh hưởng đến quyền lợi của các bên liên quan mà còn ảnh hưởng đến trật tự xã hội.

Việc cầm cố sổ BHXH có thể khiến các bên gặp những rủi ro nhất định. Pháp luật về BHXH không cho phép mua bán, chuyển nhượng sổ BHXH. Người nào tham gia BHXH thì người đó hoặc thân nhân của họ mới được hưởng quyền lợi liên quan.

Chẳng hạn, người lao động tham gia BHXH nếu gặp rủi ro (trong thời gian chưa hưởng BHXH một lần mà qua đời), người thân của họ sẽ được hưởng chế độ tuất, chứ người cầm cố sổ BHXH không được hưởng.

Mặt khác, việc nhận BHXH một lần có thể được người lao động uỷ quyền cho người khác, song người được uỷ quyền cũng chưa chắc được nhận, vì liên quan đến các thủ tục, nhất là trong trường hợp số sổ BHXH đó đã có người khác nhận BHXH một lần…

Do đó, tốt nhất là không nên cầm cố hoặc nhận cầm cố sổ BHXH để tránh các mâu thuẫn và các vấn đề pháp lý liên quan.

Theo ông Nguyễn Hữu Khuê, Phó trưởng Ban Chính sách pháp luật (Liên đoàn Lao động tỉnh), hiện Liên đoàn Lao động tỉnh đang quản lý hai nguồn vốn là quỹ quốc gia giải quyết việc làm và quỹ quốc gia xoá đói giảm nghèo dành cho người lao động.

Tuy nhiên, nguồn vốn quỹ còn hạn hẹp, mỗi năm chỉ được khoảng 200 triệu đồng cho một huyện, trong khi số lượng công nhân, người lao động có nhu cầu vay rất lớn. Mặt khác, để giải ngân được nguồn vốn này cần rất nhiều thủ tục, nhất là phải thành lập tổ uỷ thác vay vốn để xét duyệt.

Chuyện công nhân, người lao động thu nhập thấp phải cầm cố thẻ ATM, giấy tờ tuỳ thân và cả sổ BHXH để vay nóng với lãi suất “cắt cổ” như hiện nay đang tồn tại như một vấn nạn tại các KCN trong tỉnh.

Họ trở thành con mồi lý tưởng cho hoạt động “tín dụng đen”, thiết nghĩ, ngành chức năng cần có giải pháp ngăn ngừa hữu hiệu để bảo vệ quyền lợi cho công nhân.

Minh Dương


 
Liên kết hữu ích