Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
(BTNO) - Do nguyên liệu khan dần mà thợ đá ở đây có sáng kiến cho máy cưa ra từng tấm nhỏ như viên gạch lát. Người mua về ốp lên tường gạch xây là có ngay một bức tường y hệt được xây bằng đá ong. Nhưng phổ biến hơn vẫn là nghề cưa cắt đục chạm đá xanh (granitte) làm đá mộ, bia và hàng mỹ nghệ.

|
Sản phẩm đá Sáu Phước.
Tây Ninh có núi Bà cao nhất Nam bộ. Vậy nên cũng nhiều nơi có nghề làm đá núi Bà. Như ở phường Ninh Sơn gần chân núi từng có nghề chẻ đá. Trước đây khoảng 10 năm vẫn còn thấy đá chẻ xếp thành đống bên lề đường 785 cho khách qua đường dễ chọn, đặt mua. Ninh Thạnh cũng có nơi chuyên về đá ong, còn gọi là đá đỏ.
Do nguyên liệu khan dần mà thợ đá ở đây có sáng kiến cho máy cưa ra từng tấm nhỏ như viên gạch lát. Người mua về ốp lên tường gạch xây là có ngay một bức tường y hệt được xây bằng đá ong. Nhưng phổ biến hơn vẫn là nghề cưa cắt đục chạm đá xanh (granitte) làm đá mộ, bia và hàng mỹ nghệ.
Xã Long Thành Trung thuộc huyện Hoà Thành cũng có ở vài nơi. Còn ở phường Hiệp Ninh, đối diện cổng số 2 Toà thánh có đến gần chục hộ chí chát đẽo đục suốt ngày… Người làm đá thì nhiều nhưng đam mê đến độ khiến đá thăng hoa thành nghệ thuật thì có lẽ phải kể đến anh Sáu Phước.
Tiệm đá của anh Sáu Phước nằm kề bên quốc lộ 22B, nối TP Tây Ninh với thị trấn Gò Dầu hẳn có người đã biết. Nó nằm ở ngay ấp Long Trung, xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành. Thoạt đầu, nó chỉ là một gian hiên ngay trước ngôi nhà anh ở.
Nay anh đã thuê thêm một khuôn vườn cách nhà vài chục mét làm xưởng thợ. Ngôi nhà cũ vẫn trưng bày la liệt các sản phẩm đã hoàn thành. Chao ôi! Chỉ nhìn một gian nhà này thôi, cũng đủ để cho ta mê man nhìn ngắm. Lớp ngoài là một cụ rùa to như chiếc xuồng con úp ngược. Cụ đang ngóc cổ lên mà nhìn ngắm dòng xe của thời hiện đại xuôi ngược trên đường. Trên lưng cụ rùa là tấm bia đá đen có riềm hoa văn trang trí bằng đá xám.
Bia cao mét rưỡi nên chắc cả rùa lẫn bia quá nặng. Anh Sáu Phước đã phải kê thêm cho cụ rùa cả một vỏ xe ô tô để khỏi lún xuống mặt sân. Cạnh nơi cụ rùa có chum đá, lư hương toàn loại lớn dùng ở những nơi công cộng thì mới xứng. Vào bên trong là mấy lớp bàn đá, kệ đá bày toàn những đá. Nơi thì đá tạo hình các đôi sư tử, kỳ lân, đôi chễm chệ ngồi, đôi cong lưng rướn người như sắp nhảy vọt lên phía trước.
Chỗ lại la liệt các loại hộp đèn đá, bầu đèn vuông tròn đủ cả nhưng đều thống nhất ở mái nhọn, vòm cong. Rồi các loại bình bông bày chung với bộ tượng Phật bà Quan Âm cao hơn nửa mét. Lại có cả những viên đá tròn vo đen bóng mà người thời nay quen gọi đá phong thuỷ…
Cho tới các dãy kệ xếp đầy cả các vật dụng tưởng như đã hết thời như cối xay đá và viên đá tán chân cột. Nhưng, dù chẳng còn ai xay bột, xay bắp bằng cối nữa, thì những chiếc cối đá xinh xẻo kia cũng thật đáng nằm trong tủ ly gương để bày chơi cho đẹp cửa nhà.
Lại có cả những vật dụng lớn hơn làm từ nguyên khối đá. Như cả một ngôi miếu thờ, nằm trên bốn cột chống kiểu miễu ông Tà. Hoặc bộ bàn ghế anh Sáu Phước tiếp khách đây, mặt bàn tròn đá dày tấc rưỡi, thú vị hơn là bộ ghế có lưng tựa nguyên một khối mà do người ngồi nhiều nên đã bóng đen. Và trong hàng chục món đá tạo hình, cũng còn một thứ thoạt nhìn khó đoán. Đấy là ở búp trên của trụ đá mộ, thay vì một búp sen thì anh Sáu đã đẽo tạc nên một trái măng cụt, thứ trái quý của miền Nam bộ.
|
Phù điêu long hổ.
Rất nhiều tác phẩm đá của tiệm anh Sáu Phước có thể coi là tác phẩm điêu khắc nghệ thuật. Như hai pho tượng Bà Đen và Bà Chúa Xứ đặt trong chùa Gò Kén. Như tượng ông Di Lạc chắc nặng tới cả tấn kia lúc nào cũng rộng miệng nụ cười tươi. Bên xưởng đá gần đấy có một tấm phù điêu tạc hình một con hổ và một con rồng đang giao đấu.
Rồng đang oằn mình há mồm phun lửa. Hổ cũng đang há miệng nhe nanh. Xem tấm phù điêu này giữa hàng chục tác phẩm đá còn xếp dựng ngổn ngang lại chợt nhớ đến ngôi đền cổ ở làng Đường Lâm- Hà Nội. Giá như họ biết đến tài nghệ anh Sáu Phước ở Tây Ninh mà mời ra đẽo đá cho tấm bình phong có hình “ông Cọp” thì làm gì đến nỗi bức tường phù điêu lại bị đập bỏ đi.
Sang xưởng tìm anh Sáu, anh đang cắm cúi xuống mặt đá, tay cầm máy khoan cắt nhỏ xoi từng con chữ. Chuyện trò rồi mới biết rằng anh theo nghề đá đã đúng 24 năm, hai con giáp còn gì. Anh bảo, dạo mới vào nghề, còn cơ cực bội phần, vì toàn phải quai búa và đục đẽo bằng tay, chứ máy móc như bây giờ làm gì có! Mà dẫu là máy móc như hiện nay thì mỗi lần cưa, xẻ để tạo hình cho đá cũng cứ là bụi bay mù mịt, máy kêu váng óc.
Vâng! Mặc cho giữa nắng chang chang, mặc cho tiếng máy ré lên và bụi bay trắng mặt mũi áo quần thì anh cùng bốn năm người thợ cùng làm vẫn cần mẫn, vẫn xoay quanh từng tảng đá. Anh bảo, từ ngày Nhà nước đóng cửa triệt để các mỏ đá thì tình hình nguyên liệu khó hơn, tuy vẫn còn chỗ mua được đá núi Bà nhưng giá cao hơn gấp 3 lần. Thương lái các tỉnh đến chào bán đá miền Trung giá rẻ, đá lại mềm và dễ làm hơn nhưng anh chẳng màng. Có một công ty bên Campuchia sang mời về làm điêu khắc đá anh cũng không đồng ý.
Thật chẳng ai như anh Sáu Phước. Với anh, thì đá dù cứng, dù dai, dù mắc anh vẫn thuỷ chung với granite núi Bà. Một là chỉ có đá ấy mới “trơ gan cùng tuế nguyệt”. Hai là anh muốn vinh danh cho đá núi quê hương.
TRẦN VŨ