Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid-19:
Người lao động rất trông chờ
Thứ sáu: 11:43 ngày 15/05/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thời gian qua, ngành chức năng đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì dịch bệnh Covid- 19. Đến nay, các đối tượng thuộc nhóm 5,6,7 đã được hỗ trợ, nhưng vẫn còn một số đối tượng thuộc nhóm 1,2,3,4 (thuộc khối doanh nghiệp) chưa được hưởng các chính sách này.

Xã Phước Trạch, huyện Gò Dầu cấp tiền hỗ trợ cho người dân. Ảnh: Trọng Cầu

Công nhân đợi

Thị xã Trảng Bàng là nơi có số lượng công nhân đông nhất tỉnh. Trước tình hình dịch Covid- 19 diễn biến phức tạp, nhiều công ty ở Khu công nghiệp Trảng Bàng tạm ngưng hoạt động. Đến nay, vẫn còn doanh nghiệp “đóng cửa”, khiến nhiều công nhân gặp không ít khó khăn.

Chị Trần Thị Thanh Tâm, quê ở TP.Hồ Chí Minh, chị mới thử việc, làm nhân viên văn phòng của một công ty chuyên ngành may ở KCN Trảng Bàng. Được 2 tháng thì công ty tạm ngưng hoạt động do dịch bệnh. Từ đó đến nay, chị thất nghiệp. Chồng chị làm công nhân may ở một công ty khác, hai người thuê phòng trọ ở khu phố An Phú, phường An Tịnh.

Chiều 12.5, chúng tôi đến thăm, chị kể, khi công ty ngừng hoạt động, chị không có thu nhập nào khác, mọi chi phí sinh hoạt đều dựa vào thu nhập của chồng, khoảng 5 triệu đồng/tháng, không đủ trang trải. Chồng chị đã “cắm” thẻ ATM cho người khác để vay tiền với lãi suất khá cao và hiện tại, hai vợ chồng đang thiếu nợ với số tiền khoảng 7 triệu đồng.

“Em nghe nói, trong thời gian nghỉ việc sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng, nhưng đến nay em chưa nhận được đồng nào. Em mong sớm nhận được số tiền này để giảm bớt khó khăn. Nếu không có tiền trả nợ, chắc sắp tới vợ chồng em phải bỏ việc, về quê chồng ở tỉnh Tiền Giang để trồng trọt, chăn nuôi” - chị Tâm nói.

Dù không đến nỗi thiếu nợ như chị Tâm, nhưng chị Nguyễn Ngọc Chói, 42 tuổi, ngụ khu phố Tân Lộc, phường Gia Lộc, thị trấn Trảng Bàng cũng đang khá chật vật. Là công nhân may của một công ty trong khu công nghiệp Trảng Bàng, từ ngày 23.4 đến nay, công ty cho chị tạm nghỉ việc vì dịch Covid- 19 làm ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất của công ty.

Trong thời gian tạm nghỉ, chị Chói được công ty hỗ trợ 2 triệu đồng và 1 thùng mì gói. Hoàn cảnh chị neo đơn, vì vậy số tiền ít ỏi và thùng mì nêu trên không đủ nuôi sống hai mẹ con. “Mấy ngày qua, em đi xin việc làm ở một số nơi tuyển công nhân làm việc, nhưng những cơ sở này đều từ chối.

Họ chỉ nhận những công nhân cam kết làm việc ổn định, lâu dài, chứ lao động vài tháng xin nghỉ thì mất công họ tốn chi phí đào tạo” - người phụ nữ này chia sẻ. Chị Chói bộc bạch, rất cần chế độ trợ cấp của Chính phủ, chính quyền địa phương nên sớm hướng dẫn những người được hưởng làm thủ tục nhận tiền hỗ trợ.

Tương tự, chị Huỳnh Lê Nhung, 38 tuổi, ngụ khu phố Hoà Bình 2, phường An Hoà, thị xã Trảng Bàng cũng đang lâm vào cảnh vô cùng khó khăn. 11 năm qua, chị làm công nhân may cho một công ty trong khu công nghiệp.

Hơn 3 tuần nay, do ảnh hưởng của dịch Covid- 19, công ty không có đơn hàng nên chị và nhiều công nhân khác được cho tạm nghỉ việc. Để giữ chân công nhân, lãnh đạo công ty hứa khi nào hoạt động trở lại sẽ trợ cấp mỗi người 2 triệu đồng. Chồng chị kiếm sống bằng nghề làm phụ hồ, công việc bấp bênh, ngày có, ngày không.

Vợ chồng chị còn phải chăm sóc mẹ chồng 80 tuổi, đang bệnh. Chị Nhung đã có hai đứa con, đang mang thai đứa thứ 3. “Thời gian qua em khó khăn quá, đang mang bầu nhưng không dám chi tiêu gì cả. Em mong Nhà nước hỗ trợ cho công nhân vượt qua giai đoạn khó khăn này” - chị Nhung nói.

Nói về việc hỗ trợ công nhân theo Nghị quyết 42 của Chính phủ, ông Hà Minh Dảo- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết: “Chúng tôi đang tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp và lập danh sách. Sau khi hoàn thành, chúng tôi sẽ gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét giải quyết”. Được biết, Trảng Bàng là một trong những địa phương thực hiện hỗ trợ sớm cho các đối tượng thuộc các nhóm 5, 6, 7 của Nghị quyết 42.

Lao động tự do chờ

Hiện còn nhiều đối tượng là lao động tự do cũng đang băn khoăn không biết có được hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ không, nếu được thì bao giờ nhận tiền?

Gia đình anh Đỗ Hữu Hiếu là một trong những trường hợp như thế. Anh Hiếu, 43 tuổi, quê ở Quảng Ngãi, tạm trú ở phường 1, TP. Tây Ninh. Hơn một năm qua, vợ chồng anh thuê một quán nhỏ ở phường 2, TP. Tây Ninh để bán bánh xèo. Trước khi xảy ra dịch Covid- 19, mỗi tháng, vợ chồng anh có thể kiếm lời từ 6 đến 7 triệu đồng.

Từ khi thực hiện giãn cách xã hội cho đến khi được nới lỏng, quán bánh xèo của anh chỉ còn khoảng 20% lượng khách so với trước đây. Thu nhập giảm sút, tiền thuê mặt bằng không giảm, kinh tế gia đình lâm vào tình trạng thiếu trước hụt sau. “Nghe thông tin những người buôn bán nhỏ như chúng tôi sẽ được hỗ trợ, nhưng đến nay chưa được địa phương tới thông báo, hướng dẫn gì cả” - anh Hiếu nói.

Những người kiếm sống bằng nghề lái taxi cũng trông ngóng chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Anh Võ Trung Hải, 37 tuổi, ngụ khu phố 2, phường 3, TP. Tây Ninh kể, anh lái xe không có tiền lương chỉ hưởng 50% tiền doanh thu. Trong tháng 4 vừa qua, Sở Giao thông Vận tải thông báo tạm dừng hoạt động tất cả các loại hình vận tải hành khách; và mới cho hoạt động lại những ngày gần đây.

Nghỉ cả tháng không chạy xe, khiến anh Hải không có tiền nuôi vợ con, cả gia đình anh phải dắt díu về nhà cha mẹ ruột nương nhờ. Anh Hải đề nghị: “Nếu tài xế thuộc nhóm được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ thì chính quyền địa phương hoặc ngành chức năng sớm thông tin và hướng dẫn cho chúng tôi”.

Anh Nguyễn Tấn Tài, 38 tuổi, ngụ khu phố 4, phường IV, TP. Tây Ninh làm nghề thợ xây 21 năm nay. Những ngày giãn cách xã hội vừa qua, anh thất nghiệp, chỉ được nhà thầu hỗ trợ 500 ngàn đồng. Hiện nay, anh đã trở lại làm việc. Anh thắc mắc về trường hợp của mẹ anh là bà Võ Thị Quỳnh Nga, 65 tuổi, buôn bán hàng “lạc xoong” dạo ở chợ.

Trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, bà chấp hành chủ trương chung, không ra đường buôn bán. Thời gian này, Tổ trưởng Tổ tự quản có đến nhà đưa cho tờ khai và bảo khai báo theo nội dung trong giấy, nhưng sau đem trả lại tờ khai và không giải thích lý do. Đến nay, mẹ của anh chưa nhận được đồng nào và cũng không biết có được hưởng chế độ hỗ trợ hay không?

“Đọc thông tin trên mạng internet về các biện pháp hỗ trợ người dân, tôi biết mẹ tôi cũng thuộc nhóm hỗ trợ, nhưng không hiểu vì sao đến nay vẫn chưa được hỗ trợ? Vì vậy, tôi không hỏi về trường hợp của tôi. Thà đi kiếm việc làm, đỡ mất thời gian làm thủ tục rắc rối” - anh Tài tâm tư.

Anh Võ Trung Hải làm nghề tài xế taxi lo lắng: “không biết mình có được hưởng trợ cấp không?”

Tiếp tục rà soát các đối tượng được hỗ trợ

Về các nhóm đối tượng lao động vừa nêu, lãnh đạo UBND TP. Tây Ninh cho biết: “Đây là nhóm đối tượng theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 Chương II của Nghị quyết số 42. Thành phố đã có văn bản yêu cầu UBND phường, xã rà soát, lập danh sách đề nghị xem xét, hỗ trợ trình UBND Thành phố trước ngày 14.5.2020.

Phòng LĐ-TB&XH sẽ kiểm tra, rà soát, đối chiếu và tham mưu UBND Thành phố trình, xin ý kiến của tỉnh trước ngày 20.5.2020. Sau khi có danh sách phê duyệt của Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, UBND Thành phố sẽ cấp kinh phí cho UBND phường, xã để chi trả trong vòng 3 ngày”.

Theo UBND Thành phố, do chính sách triển khai nhanh nên cũng có một số nội dung chưa được hướng dẫn. Thời gian gấp rút, đội ngũ công chức- nhất là cấp xã, phải chịu áp lực khá lớn trong việc rà soát, lập danh sách, xét duyệt, đề nghị hỗ trợ và hiện nay phải tập trung cho công tác chi trả, nên phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện.

Vấn đề này, bà Trần Thị Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết thêm: “Đến ngày 14.5, tỉnh ta đã có 51.027 người thuộc các nhóm đối tượng người có công, người thuộc diện bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được được chi hỗ trợ với tổng kinh phí trên 68 tỷ đồng.

Các nhóm đối tượng còn lại đang được các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương rà soát, trình phê duyệt trước ngày 20.5. Qua thực tế triển khai ở các địa phương, có một số vướng mắc, trong đó có trường hợp mỗi địa phương hiểu Nghị quyết 42 theo cách khác nhau.

Đây là gói hỗ trợ an sinh lớn nhất từ trước tới nay, nên khó khăn là không tránh khỏi. Chúng tôi đang tập trung, và thực tế là đã có những văn bản hướng dẫn tháo gỡ, để người dân nhanh chóng được hưởng chính sách đậm tính nhân văn này ”.

Đại Dương

 

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh