Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người lao động muốn giảm tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH nói gì?
Thứ hai: 09:16 ngày 03/07/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Bộ LĐ-TB&XH khẳng định tuổi nghỉ hưu tăng lên 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam được Ban chấp hành Trung ương và Quốc hội bàn rất kỹ, lần sửa đổi Luật BHXH này chỉ kế thừa để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất…

Trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất các giải pháp nhằm giảm rút BHXH một lần như giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm, bổ sung bảo hiểm hưu trí xã hội… Tuy nhiên, nhiều người lao động (NLĐ) cho rằng bản chất vấn đề nằm ở tuổi nghỉ hưu nên đề nghị cơ quan soạn thảo giảm tuổi nghỉ hưu cho phù hợp.

Thời gian chờ hưởng lương hưu quá lâu!

Chị Nguyễn Thị Nhung (ngụ thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) cho rằng tuổi nghỉ hưu hiện nay quá cao, nên giảm xuống còn 55 tuổi với nữ và 60 tuổi với nam. Thực tế công nhân sản xuất trực tiếp thường phải tăng ca, thời gian đứng máy dài khiến sức khỏe giảm sút nhanh.

Công nhân một công ty may mặc đang lao động trong phân xưởng. Ảnh: QUANG HUY

“Người làm nghề may như tôi 40-50 tuổi mắt đã mờ, chân chậm. Nhiều người lớn tuổi thường xin nghỉ sớm hoặc bị người sử dụng lao động cho nghỉ do không đáp ứng được yêu cầu công việc. Khi đó chúng tôi rất dễ phải rút BHXH một lần vì không có tích lũy, cũng không biết trông chờ vào đâu. Còn nếu đợi hưởng lương hưu cũng phải mất 10-20 năm nữa, thời gian này quá dài…” - chị Nhung nói.

Cùng quan điểm, anh Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Phú Phong, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh) cho biết anh chấp nhận mức lương hưu thấp nhưng phải giảm tuổi nghỉ hưu. 20 năm đứng xưởng sản xuất, lắp ráp linh kiện ô tô, anh khẳng định công việc này chỉ duy trì thêm được tối đa 10 năm. Như vậy, 50 tuổi anh phải bỏ nghề. “Nếu cố gắng, tôi có thể tìm công việc khác làm thêm năm năm và đợi bảy năm nữa mới có lương hưu… Tôi mong cơ quan soạn thảo xem xét, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu” - anh Hùng đề nghị.

Mới đây, Ban Dân nguyện (Quốc hội) cũng gửi tới Chính phủ kiến nghị của cử tri 10 tỉnh/thành, đề nghị xem xét giảm tuổi nghỉ hưu xuống 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam cho công nhân lao động trực tiếp tại khu công nghiệp, người làm các công việc nặng nhọc, độc hại, giáo viên mầm non… Lý do là nhằm hạn chế rút BHXH một lần và NLĐ có cơ hội nhận lương hưu khi về già.

BLLĐ năm 2019 quy định tuổi nghỉ hưu của nữ tăng từ 55 tuổi lên 60 tuổi, lộ trình mỗi năm tăng thêm bốn tháng cho đến năm 2035; nam tăng từ 60 tuổi lên 62 tuổi, lộ trình mỗi năm tăng thêm ba tháng cho đến năm 2028.

Giữ nguyên quy định về tuổi nghỉ hưu

Theo Bộ LĐ-TB&XH, quá trình lấy ý kiến của người dân đối với Luật BHXH (sửa đổi), ngoài ý kiến giảm tuổi nghỉ hưu còn đề nghị tuổi hưởng lương hưu với giáo viên mầm non thấp hơn tối đa năm năm so với tuổi quy định. Bổ sung quy định NLĐ đóng BHXH 30 năm trở lên đối với nữ, 35 năm đối với nam mà có yêu cầu thì được hưởng lương hưu ở tuổi thấp hơn tối đa năm tuổi so với tuổi quy định…

Về tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH khẳng định giữ nguyên như dự thảo vì chế độ hưu trí nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hằng tháng cho NLĐ khi về già. Tại nhiều nước, khi xây dựng chế độ hưu trí đều quy định để được hưởng lương hưu hằng tháng, NLĐ phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH. “Quy định này đảm bảo sự hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ BHXH của NLĐ, từ đó đảm bảo an toàn và cân đối Quỹ BHXH trong dài hạn” - Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Cơ quan soạn thảo cho rằng vấn đề này trung ương đã thảo luận kỹ trong đề án cải cách chính sách BHXH tại Hội nghị lần thứ VII Ban chấp hành Trung ương khóa XII và thống nhất thông qua Nghị quyết 28/2018 về cải cách chính sách BHXH. Thể chế hóa chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết 28, Quốc hội thống nhất ban hành BLLĐ năm 2019, trong đó nội dung tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu được quy định tại Điều 169 và Điều 219.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng BLLĐ năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu được trao đổi, thảo luận và đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan. Chính vì vậy, BLLĐ năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của NLĐ không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.

“Quan điểm của chúng tôi trong lần sửa đổi Luật BHXH này là kế thừa từ quy định về tuổi nghỉ hưu của BLLĐ năm 2019 để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất…” - đại diện Bộ LĐ-TB&XH lý giải.•

Những NLĐ làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những NLĐ sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa năm tuổi hoặc 10 tuổi tùy trường hợp).

NLĐ có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá năm tuổi so với quy định tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Nguồn PLO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh