Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Người “nặng lòng” với cây sầu riêng
Thứ hai: 12:19 ngày 12/06/2017

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Khởi nghiệp từ 2,7 ha đất thừa hưởng từ gia đình, ông Phan Hùng Vương (sinh năm 1963, ở ấp Lộc Hoà, xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng) là một trong những người đầu tiên trong xã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đưa sầu riêng sạch đến với người tiêu dùng.

Ông Vương trên vườn sầu riêng.

Ông Vương chia sẻ, năm nay ông 54 tuổi, là dân “gốc” ở xã Lộc Hưng. Năm 1984, ông tốt nghiệp Trường cao đẳng Giao thông vận tải (TP. Hồ Chí Minh) ngành cơ khí sửa chữa ô tô và xin vào làm thợ trong một cơ sở ở huyện Hoà Thành.

Giữa năm 1996, ông được thừa kế phần đất 2,7 ha do cha mẹ để lại ở xã Lộc Hưng. Ông cùng vợ và 2 con trai dời về Trảng Bàng và bắt đầu khởi nghiệp trên mảnh đất gần như bị “bỏ hoang” này.

Năm 1998, ông đi một số tỉnh miền Tây, miền Đông tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm trồng cây sầu riêng. Sau đó, ông quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất này sang trồng sầu riêng giống Ri 6 và đào ao nuôi cá theo mô hình VAC. 

Cách đây 15 năm, lần đầu tiên vườn sầu riêng của ông Vương bắt đầu cho thu hoạch, nguồn lợi tăng cao đáng kể. Các năm sau đó, mức thu nhập của gia đình ông tiếp tục tăng do sản lượng tăng và luôn bán được giá.

Hiện nay, vườn sầu riêng nhà của ông có 300 cây, trong đó một nửa đang thu hoạch. Ông Vương cho biết, mỗi cây cho từ 40-50 trái, mỗi trái nặng từ 2-4 kg, giá thu mua từ 45.000 đồng - 50.000 đồng/kg, sau mỗi vụ, ông thu trên 1,5 tỷ đồng từ vườn sầu riêng sau khi đã trừ hết các khoản chi phí. 

Ông Vương chia sẻ: “Nhờ cây sầu riêng mà gia đình tôi được cải thiện đời sống, các con tôi được học hành tử tế”. Hiện tại, người con trai lớn của ông đã tốt nghiệp Trường đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh, ngành Cơ khí chế tạo máy và đang làm việc tại Nhật, còn người con trai nhỏ đang là sinh viên năm thứ ba Trường đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh.

Hiện ông Vương đã mua thêm 3 ha đất đầu tư trồng thanh long ruột đỏ, giữa khoảng cách các trụ ông trồng xen sầu riêng giống Ri 6. Ông nói: “Trồng sầu riêng 5 năm mới cho trái, nhưng thanh long chỉ 8 tháng là thu hoạch. Tôi đang đầu tư trồng thanh long theo tiêu chuẩn công nghệ cao, sạch”.

Ông Trần Văn Lâu- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Hưng cho biết, ông Vương là một trong số những hội viên tiêu biểu cho phong trào nông dân sản xuất giỏi của xã Lộc Hưng. Ông đã gắn bó với cây sầu riêng hơn 20 năm qua. Hiệu quả thực tế từ việc trồng sầu riêng của ông sẽ giúp nhiều người dân tự tin chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế gia đình, từng bước đa dạng hoá cây trồng ở địa phương. 

TÂM GIANG

Tin cùng chuyên mục