Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người lao động oằn mình với bão giá
Thứ năm: 23:57 ngày 30/06/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Có thể nói, xăng dầu chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí đầu vào để sản xuất hàng hoá. Vì thế, khi xăng dầu tăng giá đã gián tiếp khiến nhiều loại thực phẩm, hàng hoá đồng loạt tăng theo.

Tiểu thương kinh doanh thịt heo tại chợ phường 3, TP. Tây Ninh (ảnh minh họa)

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh trong năm 2021 gây ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt đời sống người dân. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu liên tục tăng cao. Hiện giá xăng RON 95 mức 33.000 đồng/lít, cao nhất từ trước đến nay, kéo theo giá cả hàng hoá thiết yếu đồng loạt tăng cao khiến cho nhiều người lao động phải tìm mọi cách để cắt giảm chi tiêu, tăng ca để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Hàng hoá thiết yếu đồng loạt tăng giá

Có thể nói, xăng dầu chiếm tỷ trọng khá lớn trong chi phí đầu vào để sản xuất hàng hoá. Vì thế, khi xăng dầu tăng giá đã gián tiếp khiến nhiều loại thực phẩm, hàng hoá đồng loạt tăng theo.

Ghi nhận của người viết tại một số chợ truyền thống trên địa bàn TP. Tây Ninh, thị xã Hoà Thành và huyện Gò Dầu cho thấy, từ đầu tháng 6 đến nay, nhiều loại rau củ, thực phẩm tăng giá từ 10% - 30% so với thời điểm cuối tháng 5.

Cụ thể, tại chợ Tây Ninh (phường 2) giá thịt heo ba chỉ tăng thêm 5.000 đồng lên 140.000 - 150.000 đồng/kg, giò heo tăng thêm 10.000 đồng lên 100.000 đồng/kg, các loại thịt nạc dăm, đùi giá cũng nhích thêm 5.000 đồng.

Cánh gà, đùi gà công nghiệp đã lên mức 60.000 đồng/kg, tăng 7.000 đồng so với tháng trước. Riêng gà ta, trước đây thường dao động quanh mức 100.000 đồng - 120.000 đồng/kg thì nay đã lên trên 140.000 đồng/kg. Tăng giá mạnh nhất là mặt hàng trứng gia cầm, hiện trứng gà ta lên đến 55.000 đồng/10 trứng, trứng gà công nghiệp lên 37.000 đồng/10 trứng.

Bên cạnh giá thịt heo, gia cầm, trứng gà tăng cao, giá các loại rau xanh cũng tăng khá nhanh. Các loại rau củ, hành lá, hành tây, cà chua, chanh, ớt bán lẻ tới tay người tiêu dùng đã tăng thêm 3.000-10.000 đồng/kg so với tháng 5.

Giá các loại rau muống, mồng tơi, cải... đều tăng 2.000-3.000 một bó lên 10.000 đồng. Riêng súp lơ, xà lách đang ở mức 40.000-50.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng so với tháng trước.

Không chỉ mặt hàng trứng gia cầm, rau xanh tăng giá mà mặt hàng dầu ăn, mì tôm, nước mắm cũng trong tình trạng tương tự. Theo ghi nhận tại chợ Gò Dầu, mặt hàng dầu ăn tăng 10% - 20% so với thời điểm đầu năm. Nếu như trước tết nguyên đán, giá 1 chai dầu Neptune loại 1 lít chỉ 50.000 đồng/chai, thì mặt hàng này hiện nay được bán với giá 60.000 đồng/chai, dầu Cái Lân từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/lít, dầu Mezan từ 45.000 đồng/lít lên 55.000 đồng/lít, dầu Simply từ 50.000 đồng/lít lên 60.000 đồng/lít.

Bà Huỳnh Thị Thu Phượng, tiểu thương kinh doanh mặt hàng thịt heo tại chợ Tây Ninh cho biết, giá xăng, dầu tăng cao là nguyên nhân đẩy giá cả nhiều loại hàng hoá tăng nhanh, giá thịt heo móc hàm tại lò mổ cũng tăng, cứ mỗi tuần giá thịt heo được điều chỉnh một lần theo chu kỳ tăng giá của xăng, dầu.

Còn theo một tiểu thương tại chợ Gò Dầu, chi phí vận chuyển tăng theo giá xăng, dầu, buộc người bán phải tăng giá bán để bù lại.

Giá xăng, dầu tăng, hàng loạt nguyên, vật liệu xây dựng khác như cát, đá, xi măng, gạch, sơn... cũng liên tục điều chỉnh tăng gây rất nhiều khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Qua khảo sát cho thấy, hiện giá xi măng tăng thêm 40.000-70.000 đồng/tấn lên 1.000.000 đồng - 1.200.000 đồng/tấn; gạch nung tăng khoảng 500 đồng/viên; cát xây tăng thêm 200.000 đồng/m3; sắt, thép cũng tăng 20% - 30% so với thời điểm đầu đầu năm.

Người lao động “thắt lưng, buộc bụng”

Giá xăng, dầu tăng cao đã kéo theo giá cả các mặt hàng thiết yếu leo thang, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều gia đình, đặc biệt là nhiều gia đình có thu nhập thấp và trung bình ngày càng “thắt lưng buộc bụng”, gánh nặng mưu sinh đang oằn trên vai. Nhiều gia đình đã phải tính đến việc cắt giảm chi tiêu hằng ngày.

Chị Lê Thị Thu Trang, công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Trảng Bàng cho biết, nơi làm việc của chị cách nhà hơn 10km, trước đây mỗi tuần chị chỉ tốn khoảng 100.000 đồng đổ đầy bình xăng để đi làm thì hiện nay chị phải tốn hơn 150.000 đồng. Theo chị Trang, giá xăng tăng khiến mọi chi phí sinh hoạt đều tăng, trong khi đồng lương vẫn vậy. Để tiết kiệm chi phí, hai vợ chồng chị phải chuyển qua ăn sáng bằng mì gói, đồng thời cắt giảm mọi khoản chi không cần thiết.

Cùng chung cảnh ngộ, với đồng lương công nhân ít ỏi, hai vợ chồng chị Ngô Thị Hạnh buộc phải cắt giảm mọi chi tiêu có thể để dồn lực lo cho hai con nhỏ. Chị Hạnh cho biết, chị làm nhân viên kế toán tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp Phước Đông, mức lương hành chính chỉ khoảng 6.000.000 đồng/tháng, chồng chị là công nhân sản xuất, tính cả tăng ca thì mỗi tháng cũng chỉ được khoảng 9.000.000 đồng. Trong khi đó, mỗi tháng, chi phí cố định cho sinh hoạt cho cả gia đình hết 10.000.000 đồng, gồm tiền nhà trọ, xăng xe, học phí cho hai con và sinh hoạt, ăn uống. Nên những tháng vừa qua, gia đình chị phải liên tục “thắt lưng, buộc bụng” vì giá cả hàng hoá tăng nhanh chóng mặt.

Còn theo chị Lê Thị Bích Hà, ngụ khu phố Thanh Hà, thị trấn Gò Dầu, chồng chị là công chức công tác tại một cơ quan ở huyện Gò Dầu, với đồng lương ít ỏi, chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng, nhưng phải trang trải chi phí sinh hoạt cho 4 miệng ăn trong gia đình khiến chị hết sức đau đầu.

Theo chị Hà, trước đây chị làm việc ở siêu thị, mỗi tháng thu nhập hơn 6.000.000 đồng nên gánh nặng chi phí sinh hoạt không đến nỗi nào, nhưng khoảng hơn 3 tháng nay, chị nghỉ hậu sản chăm sóc đứa con thứ hai nên mọi chi phí sinh hoạt chỉ trông vào đồng lương của chồng.

Trong khi giá cả mọi thứ đều tăng cao, mỗi khi ra chợ chị đều phải cân nhắc xem hôm nay mua gì. “Giá xăng tăng cao kéo theo giá hàng hoá, thực phẩm cũng nhích dần theo từng ngày khiến đời sống người dân đã khó càng thêm khó hơn”- chị Hà chia sẻ.

Anh Trần Văn Lý (nhân viên chuyển phát nhanh tại huyện Tân Châu) cho biết, giá xăng dầu liên tục tăng buộc anh phải tính toán lại quãng đường cho mỗi đơn hàng. Do tính chất công việc phải di chuyển liên tục để chuyển phát hàng nên mỗi ngày anh di chuyển không dưới 100km. Trung bình chi phí xăng xe khoảng 65.000 đồng/ngày, ước tính mỗi tháng anh phải chi thêm khoảng 800.000 đồng cho việc đổ xăng. Với giá xăng hiện nay, mỗi đơn hàng, người giao có khi không bù đắp đủ chi phí đổ xăng.

“Lúc trước, mỗi sáng trước khi đến chỗ nhận hàng, tôi cùng một số anh em thường ghé quán ăn sáng, uống cà phê nhưng với tình hình này, tôi chuyển sang ăn sáng tại nhà và mang cơm theo ăn trưa để tiết kiệm chi phí”, anh Kiệt- một shipper tại huyện Châu Thành chia sẻ.

Có thể nói, cơn “bão giá” đang "càn quét" đời sống người dân. “Bài toán” chi phí đang khiến nhiều người “đau đầu”, đặc biệt là đối với những đối tượng yếu thế trong xã hội.

Minh Dương

(Còn tiếp)

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục