Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Tập hồi ký “Trên nẻo đường quê hương của người lính Bác Hồ Đặng Văn Thượng” không đơn thuần là hồi ký. Đây còn là những trang viết của bạn bè, đồng đội của ông nhớ lại một thời đã cùng ông đồng hành trong chiến đấu và xây dựng. Trong đó có cả những trang viết của các nhà văn. Nhân vật chính của họ là Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng) như một người lính già trong câu thơ cổ thời Trần: “Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong…”.

|
(BTN) - Tập hồi ký “Trên nẻo đường quê hương của người lính Bác Hồ Đặng Văn Thượng” không đơn thuần là hồi ký. Đây còn là những trang viết của bạn bè, đồng đội của ông nhớ lại một thời đã cùng ông đồng hành trong chiến đấu và xây dựng. Trong đó có cả những trang viết của các nhà văn. Nhân vật chính của họ là Đặng Văn Thượng (Sáu Thượng) như một người lính già trong câu thơ cổ thời Trần: “Người lính già đầu bạc/ Kể mãi chuyện Nguyên Phong…”.
Nhiều cán bộ lão thành Tây Ninh cũng có bài viết về thời kỳ được công tác cùng ông. Như các ông Huỳnh Văn Tam- (nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Văn Thanh- nguyên Bí thư Huyện uỷ Châu Thành, Sáu Nghĩa- nguyên Chánh án TAND tỉnh…
Một trong những câu chuyện ấy, là ngay trong những thời điểm ngặt nghèo- vừa chiến đấu vừa xây dựng, ông Sáu Thượng vẫn không quên những chuyện như vấn đề tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng và tôn giáo của nhân dân.
Một chuyện còn nhỏ hơn nữa nhưng dễ làm người đọc xúc động là chuyện của ông Sáu Nghĩa: “Một lần thanh tra trại giam, bài học nhớ đời”. Bài học ấy là việc phát hiện và giải oan cho một phạm nhân nữ mới 16 tuổi. Có một chi tiết đáng nhớ là ông Sáu chỉ đạo: “Khi về, cho phép tôi và anh Chín Nghĩa khăn đóng áo dài xuống tận nhà cháu, xin lỗi gia đình, nếu cần phải lạy tạ tội thì cũng phải làm…”.
Những câu chuyện trên đây, đến nay vẫn còn là thời sự!
Còn một chuyện có lẽ rất ít người biết, là thời kỳ làm Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh, ông Sáu Thượng từng có một số truyện ngắn đăng trên tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Nhà văn Nguyễn Đức Thiện nhớ lại một lần được gặp ông khi ông đi họp Hà Nội và được mời đến Toà soạn Tạp chí lĩnh nhuận bút. Sau lần gặp nhau ấy, có ba nhà văn đang làm việc ở Thái Nguyên- ngoài Nguyễn Đức Thiện còn có Vi Hồng và Hồ Thuỷ Giang được ông Sáu trân trọng viết thư mời về Tây Ninh công tác.
Thế nhưng do hoàn cảnh riêng của mỗi người nên chỉ có Nguyễn Đức Thiện tìm vào. Anh trở thành phóng viên của Đài Phát thanh Truyền hình Tây Ninh và là Phó trưởng Phòng Biên tập trước lúc nghỉ hưu. Từ ấy, hình ảnh ông Sáu Thượng- Đặng Văn Thượng đã đi vào trang viết của nhà văn Nguyễn Đức Thiện trong một số truyện ký. Một trong những truyện ấy là “Phía sau gương mặt người” đã được trao giải Nhất cuộc thi truyện ngắn 2 năm của tuần báo Văn Nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam).
Người lính Bác Hồ- Đặng Văn Thượng trước kia, đã là Bí thư Tỉnh uỷ Tây Ninh những năm 1982 - 1986. Cuộc đời chiến sĩ và cán bộ cách mạng của ông đã trải dài gần 60 năm. Đọc ông và bạn bè đồng đội viết về ông, mới hiểu rõ hơn về một người lãnh đạo thuộc “típ người” dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm mà thời đại công nghiệp hoá hiện đại hoá ngày nay đang đòi hỏi.
Vậy nên, cho dù ông có khiêm tốn nói rằng tập sách này chỉ là: “chút kỷ niệm nhỏ của bản thân với gia đình con cháu và đồng chí đồng đội, vừa mong được như lời tâm sự, nhắn gửi tới thế hệ trẻ tiếp tục giữ gìn, phát huy truyền thống trung dũng, kiên cường…” thì vẫn là một tài liệu quý cho những ai đang tiếp nối sự nghiệp cách mạng của cha anh. Xin chép một đoạn thơ của ông trong bài “Tình đồng đội” thay cho lời kết: “Ngày nay nhiệm vụ đã tròn/ Tuy vui mà vẫn hãy còn vấn vương/ Nhớ đồng đội, nhớ chiến trường/ Nhớ bao đồng chí thân thương không về…”.
Ông đã đi xa nhưng ai đã từng biết, từng tiếp xúc hoặc làm việc cùng ông đều không thể quên một con người có tác phong giản dị, ở mỗi động tác, mỗi cử chỉ đều biểu hiện tình người ấm áp. Và chuyện này thì người dân Tây Ninh có lẽ chẳng ai quên, đấy là chuyện lòng hồ Dầu Tiếng- hồ thuỷ lợi lớn nhất nước đã hoàn thành năm 1985, trong nhiệm kỳ ông Sáu Thượng làm Bí thư Tỉnh uỷ. Dòng nước mát lành trong trẻo này sẽ còn chảy mãi đến mai sau.
NGUYỄN QUỐC VIỆT