"Đã thành hương ước từ ngàn xưa, gia đình nào trong buôn có người thọ trên 70 tuổi là phải làm lễ tạ lộc thọ. Thường việc tổ chức lễ vào mùa xuân đầu năm mới hoặc sau khi thu hoạch vụ mùa xong...".
"Đã thành hương ước từ ngàn xưa, gia đình nào trong buôn có người thọ trên 70 tuổi là phải làm lễ tạ lộc thọ. Thường việc tổ chức lễ vào mùa xuân đầu năm mới hoặc sau khi thu hoạch vụ mùa xong...".
Trước ngày tổ chức lễ tạ lộc thọ, người chủ trong gia đình sẽ đến gặp già làng vừa là xin phép, vừa là mời già đến làm lễ giúp.
Một buổi lễ tạ lộc thọ |
Khi được già làng đồng ý, người này về nhà huy động con cháu chuẩn bị những lễ vật, lương thực, thực phẩm gà, lợn, ché rượu cần, gạo nếp loại ngon nhất, rau rừng… để làm món ăn trong ngày cúng; đồng thời phân công người đi báo tin mời bà con, họ hàng trong buôn tham dự.
Trong lễ, ngoài những món ăn truyền thống như cơm lam, canh thịt, thịt nướng… không thể thiếu cây nêu được trang trí hình hài những loài chim, thú rất công phu… để thể hiện sự tôn nghiêm, tôn kính thần linh. Lễ tạ lộc thọ được tổ chức ngay tại gian thờ hoặc sân chính của gia đình.
Vào ngày lành diễn ra lễ tạ, bên cạnh cây nêu là những ché rượu cần được xếp hai bên con gà… Già làng thực hiện nghi lễ cầu nguyện, cảm ơn Yàng (thần sông, thần núi, thần lúa…) đã mang lại ấm no hạnh phúc cho gia đình, tạ ơn Yàng đã ban cho những người được mừng tuổi, mong phù hộ họ sống lâu trăm tuổi…
Sau lời cúng của già làng, cùng tiếng chiêng trống vang lên rộn rã, rồi thịt gà, heo được mang đến nướng sẵn sàng bên lửa hồng để đãi dòng họ, bà con trong buôn.
Tiếp nghi lễ cúng cầu Yàng, già làng tiến hành nghi thức trao vòng sức khỏe cho người được tạ lộc thọ, đút nắm cơm nếp thơm, uống rượu cần ngon. Cuối cùng, con cháu thực hiện các nghi lễ dâng mừng sức khỏe cho cha mẹ, ông bà, thể hiện sự biết ơn công lao của họ.
Ngày nay, tại buôn của đồng bào Mạ, lễ tạ lộc thọ thường được tổ chức dưới hình thức tập thể chung cho cả buôn làng tại bến nước, đầu làng thành một lễ cúng lớn và trang trọng, cả buôn tham gia. Trong ngày vui đó, tiếng chiêng, tiếng trống là món ăn tinh thần không thể thiếu. Những bài chiêng nói về cuộc sống lao động, sự biết ơn các Yàng sẽ được thể hiện trong suốt ngày diễn ra lễ.
"Cuộc sống thay đổi, những ảnh hưởng của văn hóa hiện đại và phương thức làm ăn mới khiến cho phong tục tạ lộc thọ của người Mạ ta ít nhiều bị mai một. Muốn giữ lại những nét đẹp của phong tục ấy chỉ còn cách là thường xuyên tổ chức các buổi lễ, đồng thời nhắc nhở để cháu con không quên, không lơ là với truyền thống văn hóa của cha ông..." - già KTiêng, nghệ nhân Cồng chiêng có tiếng ở Đăk Nông chia sẻ.
K.D (st)